10.000 người nhập cư Bắc Kinh bỗng dưng mất nhà
Người lao động chỉ được thông báo trước hai ngày, có trường hợp chỉ vài giờ, để dọn tất cả đồ đạc trước khi các toà nhà bị kéo sập.
10.000 người nhập cư Bắc Kinh bỗng dưng mất nhà.
Người lao động chỉ được thông báo trước hai ngày, có trường hợp chỉ vài giờ, để dọn tất cả đồ đạc trước khi các toà nhà bị kéo sập.
Bắc Kinh đang tuyên chiến với nhà ở thiếu an toàn tại thủ đô, nhưng nhà chức trách dường như cố tình bỏ qua câu hỏi liệu cuộc sống của hàng ngàn người lao động sẽ ra sao khi họ đột ngột thành người vô gia cư giữa mùa đông khắc nghiệt.
Họ là những con người bằng xương bằng thịt, những người lao động ở tầng lớp dưới cùng đã giữ cho đại đô thị Bắc Kinh vận hành bình thường và họ xứng đáng được tôn trọng, thấu hiểu từ bất cứ ai trong chúng ta
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV
Dân bị động
Theo báo New York Times (NYT) của Mỹ, chiến dịch 40 ngày xóa bỏ nhà cửa không an toàn ở thủ đô Bắc Kinh đang gây ra khủng hoảng chỗ ở cho người lao động nhập cư. Chiến dịch này được phát động ngay sau khi xảy ra vụ cháy ở một xưởng gia công hàng may mặc, nơi sinh sống của nhiều người lao động nhập cư, làm chết 19 người hôm 18-11.
Đích thân Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ đưa ra yêu cầu vào ngày 21-11, nên việc thừa hành đã diễn ra hết sức gấp gáp và quyết liệt.
Tuyên bố của lãnh đạo một quận ở nam Bắc Kinh có đoạn: “Bắt đầu từ hôm nay, hãy kéo sập những gì cần kéo sập, đừng chờ đến ngày mai”.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, những người lao động nhập cư cho biết chính quyền làm quá nhanh khiến họ không kịp chuẩn bị, người dân ở thế bị động và chỉ có ít giờ vận chuyển đồ nội thất, hành lý, quần áo, đồ làm bếp ra khỏi nhà.
“Họ gọi chúng tôi lúc 5h sáng, tới 8h, đoàn người đã đến với đầy đủ thiết bị để kéo sập ngôi nhà. Trong vòng chỉ một giờ, họ đã san bằng cả một khu vực” – ông Bi Yan’ao, 54 tuổi, người lao động nhập cư đã sống ở Bắc Kinh 13 năm, kể lại với AP. Ông Bi cho biết sau đó đã phải đi ở nhờ nhà một người bà con.
Báo NYT mô tả một phần của Bắc Kinh như trở thành bình địa khi những nơi trước đây là các toànhà, nhà xưởng hoặc cửa hàng giờ chỉ còn là một đống ngổn ngang các bức tường vỡ. Đây là những toà nhà, theo chính quyền, đã xuống cấp hoặc vi phạm luật xây dựng.
Luo Haigang – 42 tuổi, cư dân một tòa nhà ở đông nam Bắc Kinh, nhận được yêu cầu rời đi chỉ 48 giờ trước khi toà nhà bị đập – cho biết: “Họ chưa bao giờ nói toà nhà là bất hợp pháp khi nó được xây cất, hoặc khi họ đến thanh tra, hoặc khi chúng tôi trả tiền thuê. Đùng một cái, bây giờ chúng tôi bị yêu cầu phải rời đi mà không có một lời giải thích”.
Theo báo NYT, đến ngày 30-11, cảnh sát, lực lượng an ninh đã đuổi 10.000 người lao động nhập cư khỏi các căn hộ được cho là không an toàn mà họ đang sinh sống.
Vì dân?
Chính quyền Bắc Kinh cho biết hành động trên là vì sự an toàn của người dân. Tuy nhiên, cư dân thủ đô của Trung Quốc và nhất là người lao động nhập cư, nhân vật chính trong câu chuyện này, lại cho rằng chính quyền mượn vụ cháy với 19 nạn nhân mới đây làm bình phong để đuổi người nhập cư nhằm giảm sức ép dân số cho Bắc Kinh – hiện hơn 20 triệu người.
Câu chuyện của hàng ngàn người mất nhà trong khi mùa đông Bắc Kinh đang đến khiến dân tình giận dữ chất vấn chính quyền tại sao lại quá mạnh tay, trong khi người lao động nhập cư đã chịu rất nhiều thiệt thòi về chính sách và phúc lợi khi sống ở thủ đô.
Không có hộ khẩu, người lao động nhập cư không có các quyền lợi về giáo dục, y tế và nhà ở bình đẳng với những người Bắc Kinh có quyển sổ hộ khẩu lận lưng. Trong khi đó, họ lại là trụ cột kinh tế của thủ đô.
“Làm sao Bắc Kinh có thể vận hành mà thiếu chúng tôi – những người lao động nhập cư? Chúng tôi làm mọi việc mà người địa phương không làm, từ giúp việc nhà, bán hàng siêu thị, đồ ăn nấu sẵn, cắt tóc, bán điện thoại cho đến việc xây dựng các tòa nhà chọc trời” – một người nhập cư tên Shi nói.
Phớt lờ
Sau gần hai tuần, lãnh đạo thành phố Bắc Kinh vẫn phớt lờ những lời phàn nàn của người dân. Hình ảnh những người lao động kéo lê hành lý trên đường trong đêm lạnh được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội đã thổi bùng lên một làn sóng giận dữ ở Trung Quốc. Một số báo chí chính thống cũng đã lên tiếng, trong đó có Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.