28/11/2024

Tham vọng giành uy thế trên không của Trung Quốc

Giới quan sát nhận định những cuộc diễn tập gần đây của oanh tạc cơ Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn giành uy thế trên không ở “chuỗi đảo thứ nhất”.

 

Tham vọng giành uy thế trên không của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định những cuộc diễn tập gần đây của oanh tạc cơ Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn giành uy thế trên không ở “chuỗi đảo thứ nhất”.


 

 

​
Oanh tạc cơ chiến lược của Trung Quốc H-6K trong đợt huấn luyện hôm 23.11
 /// Bộ Quốc phòng Trung Quốc

​ Oanh tạc cơ chiến lược của Trung Quốc H-6K trong đợt huấn luyện hôm 23.11BỘ QUỐC PHÒNG TRUNG QUỐC.

Trong mấy ngày qua, truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin một đội oanh tạc cơ chiến lược H-6K thuộc không quân nước này vừa hoàn tất cái gọi là “tuần tra tác chiến thông thường” ở Biển Đông.
Phi đội H-6K cũng đã thực hiện đợt huấn luyện trên cả eo biển Ba Sĩ nằm giữa Đài Loan và Philippines lẫn eo biển Miyako, phía nam Nhật Bản, theo Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa. Ông Thân còn tuyên bố kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra từ ngày 18 – 24.10), không quân Trung Quốc bắt đầu huấn luyện với mục tiêu tăng cường khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh tiềm tàng.
Ngoài ra, một chỉ huy không quân Trung Quốc từng phát biểu với báo chí bên lề đại hội đảng rằng việc chiến đấu cơ Trung Quốc bay quanh Đài Loan sẽ trở thành thông lệ trong các đợt huấn luyện. Vị chỉ huy này còn nhấn mạnh một máy bay quân sự chỉ hoàn tất sứ mệnh bay quanh Đài Loan sau khi bay qua cả eo biển Ba Sĩ lẫn eo biển Miyako và đó cũng là dấu hiệu cho thấy không quân Trung Quốc đạt khả năng phá vỡ “chuỗi đảo thứ nhất”. Chuỗi đảo này trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines. Lâu nay, Bắc Kinh luôn cho rằng Mỹ dùng “chuỗi đảo thứ nhất” để kiềm chế Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Giới quan sát nhận định Trung Quốc dùng cuộc tuần tra, huấn luyện của oanh tạc cơ cùng những cuộc tập trận trước đó của hải quân tại Biển Đông và những khu vực khác nhằm phô diễn khả năng đạt được uy thế trên không lẫn trên biển ở “chuỗi đảo thứ nhất”. Trong đó, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh Lý Kiệt cho rằng cuộc diễn tập mới cho thấy Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể triển khai nhiều phi đội từ những vùng quân sự khác nhau. “PLA đang đẩy mạnh huấn luyện tác chiến phối hợp chung vì Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh họ sẵn sàng tác chiến mọi lúc. Cuộc tuần tra cũng nhằm cho thấy không quân của PLA sẵn sàng phối hợp với hải quân ở vùng biển xa cho tất cả chiến dịch”, ông Lý nhận định với SCMP.
Không chỉ giới hạn ở “chuỗi đảo thứ nhất”, không quân Trung Quốc còn tăng cường hiện diện ở khu vực xa hơn. Hồi đầu tháng 11, trang Defense News dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ nhiều chiếc H-6K của không quân Trung Quốc thường xuyên diễn tập tấn công đảo Guam và bay áp sát Hawaii.

Khi đó, một số quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng vụ H-6K nhắm vào Guam nằm trong hàng loạt hoạt động nhằm khiến lực lượng Mỹ đóng trên đảo này lo lắng về mối đe doạ tiềm tàng từ Bắc Kinh. Họ còn cảnh báo những hoạt động gần đây của Trung Quốc ở khu vực cho thấy nước này đang chuẩn bị bảo vệ những hoạt động tại vùng biển xa.

Hồi tháng 7.2016, sau khi Toà trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã triển khai H-6K tới tuần tra bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines. Với tầm tác chiến 2.000 km cộng với các tên lửa hành trình mang theo, máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc được thiết kế để tiến hành tấn công tầm xa, có thể tấn công những nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và một số mục tiêu ở châu Á, theo SCMP.

 

Văn Khoa