Bà Merkel chạy đua lập chính phủ
Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tuần qua khẳng định sẽ “rất sớm” thành lập chính phủ liên minh mới sau khi nhận được tín hiệu từ Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đối lập.
Bà Merkel chạy đua lập chính phủ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tuần qua khẳng định sẽ “rất sớm” thành lập chính phủ liên minh mới sau khi nhận được tín hiệu từ Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đối lập.
“Châu Âu cần một nước Đức mạnh mẽ… Đó là lý do vì sao chúng ta cần nhanh chóng thành lập một chính phủ” – bà Merkel tự tin trở lại trong tuyên bố ngày 25-11 khi nói về quá trình đàm phán thành lập chính phủ gặp trục trặc thời gian qua.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 24-9, khối bảo thủ của bà vẫn chưa thể thành lập một chính phủ liên minh.
Các cuộc đàm phán thành lập liên minh giữa liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) với Đảng Dân chủ tự do (FDP) và Đảng Xanh thất bại hôm 19-11 vừa qua.
Vẫn còn lựa chọn tốt
Tuyên bố của Thủ tướng Merkel đưa ra một ngày sau khi ông Martin Schulz, Chủ tịch SPD – đảng đối lập lớn nhất của Đức, thông báo lãnh đạo đảng này đã nhất trí tiến hành đàm phán với Thủ tướng Merkel về việc tiếp tục tái khởi động chính phủ liên minh.
Trong khi đó, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ tiến hành cuộc gặp với lãnh đạo liên đảng bảo thủ CDU/CSU và Đảng SPD vào ngày 30-11 để thảo luận về tình hình chính trị bế tắc hiện nay ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nếu đạt được thoả thuận, các đảng này sẽ thành lập “đại liên minh” cầm quyền như đã từng liên minh sau cuộc bầu cử năm 2013 và nhiều lần trước đó.
Bà Merkel cũng khẳng định bà sẵn sàng gặp đảng trung tả SPD. “Chúng tôi đã từng hợp tác rất tốt” – bà tuyên bố, nhấn mạnh rằng đại liên minh đã giúp củng cố thị trường lao động Đức trong nhiều thập kỷ, cân bằng ngân sách và đem lại lợi ích cho người hưởng lương hưu, các gia đình Đức.
Tuy nhiên, cuộc thảo luận phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. “Đức cần một chính phủ ổn định nhưng cũng phải là một chính phủ đưa đất nước đi lên” – tờ Deutsche Welles dẫn lời thủ tướng Đức.
Tín hiệu của SPD cuối tuần qua thực sự mở ra lựa chọn mới cho bà Merkel sau nhiều ngày loay hoay với khả năng thành lập một chính phủ thiểu số yếu ớt với Đảng Xanh và tìm kiếm sự ủng hộ của SPD trong từng vấn đề, hoặc thậm chí bầu cử lại.
Tuy nhiên, thủ tướng Đức ngày 25-11 khẳng định việc bầu cử lại là “hoàn toàn sai lầm”.
“Chúng ta không thể muốn làm gì thì làm với kết quả bầu cử, không thể yêu cầu người dân bỏ phiếu lại” – bà tuyên bố dù mới đầu tuần khẳng định thà bầu cử lại còn hơn lập chính phủ thiểu số.
Bà Merkel suy yếu?
Dù vậy, chính phủ mới sẽ khó thành lập nhanh như bà Merkel tuyên bố bởi phó lãnh đạo SPD Thorsten Schafer-Gumbel cho biết bất cứ quyết định nào để SPD quay trở lại liên minh với CDU/CSU sẽ được đưa ra trước đại hội quốc gia của đảng này vào ngày 7-12.
Reuters đưa tin nội bộ SPD vẫn còn chia rẽ khi nhiều thành viên lo ngại đại liên minh có thể là một cú tự sát về chính trị, trong khi một số đòi hỏi phải có thêm các cam kết về đầu tư vào giáo dục, nhà ở.
“Bà Merkel không ở trong tư thế có thể đưa ra các điều kiện”, chính trị gia Malu Dreyer, thành viên của SPD, cho biết.
Việc “bánh xe” chính trị Đức, vốn nổi tiếng bởi sự ổn định, đột ngột vấp “ổ gà” tuần qua gây nhiều lo lắng trong giới phân tích rằng liệu sức mạnh của Thủ tướng Merkel đang thực sự suy yếu.
Liên minh của bà chịu tổn thất nặng nề sau cuộc bầu cử khi đảng cực hữu AfD giành hàng triệu lá phiếu để trở thành đảng lớn thứ ba tại Đức.
Một số thăm dò hiện tại cho thấy nếu bầu cử lại, kết quả nhiều khả năng sẽ thay đổi và thậm chí AfD có thể còn được nhiều phiếu bầu hơn.
Đến nay, bà Merkel vẫn chưa thể thành lập liên minh để yên tâm nắm quyền nhiệm kỳ thứ tư và “quá trình thành lập chính phủ càng kéo dài thì ảnh hưởng của Đức tại Brussels càng yếu” – ủy viên của Đức tại Liên minh châu Âu Gunther Oettinger cảnh báo.
Chưa kể, trong nỗ lực thành lập liên minh với SPD, thủ tướng Đức có thể phải nhường lại quyền kiểm soát một số cơ quan quan trọng như Bộ Tài chính và các nhượng bộ chính sách.
Điều ngạc nhiên
“Sự thất bại của bà là một điều ngạc nhiên xét về sự ổn định của nền kinh tế Đức so với các nước châu Âu khác. Kinh tế cực kỳ tốt, tăng trưởng 2,5%, lao động tốt và thặng dư ngân sách kha khá” – chuyên gia quan hệ quốc tế Yossi Mekelberg nhận định.
“Họ sẽ quay trở lại bàn đàm phán và thành lập được một liên minh ổn định cho bốn năm tới. Nếu không, người dân Đức sẽ lên tiếng tại phòng phiếu, mà kết quả có thể trở thành một cột mốc trong lịch sử đất nước họ kể từ sau 1945” – ông Mekelberg viết.