28/11/2024

Èo uột công nghiệp điện tử Việt Nam

Ngành điện tử đang nhập tới 77% giá trị sản phẩm, trong khi giá trị gia tăng và tỉ lệ cung ứng linh kiện điện tử rất thấp.

 

Èo uột công nghiệp điện tử Việt Nam.

 

Ngành điện tử đang nhập tới 77% giá trị sản phẩm, trong khi giá trị gia tăng và tỉ lệ cung ứng linh kiện điện tử rất thấp.

 

 

Èo uột công nghiệp điện tử Việt Nam - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử vẫn chưa đi vào thực tiễn – Ảnh: NG.AN

Đây là kết quả điều tra của Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), được công bố tại hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức.

Số liệu từ Bộ Công thương cho biết đến năm 2017, lĩnh vực linh kiện điện – điện tử có 610 doanh nghiệp, trong đó số sản xuất linh kiện chỉ chiếm khoảng 52,28%. Đặc biệt, sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa – cao su, bao bì… với tỉ lệ nội địa hoá chỉ 20-30%.

Theo bà Vũ Thị Thanh Huyền, giảng viên Trường Đại học Thương mại, để đảm bảo cung ứng tốt cho ngành lắp ráp, lẽ ra số lượng doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện phải lớn hơn nhiều so với số lắp ráp.

“Hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước chỉ mới tham gia khâu hoàn thiện các sản phẩm bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện nhựa mà chưa làm được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao”, bà Huyền nói.

 

 

Số liệu khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao. 

“Ngoài ra, tính liên kết giữa doanh nghiệp phụ trợ ngành điện tử với khách hàng và các nhà cung cấp còn hạn chế. Đơn cử như khi tham gia chuỗi cung ứng Samsung, doanh nghiệp chủ yếu cung ứng theo hình thức hợp đồng từng đơn hàng”, một chuyên gia cho biết.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc kinh doanh Công ty SUNPLA, cho biết với khách hàng Hàn Quốc như Samsung hay LG, các doanh nghiệp Việt chỉ có thể ký hợp đồng với nhà thầu phụ nên thường không có được kế hoạch làm việc dài hạn mà chỉ theo từng đơn hàng. 

Còn với khách hàng Nhật Bản, một số doanh nghiệp được trực tiếp ký kết các hợp đồng sản xuất hàng loạt và thời gian hợp đồng tương đối dài hạn.

Tuy nhiên theo ông Cường, số lượng doanh nghiệp Việt ký được hợp đồng trực tiếp với khách không nhiều, mà phần lớn vẫn phải qua các nhà thầu phụ. 

Dẫn trường hợp Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ cần 20 năm đã có nền công nghiệp phụ trợ phát triển nhanh, ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hanel, cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong hơn 30 năm vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Ông Vinh đặt vấn đề phải chăng do mối liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI, giữa quản lý nhà nước với doanh nghiệp đang có vấn đề.

Theo ông Vinh, doanh nghiệp hiện không đủ sức tham gia chuỗi giá trị của khối FDI. Trong khi đó, muốn sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao phải đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, nên nếu không có đầu ra đảm bảo sẽ khó để doanh nghiệp nội phát triển. 

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh (Phó viện trưởng Viện CIEM):

Phải đẩy mạnh liên kết

Lực lượng dẫn dắt ngành điện tử đều là khu vực FDI. Do đó, cần có chính sách đẩy mạnh liên kết giữa khu vực trong nước với các khu vực FDI, giúp doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ và vừa như xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, vốn, khoa học công nghệ…

NGỌC AN