28/11/2024

Sinh viên vô hội đồng trường: ‘Chẳng giải quyết được gì’?

Theo Bộ GD-ĐT, tham gia hội đồng trường, sinh viên có thể phản biện hoặc góp ý vào các chiến lược phát triển của nhà trường. Nhưng sinh viên nghĩ khác.

 

Sinh viên vô hội đồng trường: ‘Chẳng giải quyết được gì’?

 

Theo Bộ GD-ĐT, tham gia hội đồng trường, sinh viên có thể phản biện hoặc góp ý vào các chiến lược phát triển của nhà trường. Nhưng sinh viên nghĩ khác.


Sinh viên vô hội đồng trường: Chẳng giải quyết được gì? - Ảnh 1.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT, bộ đưa đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường. Trong ảnh: buổi đối thoại giữa đại diện sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với lãnh đạo trường – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngày 30-11, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý hai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cùng đại diện các sở GD-ĐT, các trường ĐH khu vực miền núi phía Bắc.

Dễ rơi vào hình thức

Tại hội thảo, với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, chủ đề được các trường đặc biệt quan tâm là hội đồng trường.

 

 

Dù Bộ GD-ĐT nhấn mạnh dự thảo sẽ khắc phục những bất cập của luật hiện hành khiến hội đồng trường không có thực quyền, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng với quy định của dự thảo thì hội đồng trường cũng vẫn dễ rơi vào hình thức.

Ông Nguyễn Bình Nhự – chủ tịch hội đồng trường ĐH Nông lâm Bắc Giang – đề nghị phải sửa quy định về chủ tịch hội đồng trường, để thấy vai trò khác với các thành viên khác trong hội đồng trường. 

Ngoài ra, để chủ tịch hội đồng trường thực sự có thực quyền thì phải nâng tiêu chuẩn của vị trí này, trong đó có tiêu chuẩn cụ thể về trình độ – ít nhất phải bằng hiệu trưởng, hoặc có thể cao hơn.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị điều chỉnh tỉ lệ thành viên hội đồng trường từ người trong và ngoài trường. 

Ông Nguyễn Ngọc Nông, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm – ĐH Thái Nguyên, thừa nhận vai trò thành viên bên ngoài tham gia hội đồng trường quan trọng, nhưng không nên quá nhiều. 

Ông Nông đề nghị tỉ lệ thành viên ngoài trường tham gia hội đồng trường chỉ chiếm 20%, chứ không nên chiếm đến 30% như dự thảo. 

Nhiều trường cho rằng việc điều chỉnh này quan trọng, vì thực tế trong nhiều cuộc họp hội đồng trường, việc chờ thành viên ngoài trường tham gia rất mệt mỏi và bị động.

“Theo mô hình nước ngoài”

Đặc biệt, việc Bộ GD-ĐT đưa đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường không nhận được sự tán thành từ lãnh đạo nhiều trường ĐH.

Ông Nguyễn Bá Đức – hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào – cho rằng việc bổ sung đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường “thực sự là hình thức”, vì “nhìn thì có vẻ dân chủ nhưng thực ra đại diện này chẳng có vai trò gì nhiều, mà chỉ làm cồng kềnh thêm hội đồng”.

Đáp lại băn khoăn này, bà Vũ Thị Lan Anh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, thành viên tham gia ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học – khẳng định: việc quy định đại diện sinh viên do chính hội sinh viên bầu là thành viên của hội đồng trường tuy mới với Việt Nam, nhưng thực tế đây là mô hình học tập của nước ngoài. 

Theo đó, ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Úc… trong hội đồng trường đều có thành phần sinh viên. Mục đích là để sinh viên có tiếng nói trong hội đồng trường.

“Trong tất cả các chiến lược phát triển của nhà trường, sinh viên là đối tượng hướng tới của hoạt động đào tạo. Do đó, sinh viên có thể phản biện hoặc góp ý vào các chiến lược phát triển của nhà trường. 

Chẳng hạn, hội đồng trường cũng là nơi thông qua quy định học phí, sinh viên là người nộp học phí, nên chắc chắn sẽ rất quan tâm đến vấn đề này…” – bà Lan Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo sinh viên Huỳnh Thị Ngọc Nữ (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), sinh viên không nhất thiết và cũng không có thời gian tham gia vào hội đồng trường.

“Tôi có tìm hiểu qua về những công việc của hội đồng trường một trường đại học. Tôi nhận thấy những công việc này rất nhiều, trách nhiệm của thành viên hội đồng trường cũng rất nặng nề.

Sinh viên chúng tôi chắc chắn sẽ không có nhiều thời gian để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên hội đồng trường. Nếu muốn có kiến nghị, tiếng nói với nhà trường, sinh viên chỉ cần thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, hội sinh viên là đủ”, sinh viên này nói.

ThS Nguyễn Văn Toàn (trưởng phòng công tác chính trị sinh viên, Trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM):

Chẳng giải quyết được gì

Trước đây từng có quy định chủ tịch hội sinh viên các trường đại học phải là sinh viên, để tăng tính dân chủ. Tuy nhiên, trên thực tế chủ tịch hội sinh viên phải tập trung cho việc học, nên phó chủ tịch hội sinh viên trường (là cán bộ chuyên trách) phải đảm đương mọi công việc. Vì vậy, vai trò của chủ tịch hội sinh viên rất mờ nhạt.

Tương tự, quy định đưa đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường chỉ mang nặng tính hình thức, và sinh viên đó sẽ không có vai trò gì trong tổ chức này. Nếu cho rằng việc đưa đại diện sinh viên vào hội đồng trường là học tập theo mô hình nước ngoài cũng không thuyết phục, vì trường đại học các nước hoàn toàn khác Việt Nam.

Ở đấy, hội đồng trường đại học hoạt động rất hiệu quả, mọi thứ đều được công khai chi tiết, nên xã hội dễ dàng giám sát mọi hoạt động của trường. Trong khi đó, việc công khai thông tin về mọi mặt (tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất…) của đại học Việt Nam còn rất hạn chế, nên đưa đại diện sinh viên vào hội đồng trường cũng không giải quyết được việc gì.

Hội đồng trường là gì?

Theo điều 16 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT, hội đồng trường được thành lập ở trường đại học, học viện công lập.

Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện các bên có lợi ích liên quan và đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học; có nhiệm vụ, quyền hạn sau: quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục; quyết nghị về cơ cấu tổ chức, danh mục vị trí việc làm, xác định cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp…

Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, ít nhất là 17 người, bao gồm các thành viên trong trường: bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn thanh niên cấp trường; hiệu trưởng, một phó hiệu trưởng do hiệu trưởng cử; đại diện sinh viên do hội sinh viên tổ chức bầu; đại diện viên chức và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu trong trường bầu, trong đó đại diện giảng viên ở khoa, bộ môn chiếm tỉ lệ tối thiểu 25% tổng số thành viên.

Các thành viên bên ngoài trường chiếm tỉ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên…

NGỌC HÀ – M.K. – T.H.