28/11/2024

Ông tiến sĩ đi vận động học nghề

Trước “làn sóng” học ĐH, tiến sĩ Trần Công Chánh đi tìm học sinh, hướng nghiệp và khơi gợi sở thích, sở trường để các em lựa chọn nghề.

 

Ông tiến sĩ đi vận động học nghề.

 

 Trước “làn sóng” học ĐH, tiến sĩ Trần Công Chánh đi tìm học sinh, hướng nghiệp và khơi gợi sở thích, sở trường để các em lựa chọn nghề.


Ông tiến sĩ đi vận động học nghề - Ảnh 1.

Ông Trần Công Chánh cùng học viên của trường – Ảnh: THUỲ TRANG

“Học sinh không tìm mình, mình sẽ tìm học sinh. Nhưng không dụ dỗ, chỉ hướng nghiệp và khơi gợi sở thích, sở trường để các em lựa chọn đúng đường…”, tiến sĩ Trần Công Chánh – hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bạc Liêu, nói.

Và ông Chánh lập một ban vận động đến trường THPT, THCS gặp từng học sinh và cả phụ huynh để nói về tương lai của việc học nghề.

Hướng nghiệp tận nhà

Hằng tuần, ông Chánh và đội tư vấn đến trường phổ thông gặp gỡ, tìm hiểu nguyện vọng của học sinh. 

 

 

“Phần lớn học sinh nông thôn rất rụt rè. Đến một lần không được, đến lần hai, lần ba, dần dần các em xem mình không phải là thầy cô nữa, trò chuyện dạn dĩ hơn. Khi đó ưu điểm, yếu điểm các em mình sẽ hiểu va mình định hướng, cho lời khuyên thì các em rất tin tưởng” – ông Chánh “bật mí”.

Khi học sinh quan tâm đến học nghề nhưng gia đình khó khăn, ông Chánh ghi lại thông tin để đến nhà, gặp phụ huynh phân tích rõ con đường học tập: Học ĐH có hai đường. Một là đi thẳng lên ĐH. Hai là học nghề rồi dần dần học lên cũng chạm đích ĐH. 

“Phụ huynh nghe tới chữ ĐH là… chịu rồi và hỏi tiếp: Con em mình tốn kém gì không? Tôi phân tích với THCS nhà trường lo hết, chỉ cần theo trường ba năm là có bằng trung cấp nghề. Song song đó các em cũng được học bổ túc văn hoá. 

Học lên cấp III ba năm chỉ có bằng phổ thông. Còn học trường nghề vừa có bằng phổ thông vừa có bằng nghề. Các em muốn lấy bằng nào thi ĐH cũng được. Phụ huynh không mất mà được hết. Con cái học an toàn, không xa nhà…”.

Rồi ông hiệu trưởng trường nghề tâm sự thêm: “Lối mòn phải học ĐH của nhiều bậc cha mẹ vô tình làm hại chứ không phải thương con. Bởi có em thích làm việc trí óc, có em lại làm việc bằng đôi tay rất khéo léo, hay chỉ một số ít kết hợp cả hai, tuỳ theo đặc điểm tâm sinh lý”.

Khi thực hiện kế hoạch đưa giáo viên đi hướng nghiệp tận nhà, tỉ lệ tuyển sinh hằng năm của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bạc Liêu đều tăng. Cụ thể: năm 2014-2015 chỉ tiêu tuyển sinh là 1.100, tuyển được 856; năm 2015-2016 chỉ tiêu 1.355, tuyển 996; năm 2016-2017 chỉ tiêu 1.355, tuyển hơn 1.000 sinh viên. 

Đó là chưa kể những lớp đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ năng dành cho cán bộ đang làm việc. Hiện các ngành chủ lực của trường đông sinh viên theo học là nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi thú y, kế toán doanh nghiệp, trồng trọt và bảo vệ thực vật.

Tùy năng lực học sinh

Hầu hết nông dân mình bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để mong con vào ĐH. Nhưng thực chất một học trò không đủ năng lực mà cố gượng ép vào khuôn ĐH ra trường khó xin được việc. Vậy nên mới có tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp nhan nhản

TS Trần Công Chánh

Bạn Trần Mỹ Tiên, lớp trung cấp chăn nuôi thú y, tâm sự: “Trước đây tôi cũng định vô ĐH. Nhưng sau khi nghe thầy Chánh phân tích, tôi chọn nơi học sao cho vừa tiết kiệm chi phí gia đình. Ra làm nghề ổn định rồi học thêm nữa không muộn”. 

Về việc học ở trường, Tiên kể khi vào học chỉ nghĩ học để biết cách nuôi, trị bệnh gia súc gia cầm, thậm chí làm sao bán sản phẩm giá cao chứ không nghĩ trước tiên phải làm ra sản phẩm tốt. 

“Chúng tôi được thực hành nhiều và được dạy phải để chữ tâm vào sản xuất, nhất là trong chăn nuôi. Nên ra trường tôi sẽ phát triển theo hướng sản xuất thực phẩm sạch” – Tiên nói thêm. 

Để sinh viên thạo nghề, tất cả việc nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt hay dọn dẹp phân heo, phân gà… đều do sinh viên phụ trách.

Ông Chánh bảo hướng nghiệp cho học sinh không phải làm cho trường mà cho cộng đồng. “Có những em muốn học cơ khí, y dược tôi hướng dẫn qua trường khác có đào tạo. Phát hiện em nào thích nghề gì ở trường có thì dạy, không thì cung cấp thông tin”. 

Ông hiệu trưởng cũng hồ hởi cho biết hiện nay học nghề dễ tìm việc nên sinh viên trường ông ra trường đều có việc làm, nhất là các khối nông nghiệp đều được các công ty, trạm nông nghiệp nhận hết.

“Các công ty liên hệ liên tục, thậm chí “đặt cọc” những sinh viên chưa ra trường. Các em ra trường vừa đúng tuổi lao động là có việc làm ngay, một thời gian sau lại học liên thông lên ĐH” – ông Chánh bảo vậy.

Heo, gà sạch “made in sinh viên”

Cô Nguyễn Thị Kim Thi – chủ tịch công đoàn trường – cho hay trường là nơi cung cấp thịt heo, gà, vịt sạch của sinh viên nuôi theo kiểu truyền thống cho nhiều gia đình.

“Trước đây còn bày bán chứ giờ phần lớn người mua đặt trước hết. Giờ thầy cô và sinh viên cố gắng không chỉ cuối tuần mà mỗi ngày đều có sản phẩm phục vụ người dân” – cô Thi nói.

THUỲ TRANG