Triều Tiên lại xướng danh ‘quốc gia hạt nhân’
Sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào rạng sáng nay, Bình Nhưỡng phát đi thông cáo cho biết đã hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia hạt nhân.
Triều Tiên lại xướng danh ‘quốc gia hạt nhân’.
Sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào rạng sáng nay, Bình Nhưỡng phát đi thông cáo cho biết đã hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia hạt nhân.
Hãng tin AFP cho biết cả đất nước Triều Tiên mừng vui với sự kiện phóng thành công tên lửa Hwasong-15 với công nghệ được nâng cấp, chấm dứt chuỗi 75 ngày Bình Nhưỡng không có các hoạt động thử vũ khí.
Bà Ri Chun Hee – nữ phát ngôn nổi tiếng của Triều Tiên, đã xuất hiện trên truyền hình để thông báo về thành công diễn ra lúc rạng sáng 29-11.
“Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tự hào tuyên bố đất nước chúng ta cuối cùng đã thực hiện được sự nghiệp lịch sử vĩ đại là hoàn tất sức mạnh hạt nhân quốc gia, chế tạo được tên lửa đạn đạo mạnh mẽ”, bà Ri thông tin
“Thành công lớn của việc thử tên lửa ICBM Hwasong-15 là một thắng lợi không gì kể xiết của dân tộc Triều Tiên vĩ đại và anh hùng”, bà Ri nhấn mạnh.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thậm chí nói rõ rằng “hệ thống vũ khí Hwasong-15 là tên lửa liên lục địa có trang bị đầu đạn hạng nặng cực lớn có thể đánh bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ”.
Theo thông tin từ Bình Nhưỡng, tên lửa của nước này đã đạt độ cao 4.475km và bay xa được 950km khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Nga kêu gọi các bên không để tình hình xấu thêm
Trong ngày, Matxcơva đã lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và xem đây là hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh, không để tình hình trên bán đảo Triều Tiên phát triển theo kịch bản xấu.
Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên rõ ràng là một hành động khiêu khích sẽ làm gia tăng căng thẳng và đẩy chúng ta ra xa điểm khởi đầu giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời Mỹ và Hàn Quốc hạn chế các cuộc tập trận ngoài kế hoạch, nhằm giúp giảm căng thẳng hiện nay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tên lửa mới của Triều Tiên vẫn thiếu công nghệ cần thiết để quay trở lại khí quyển.
Theo tờ Washington Post của Mỹ, đúng là tên lửa tầm xa mà Triều Tiên mới phóng đã bay cao hơn 10 lần so với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và trên lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc thủ đô Washington của Mỹ nằm trong tầm bắn.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng sự cải thiện trong tầm bắn có thể là do tên lửa được trang bị đầu đạn giả với trọng lượng nhẹ. Tên lửa Triều Tiên có thể sẽ không đạt được tầm bắn như vậy nếu mang theo đầu đạn nặng hơn.
Tuy Triều Tiên không nói rõ về những tiến bộ kỹ thuật mà nước này đạt được, song giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM.
Giáo sư Kim Dong Yup của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng vụ thử nêu trên là một nỗ lực kiểm tra và xác nhận các công nghệ tiên tiến của Triều Tiên. Tuy nhiên, theo vị giáo sư này, đây cũng có thể là một bước kiểm tra toàn bộ trước khi Bình Nhưỡng tiến hành kế hoạch thả một quả bom nhiệt hạch (bom H) xuống Thái Bình Dương, như những gì Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho từng đề cập hồi tháng 9 vừa qua khi đến trụ sở Liên Hiệp Quốc dự phiên họp của đại hội đồng.
Trong khi đó, giáo sư Yang Mu Jin của ĐH Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) nhận định rằng mặc dù Bình Nhưỡng chưa hoàn thiện được công nghệ đưa tên lửa trở lại khí quyển, song nước này đã đạt được mục tiêu về tầm bắn tên lửa. Dựa trên quỹ đạo và quãng đường, tên lửa này dường như có tầm bắn khoảng từ 10.000-11.000km, đủ để vươn tới lãnh thổ đất liền Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định vụ phóng tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên cho thấy nước này đã bước vào giai đoạn mới trong tiến trình phát triển khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân – điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho là cần thiết để ngăn chặn một cuộc xâm lược từ Mỹ.