28/11/2024

Nhộn nhịp “chợ 39.000 đồng”

Bán “dã chiến” rày đây mai đó, các điểm bán hàng đồng giá 39.000 đồng/món ở TP.HCM với hàng trăm sản phẩm xuất hiện ngày càng rầm rộ và được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng vì giá rẻ.

 

Nhộn nhịp “chợ 39.000 đồng”.

 

Bán “dã chiến” rày đây mai đó, các điểm bán hàng đồng giá 39.000 đồng/món ở TP.HCM với hàng trăm sản phẩm xuất hiện ngày càng rầm rộ và được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng vì giá rẻ.

 

Dù người bán khẳng định hàng tốt, bán rẻ do tồn kho, tuy nhiên, nguồn gốc các sản phẩm tại đây khá lộn xộn và sơ sài. Nhiều trường hợp, nhiều người mua sản phẩm tại đây về sử dụng không được, hoặc nhanh hư hỏng.

Hút khách bởi giá rẻ, món gì cũng có

Các điểm này xuất hiện tại các khu đất trống trên các cung đường như Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội (Q. Thủ Đức), Phan Văn Hân (Q. Bình Thạnh). 

Điểm chung các điểm bán này là thường bán vào buổi chiều tối với hàng trăm chủng loại sản phẩm từ hàng đồ dùng, gia dụng, đến mỹ phẩm, hàng điện tử, đồ chơi trẻ em… Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là các đồ dùng nhà bếp, gia dụng như chày cối, thau chậu, chén… đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

 

 

Hơn 16 giờ, một điểm bán hàng đồng giá 39.000 đồng trên đường Phạm Văn Đồng (Q. Thủ Đức)  nổi bật hẳn lên do hàng chục người dân vây quanh, bên cạnh chiếc loa rộn rã quảng cáo mời gọi. Kẻ lựa thau, người chọn chậu, lựa đồ chơi trẻ em… nhộn nhịp

Nhộn nhịp chợ 39.000 đồng - Ảnh 2.

Nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc được bày bán tại những điểm bán đồng giá 39.000 đồng – Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Đang loay hoay lựa đồ chơi cho con,  chị Bình (Q. Thủ Đức) cho biết, sau khi mua trọn bộ đồ dùng nhà bếp tại đây chị mua thêm đồ chơi cho bé. “Cũng hiểu thường tiền nào của đó nhưng giá khá mềm, chỉ có 39.000 đồng nên tôi cũng thoải mái lựa mua”, chị Bình tự nhủ. 

Theo chị Bình, thường mỗi điểm bán này có khoảng 100-200 sản phẩm các loại với những món chẳng liên quan nhau như đèn pin đựng trong thùng cùng nón bảo hiểm. Nhưng nhiều nhất vẫn là dụng cụ nhà bếp,  tới đây có thể sắm đủ bộ với hàng chục loại xoong nồi, dao kéo… 

Tương tự chị Bình, cầm trên tay chậu hoa thủy tinh 39.000 đồng, nhưng anh Ngô Dũng (Q.12) lom khom tìm thêm lốc 6 cái li thuỷ tinh. “Tính ra mỗi cái li chỉ hơn 6.000 đồng. Giá này có thể chỉ bằng phân nửa ở các siêu thị”, anh Dũng nói.

Số lượng ít hơn, nhưng các loại hoá mỹ phẩm như sữa tắm, bột giặt, nước xả của hàng chục thương hiệu cũng được nhiều nơi bày bán. Thậm chí, chỉ vài cái như nón bảo hiểm, đèn pin, quạt… cũng xuất hiện tại đây.

Có phải hàng tồn kho?

Theo khảo soát, điểm chung tại các điểm bán này là nguồn hàng khá đa dạng từ sản xuất trong nước, đến nhập từ Thái Lan, Malaysia nhưng hàng nhập nhiều nhất là từ Trung Quốc. Theo đó, nếu hàng hoá mỹ phẩm có thương hiệu trên vỏ hộp chủ yếu để tên các công ty trong nước như đũa ăn cơm, nước lau sàn, sữa tắm, bột giặt… thì phân khúc đồ dùng nhà bếp như bộ dao kéo, thau chậu; đồ chơi trẻ em làm bằng nhựa chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo đó, các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng tương đối sơ sài, cái có cái không. Đặc biệt, các sản phẩm như thau, chậu, đồ chơi trẻ em có nhiều chủng loại xuất xứ từ Trung Quốc thường không có nhãn phụ tiếng Việt theo qui định của luật.

