Siêu thị “kết nối” thuỷ hải sản an toàn
Thuỷ, hải sản vốn là ngành được xem có nhiều rủi ro từ khâu sản xuất cho tới phân phối, tiêu thụ. Giá cả phập phù, phân phối không ổn định đã khiến ngành thuỷ, hải sản thiếu hiệu quả.
Siêu thị “kết nối” thuỷ hải sản an toàn.
Thuỷ, hải sản vốn là ngành được xem có nhiều rủi ro từ khâu sản xuất cho tới phân phối, tiêu thụ. Giá cả phập phù, phân phối không ổn định đã khiến ngành thuỷ, hải sản thiếu hiệu quả.
Hệ thống bán lẻ bằng khả năng, uy tín đã giữ cân bằng, tạo đà cho ngành thủy, hải sản tiến lên.
Thủy, hải sản “phong độ” phập phù
Những cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung, kéo theo thiệt hại về người về của không thể nào đo đếm xuể. Với ngư dân miền Trung xưa nay vốn bám biển làm trụ cột đời sống, những cơn bão vùi dập đã khiến hàng chục, hàng trăm tỉ nuôi trồng thuỷ, hải sản mất trắng sau một đêm.
Để vớt vát, nhiều hộ nuôi đành thu hoạch sớm tránh bão, nguồn cung tăng cao khiến giá thuỷ, hải sản sụt giảm nghiêm trọng. Điểm sáng lớn nhất là các hệ thống bán lẻ vẫn giữ ổn định giá bán, làm cán cân điều tiết giá cả cũng như huy động sức mua.
Trước đó, sự cố ô nhiễm môi trường ở miền Trung cũng đã từng khiến thị trường thuỷ hải sản một phen chao đảo. Người dân quay lưng, các chợ ế ẩm, hệ thống bán lẻ bằng uy tín, cam kết đã kéo người mua gần lại với nhà sản xuất.
Trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường, các chợ cá ế ẩm, các nhà hàng quán xá hiu hắt thì việc các siêu thị tiêu thụ sản phẩm của ngư dân miền Trung đã cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống siêu thị đối với ngành thuỷ sản.
Điển hình là hệ thống siêu thị Co.opmart đã thu mua bao tiêu sản phẩm đánh bắt của ngư dân miền Trung và các tỉnh lên tới hàng nghìn tấn.
Sở dĩ có được sự tự tin thu mua, tiêu thụ đó là do các siêu thị tạo ra được sự tín nhiệm đối với người mua thông qua hệ thống kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng, sẵn sàng chế biến thực phẩm cho người dân dùng thử, đặc biệt nhiều thời điểm bán thuỷ hải sản không lợi nhuận, nhằm kích cầu.
Hệ thống siêu thị cũng chứng tỏ là một “cứu cánh” khi xuất khẩu gặp khó khăn hoặc giá cả trên thị trường thế giới giảm sút nghiêm trọng. Ở thời điểm đó, các siêu thị trở thành kênh phân phối rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản duy trì đầu ra.
Mỗi năm Việt Nam nuôi trồng, đánh bắt hơn 6 triệu tấn thủy sản, song đa số được tập trung cho xuất khẩu. Mặc dù, có khoảng 1.300 cơ sở chế biến thuỷ hải sản của các nhà máy doanh nghiệp và hộ gia đình, nhưng sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ đạt dưới 10% tổng sản lượng chế biến. Việc tiêu thụ phụ thuộc vào các thương lái và mang tính mùa vụ, không ổn định.
Siết chặt tay tiếp sức thuỷ, hải sản
Rõ ràng, vai trò điều tiết thị trường của hệ thống bán lẻ đã thể hiện rõ ràng và đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn còn cần sự kết nối, nắm chặt tay hơn nữa để thúc đẩy ngành thuỷ, hải sản trong nước lớn mạnh.
Ngày 12-11, ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã có buổi khảo sát, ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông, thuỷ sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đây là hoạt động nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy hải sản an toàn giữa tỉnh Bình Thuận và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu là trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác đến cơ sở giết mổ, chế biến và đưa đến tay người tiêu dùng.
“Việc hợp tác đảm bảo chất lượng hàng hóa tại nguồn hết sức quan trọng, nếu được kết hợp với đơn vị phân phối uy tín, có hệ thống tiêu thụ rộng khắp thì sẽ tạo được sự cộng hưởng, giúp chuỗi thực phẩm an toàn được phát huy tối đa hiệu quả”, bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết.
Bà Lan cũng nhấn mạnh: “Thị trường 10 triệu dân của TP.HCM chính là thị trường đầy tiềm năng. Do đó, chúng tôi hết sức khuyến khích những sản phẩm chất lượng sở trường của tỉnh Bình Thuận như hải sản tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn để cung ứng thực phẩm sạch cho người dân. Bình Thuận còn có thế mạnh về thanh long và các loại nông sản khác, do đó, sau hải sản, TP.HCM sẽ tiếp tục khảo sát và hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm chất lượng sở trường này của tỉnh Bình Thuận”, bà Lan cho biết.
Theo ông Mai Kiều, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tỉnh đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2020 có ít nhất 50% sản lượng nông sản, thuỷ sản chủ lực có mức độ rủi ro cao được kiểm soát an toàn thực phẩm.
Đến nay, Bình Thuận đã xây dựng được hai chuỗi thanh long (sản lượng 6.000 tấn/năm), một chuỗi mủ trôm, ba chuỗi nước mắm, hai chuỗi thủy sản đông lạnh, ba mô hình sản phẩm thuỷ sản khô, cấp 11 giấy xác nhận cho 9 điểm bày bán với 162 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, Bình Thuận đang hỗ trợ bốn doanh nghiệp thực hiện dán tem điện tử để truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm: thuỷ sản khô, thuỷ sản khô ăn liền, mủ trôm, rau an toàn.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kết nối, hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 10 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn tỉnh với sản lượng thuỷ sản đông lạnh 3.060 tấn/năm, thuỷ sản khô 629,7 tấn/năm, đồ hộp thuỷ sản 630 tấn/năm; 6 doanh nghiệp nông sản với sản lượng thanh long 9470 tấn/năm, hạt điều: 1727 tấn/năm…
Ký kết hợp tác tiêu thụ hải sản an toàn
Dịp này, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và công ty TNHH Mười Tuyền tỉnh Bình Thuận cũng ký kết hợp tác tiêu thụ hải sản an toàn. Theo đó, với sức tiêu thụ khoảng 100 tấn hải sản mỗi tháng và một số đơn vị cung ứng khác của tỉnh Bình Thuận sẽ góp phần khẳng định việc phối hợp kiểm soát quản lý chất lượng thực phẩm từ nguồn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm từ tỉnh Bình Thuận trước khi đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thành Nhân, tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nếu thực hiện tốt chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà còn mang lại giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cung ứng.
Phối hợp kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc
Theo báo cáo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau.
Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, TP.HCM và các tỉnh thành đã tăng cường phối hợp để kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc. Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, mục tiêu của việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là làm sao để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm.