Hàng thời trang thắng lớn dịp Black Friday
Toàn thị trường kinh doanh bán lẻ đã tận dụng khá tốt ngày Black Friday để kích cầu mua sắm trong nước, giúp cho nhiều điểm mua sắm dịp này luôn trong tình trạng “bùng nổ” khách hàng.
Hàng thời trang thắng lớn dịp Black Friday.
Toàn thị trường kinh doanh bán lẻ đã tận dụng khá tốt ngày Black Friday để kích cầu mua sắm trong nước, giúp cho nhiều điểm mua sắm dịp này luôn trong tình trạng “bùng nổ” khách hàng.
Dù vậy, khách hàng chủ yếu chuộng hàng thời trang giảm sâu, giá thật, “săn” các mặt hàng dưới 1 triệu đồng. Thậm chí, tâm lý đi xem chơi là chính vì không tin tưởng khuyến mãi cũng không hề ít.
Hàng thời trang giá tốt thắng đậm
Tại trung tâm thương mại Vincom, Taka Plaza (Q.1) trưa 25-11 hàng thời trang vẫn là điểm thu hút đông đảo khách như các ngày trước đó. Tuy nhiên, tình trạng xếp hàng chờ tính tiền hoặc tranh nhau chọn mua thường chỉ xảy ra ở các gian hàng giảm giá sâu, lượng hàng đa dạng như các thương hiệu Pull&Bear, H&M, Zara.
Với cả trăm mẫu giày, dép nam nữ được áp dụng mức giảm giá 30% nên cửa hàng Pull&Bear thu hút lượng lớn các bạn trẻ chọn mua. Các mẫu giày tại đây chủ yếu là giày thể thao, giày da với giá đã giảm phổ biến từ 600.000-1 triệu đồng/sản phẩm. Nhiều khách hàng chọn mua khá nhiều đôi sau khi tìm hiểu kỹ về giá và mẫu mã.
Tương tự, với thương hiệu H&M, khách hàng thường có xu hướng tập trung chọn mua các sản phẩm có mức giá tầm thấp và trung, dao động 200.000-600.000 đồng/sản phẩm như áo sơmi, áo len, áo thun, khăn choàng.
Theo chị Thương (Q.3), lượng hàng giảm giá tại một số cửa hàng có thương hiệu dịp này chỉ chiếm khoảng 10-15%/tổng số sản phẩm trưng bán, mức giảm không nhiều với khoảng cao nhất chỉ 30% nên hầu hết các gian hàng giảm giá sâu đều trong tình trạng đông đúc.
Theo nhân viên bán giày của thương hiệu Pull&Bear ở TP.HCM, cửa hàng chỉ khuyến mãi 30% dịp Black Friday trong 3 ngày 24, 25 và 26-11 nên khách hàng tranh thủ mua rất nhiều, nhiều mẫu sản phẩm sang ngày thứ hai không còn để bán.
Đặc biệt, hãng này cho phép được đổi lại sản phẩm sau 30 ngày kể từ ngày mua nhưng phải chọn lại sản phẩm giá bằng hoặc cao hơn giá sản phẩm đã mua. Tuy nhiên, trường hợp đổi sản phẩm dự báo sẽ không nhiều do mức giá bán ra dịp này đã khá tốt.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một nhãn hàng thời trang cho rằng sự nhộn nhịp của Black Friday đã góp phần kích thích nhu cầu mua sắm sớm hơn của người tiêu dùng, thay vì thường đợi tới đợt Noel hay tết tây.
Việc nhiều người tiêu dùng đi mua sắm dịp này chứng tỏ thói quen tiêu dùng, tiếp cận thị trường trong nước đang có xu hướng thay đổi, bắt nhịp với xu hướng thế giới…”
Giám đốc một nhãn hàng thời trang ở Việt Nam
“Đánh nhanh” để giảm hàng tồn?
Hơn 1 giờ lựa mua giày tại trung tâm thương mại (Q.1) với mức giảm giá 30% nhưng anh Hưng (Bình Thạnh) vẫn không tìm được đôi nào ưng ý. Theo anh Hưng, giá giảm là có thật nhưng phần lớn là mẫu cũ với kiểu giày da cổ cao, giày thể thao mũi tròn đã xuất nhiều vào năm ngoái.