Tại các điểm bán này, giá nhiều thương hiệu sản phẩm rẻ hơn gấp nhiều lần so với thị trường hoặc giá niêm yết nhà sản xuất. Theo đó, một loại sữa tắm giá in trên chai 120.000 đồng/chai

Nhộn nhịp chợ 39.000 đồng - Ảnh 3.

Chợ 39.000 đồng – Đồ hoạ: ĐÌNH CHIẾN

1.200ml nhưng giá bán tại một điểm này chỉ 39.000 đồng, sản phẩm này sản xuất tháng 9-2017 và có hạn sử dụng đến tháng 9-2020. Tương tự, dù thông tin in trên vỏ chai mới sản xuất ngày 17-11-2017 với giá niêm yết là 23.000 đồng/chai 800g nhưng sản phẩm nước rửa chén tại một điểm bán “dã chiến” giá chỉ 39.000 đồng/hai chai.

Theo anh T – người bán tại đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), đa phần sản phẩm này hàng tồn được lấy từ các kho, không tốn nhiều chi phí. Khi được hỏi vì sao hàng tồn mà có sản phẩm hạn sản xuất còn mới thì T cho rằng sản phẩm đó có thể được “tuồn” ra từ công ty.

Theo chị Minh (một người bán hàng 39.000 đồng tại Q.Bình Thạnh), nhiều trường hợp người công ty hoặc các kho hàng này mời chào với giá đưa trực tiếp rất “hữu nghị”. 

Thậm chí, quen biết cho mua thiếu nên mới bán hàng giá rẻ: “Những sản phẩm này tôi nhập lại từ 3-4 kho tập trung chủ yếu tại huyện Hóc Môn. Mỗi kho có đến hàng nghìn chủng loại sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau nhưng phần lớn giá thấp, tôi cũng chọn loại giá dưới 39.000 đồng để dễ bán”, chị Minh khẳng định.

Theo người bán, sau khi gom đủ hàng tại các lò, họ sẽ thuê xe tải chở bán “dã chiến” khắp nơi với mỗi điểm thường một tuần, đông khách có thể kéo dài cả tháng rồi tiếp tục di chuyển. Nở rộ hai năm trở lại đây, không chỉ thành thị, các sản phẩm này đổ về khu vực nông thôn khá nhiều.

Mỗi sản phẩm lời được 7.000 đồng

 

Theo anh T, nhờ sản phẩm được lấy tận gốc, chủ yếu hàng tồn nên giá mới rẻ. “So với nhiều điểm bán, sản phẩm tôi có thể rẻ phân nữa, thậm chí thấp hơn nhiều lần. Theo đó, mỗi sản phẩm tôi bán ra lời khoảng 7.000 đồng, trung bình mỗi ngày anh bán 70-100 sản phẩm các loại”, anh T nói.

Nhiều sản phẩm không dùng được

 

Theo ông Minh (Q.Bình Thạnh), bộ dao, kéo nhà bếp với 4 món có nhãn ghi chữ Trung Quốc cũng nghi ngại nhưng thấy giá rẻ chỉ 39.000 đồng/bộ nên ông mua liền hai bộ. Tuy nhiên, theo ông Minh, lưỡi dao rất mỏng và yếu, nhẹ và không bén nên mua về đều không dùng được.

“Nên xem kỹ sản phẩm, đặc biệt các loại mỹ phẩm dễ ảnh hưởng sức khoẻ. Thậm chí, nên dùng thử đồ điện, điện tử trước khi mua. Điểm này bán tự do kiểu rày đây mai đó nên muốn đổi trả, bồi thường khi gặp chuyện cũng khó”, ông Minh nói.

NGUYỄN TRÍ