THAAD thêm dầu vào lò lửa Triều Tiên
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc sẽ là giải pháp hay ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên?
THAAD thêm dầu vào lò lửa Triều Tiên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc sẽ là giải pháp hay ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên?
Người dân Hàn Quốc biểu tình khi xe quân sự chở hệ thống THAAD của Mỹ xuất hiện tại Seongju, Hàn Quốc ngày 26-4 – Ảnh: Yonhap/Reuters |
“Thử hạt nhân là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng cường lực lượng hạt nhân của chúng tôi. Ngày nào Mỹ còn tiếp tục hành động xâm lược, chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng thử hạt nhân và tên lửa |
Ông Sok Chol Won (giám đốc Viện nhân quyền thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Triều Tiên) |
Hai ngày qua, bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên trở nên ngột ngạt hơn sau khi các quan chức Mỹ và Hàn Quốc thông báo quá trình lắp đặt hệ thống THAAD đã được đẩy nhanh và gần hoàn tất. Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối, doạ sẽ “thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích”. Tuy chưa rõ Bắc Kinh sẽ trả đũa bằng cách nào ngoài đòn kinh tế nhắm vào doanh nghiệp Hàn Quốc như thời gian qua, có thể nói đây không phải là một tiến triển theo hướng tốt.
Ván cờ nhanh
Theo Reuters, Hàn Quốc ngày 26-4 cho biết các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đã tập kết đến một địa điểm vốn trước đây là sân golf nằm cách thủ đô Seoul 250km về phía nam – nhanh hơn dự kiến. Trong phiên điều trần cùng ngày trước Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đô đốc Harry Harris – chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương – khẳng định THAAD sẽ bắt đầu vận hành và ở trạng thái trực chiến “trong vài ngày tới”, tăng cường khả năng phòng thủ cho đồng minh Hàn Quốc và 28.500 lính Mỹ tại nước này.
Các nhà quan sát bình luận Mỹ – Hàn gấp rút triển khai THAAD không chỉ vì Triều Tiên, một lý do khác đó là nếu chậm trễ hơn nữa, chương trình THAAD có thể hoàn toàn phá sản. Thứ nhất, dư luận tại Hàn Quốc không phải ai cũng đồng tình với cách làm này, nhất là dân địa phương nơi THAAD được triển khai. Khi đoàn xe quân sự chở các thiết bị xuất hiện hôm 26-4, hàng trăm người dân đã đổ ra đường ném chai lọ thể hiện sự phản đối.
Thứ hai, các ứng viên tranh cử tổng thống Hàn Quốc không chia sẻ cùng quan điểm về THAAD. Chẳng hạn ông Moon Jae In, ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Nhà Xanh, giữ quan điểm rằng việc triển khai THAAD “không thông qua ý kiến của nhân dân và cần phải hủy bỏ”. Đây có lẽ là yếu tố quan trọng khiến chính quyền hiện tại của quyền Tổng thống Hwang Kyo Ahn phải đẩy nhanh tốc độ triển khai THAAD trước ngày bầu cử 9-5.
Ngoài ra, áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc cũng gây tác động không nhỏ. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bài xã luận ngày 26-4 chỉ trích Seoul “phá hoại” nỗ lực làm giảm căng thẳng bán đảo Triều Tiên, đi kèm là một lời cảnh báo cứng rắn: “Hàn Quốc phải trả giá cho sự ngông cuồng. Seoul, bằng cách biến bán đảo Triều Tiên thành thùng thuốc súng cùng với Bình Nhưỡng, đang đùa với lửa”.
Ngoại giao và “trừng phạt chớp nhoáng”
Ngày 27-4, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan Jin đã có cuộc điện đàm với đồng sự người Mỹ H. R. McMaster về vấn đề Triều Tiên. Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hai bên đã thống nhất sẽ áp dụng “các biện pháp trừng phạt chớp nhoáng” nếu Bình Nhưỡng có thêm bất cứ hành động khiêu khích nào.
Đây được xem là câu trả lời của Mỹ – Hàn trước tuyên bố của một quan chức Triều Tiên rằng họ sẽ đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa để đáp lại “hành động thù địch của Mỹ”. Một biện pháp trừng phạt cụ thể tuyên bố chung có nhắc đến là một nghị quyết mới từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tuy nhiên tính chất của nó không được nói rõ.
Mặc dù cảnh báo “tất cả phương án đã sẵn sàng”, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh trước tiên cần buộc Triều Tiên giải thể chương trình vũ khí thông qua áp lực ngoại giao và các biện pháp cấm vận cứng rắn hơn. Nhưng thông điệp “ưu tiên ngoại giao” này không hiểu đủ sức thuyết phục không, giữa lúc hạm đội tàu sân bay USS Carl Vinson đang áp sát vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và sẽ nhập nhóm với tàu ngầm hạt nhân USS Michigan.
Trả lời phỏng vấn Đài CNN ngày 26-4, ông Sok Chol Won, giám đốc Viện nhân quyền thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Triều Tiên, khẳng định Bình Nhưỡng “sẽ không bao giờ” ngưng các vụ thử hạt nhân nếu Mỹ vẫn tiếp tục duy trì “hành động xâm lược”.
Triều Tiên nhờ ASEAN lên tiếng Theo AFP, trong một lá thư đề ngày 23-3 gửi tổng thư ký ASEAN, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cho rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang “tiến tới bờ vực chiến tranh” do các hành động của Mỹ. Quan chức này đã kêu gọi người đứng đầu ASEAN thông báo với các ngoại trưởng của khối về tình hình hiện nay tại bán đảo Triều Tiên và “đưa ra cho họ một đề xuất phù hợp”. Ngày 27-4, phó ban tham mưu liên hợp thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc – thiếu tướng Thiệu Nguyên Minh cho biết Bắc Kinh đang đề xuất hoãn đồng thời chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các cuộc tập trận chung quy mô lớn Mỹ – Hàn. Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo phản đối sự xuất hiện của THAAD tại Hàn Quốc, yêu cầu Mỹ rút hệ thống này về nước. |