Ngoài ra, size hạn chế, chủ yếu tập trung size số 41-43 nên nhiều người khó tìm mua đôi ưng ý, chưa kể giày được đựng trong thùng hàng trăm đôi với các mẫu, size xộn lộn nên muốn tìm được sản phẩm ưng ý cần phải có thời gian.
Tại các gian hàng quần áo thương hiệu H&M, Zara…, nhiều khách hàng cho biết dù có mẫu đa dạng nhưng không mới. Ngoài ra, phần lớn sản phẩm ở mức giá 200.000-600.000 đồng/sản phẩm, chủ yếu được sản xuất trong nước hoặc của Trung Quốc, nên những khách chuộng hàng “đẳng cấp” sẽ khó tìm sản phẩm mình cần.
Tại cửa hàng giày dép của một thương hiệu lớn, dù đại diện đơn vị này trước đó khẳng định chỉ khuyến mãi một ngày 24-11 với chương trình “mua 1 tặng 1”, nhưng trong ngày 25-11 vẫn đưa hàng giảm giá ra bán.
Chị Thanh (Q.1), người đã mua 2 đôi giày với giá 6 triệu đồng của ngày đầu tiên do sợ mất cơ hội mua hàng giá rẻ dù không vừa ý lắm, cho biết đã khá thất vọng phát hiện cửa hàng này tiếp tục đổ hàng ra bán giảm giá trong ngày 25-11.
“Nếu biết vậy, tôi đã thong thả chọn mua những đôi giày vừa ý hơn” – chị Thanh nói.
Một chuyên gia thị trường cũng cho rằng thay cho hình thức khuyến mãi “dai dẳng” thường thấy, thời gian khuyến mãi có hạn của dịp Black Friday đã tạo tâm lý “cơ hội hiếm, phải mua còn kịp” cho khách hàng.
“Do đó, đây là cơ hội tốt để nhiều thương hiệu có thể ‘đánh nhanh’ giải phóng hàng tồn. Nhưng với nhiều chương trình ưu đãi thật sự, khách hàng có thể tìm ra sản phẩm ưng ý với giá tốt nhất” – vị này nhận định.
Bùng nổ mua sắm online ở Mỹ, Trung Quốc dịp Black Friday
Đúng như dự báo, dịp Black Friday tại Mỹ khởi đầu với khung cảnh vắng lặng như từng diễn ra trong hai năm gần đây, chủ yếu do phương thức mua hàng đã thay đổi.
Những tín đồ săn hàng giá rẻ đã chọn ngồi nhà lướt web mua sắm thay vì đến các cửa hàng, dù các chủ tiệm đầu tư nhiều chương trình giải trí và tặng quà miễn phí.
Tính đến 1h sáng 25-11, doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ đạt 3,54 tỉ USD, tăng 15,6% so với năm ngoái. Riêng trong ngày 24-11, người Mỹ đã chi 2,87 tỉ USD cho đơn hàng trực tuyến, hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ công ty phân tích thị trường trực tuyến Adobe Analytics.
Và theo dự báo, kết thúc dịp Black Friday (ít nhất đến ngày 27-11), tổng chi tiêu trực tuyến sẽ đạt mốc kỷ lục 6,6 tỉ USD.
Dẫu vậy, nhìn chung lượng người đổ ra các cửa hàng vẫn được đánh giá tích cực so với kỳ vọng.
Craig Johnson, chủ tịch Công ty phân tích người tiêu dùng Customer Growth Partners ở New York, cho biết: “Các bãi đỗ xe đang kín chỗ và bên ngoài các khu mua sắm rất nhộn nhịp. Kết quả rõ ràng tốt hơn vài năm gần đây”.
Tại Trung Quốc, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài cũng tìm đủ mọi cách để thu hút người tiêu dùng trong dịp này. Chẳng hạn, Công ty Amazon Trung Quốc mở chiến dịch 72 giờ mua sắm Black Friday, một chiến dịch rầm rộ nhất từ khi bước vào thị trường Trung Quốc năm 2005.
Báo cáo trên enterpriseinnovation.net dự báo chi tiêu trong dịp Black Friday năm nay của Trung Quốc, từ thứ Sáu (24-11) đến thứ Hai (27-11), sẽ tăng 37% so với số tiền 3,4 tỉ USD thu về trong cùng kỳ năm ngoái.