Hoà bình cho Syria, Mỹ dễ mất cả chì lẫn chài
Khi thành trì cuối cùng của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị triệt hạ ở Syria, viễn cảnh cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ ngày càng hiển hiện. Con đường đi đến hoà bình vẫn còn lắm chông chênh.
Hoà bình cho Syria, Mỹ dễ mất cả chì lẫn chài.
Khi thành trì cuối cùng của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị triệt hạ ở Syria, viễn cảnh cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ ngày càng hiển hiện. Con đường đi đến hoà bình vẫn còn lắm chông chênh.
98% lãnh thổ Syria hiện đã nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Tổng thống Bashar Al Assad, đó là thông tin được chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 23-11.
Trước đó, quân đội Nga tuyên bố giai đoạn hoạt động quân sự tích cực tại Syria đã kết thúc, với kết quả là duy trì được “chủ quyền, sự toàn vẹn của đất nước này”.
Nga thắng thế
Tình hình chiến sự ở Syria đang tạo lợi thế rất lớn cho Nga, quốc gia bảo trợ chính phủ Assad. Tuần qua là khoảng thời gian bận rộn của Tổng thống Putin, vừa tiếp xong người đồng cấp Assad ông lại quay ra điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi gặp hai người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại thành phố Sochi của Nga.
Tất cả những cuộc gặp, hàng giờ điện đàm và thảo luận đó đều cùng xoay quanh một chủ đề: hoà bình cho Syria.
Từ gần một tháng trước, ngay sau khi Hòa đàm Astana về Syria kết thúc tại Kazakhstan, nước Nga của ông Putin đã tuyên bố sẽ đứng ra tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria.
Ngày 22-11, sau cuộc gặp tay ba giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – Iran tại TP Sochi, các bên ra tuyên bố Đại hội đối thoại dân tộc Syria sẽ được tổ chức trước khi vòng đàm phán thứ 8 về Syria do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ diễn ra ngày 28-11 tới.
Một trong những lý do chính của cuộc gặp giữa ba nguyên thủ là nhằm giải quyết những vấn đề lấn cấn của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, mà trọng tâm là người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria tham gia sáng kiến hòa bình của Nga.
Bất chấp điều đó, ngày 23-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã đạt được nhất trí về thành phần tham dự.
Theo đó, các bên tham gia Đại hội đối thoại dân tộc Syria cần phải được mở rộng tối đa vì hình thức đối thoại chính trị này chỉ có thể diễn ra khi có sự tham dự của đại diện tất cả các phe phái ở Syria. Ông Peskov khẳng định Nga nhận thức rõ những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về người Kurd ở Syria nhưng điều đó không có nghĩa hội nghị hòa bình sẽ bị hoãn lại.
Các quan chức cấp chuyên viên sẽ làm việc để đưa ra một danh sách thành phần tham dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria trong thời gian tới. Thời gian và địa điểm diễn ra đại hội vẫn chưa được quyết.
Những thắng lợi trên chiến trường, dưới sự hỗ trợ của Nga, đang tạo thế vững chắc cho Tổng thống Syria Assad.
Tương lai của Syria phụ thuộc khá nhiều vào nhóm 3 nước trên. Nước Mỹ, nói một cách chiến lược, đã bị đẩy ra xa”
Nhận định của Emile Hokayem – học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế London
Mỹ không chịu đứng bên lề
Ngay trong lúc ông Putin gặp tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi, thì tại Riyadh – thủ đô của Saudi Arabia, một hội nghị do nước này bảo trợ và dưới sự khuyến khích của Mỹ đã diễn ra, với sự tham dự của Đặc phái viên LHQ tại Syria Staffan de Mistura và gần 140 đại diện của phe đối lập Syria. Họ đến hội nghị để tìm tiếng nói chung, quan điểm chung cho hơn 50 nhóm đối lập tại Syria trước vòng đàm phán thứ 8 tại Geneva.
Và dù chia rẽ, tất cả các nhóm đối lập ở Syria đều kiên định với quan điểm Tổng thống Assad phải rời bỏ quyền lực như là một phần của giải pháp chính trị.
Washington Post, một tờ báo lớn của Mỹ, ngày 22-11 đăng tải một bài viết với tựa đầy ẩn ý “Sự hiện diện công khai của Mỹ tại Syria sắp kết thúc sau khi IS bị quét sạch”.
Về danh nghĩa, chính phủ hiện tại ở Damascus của Tổng thống Assad vẫn là đại diện hợp pháp của Syria trên trường quốc tế. Và Nga, chứ không phải Mỹ, mới là những người được ông Assad mời tới đánh IS kể từ năm 2015.
Hãng tin Bloomberg nhận xét với cái thế như vậy, nước Mỹ đang quan sát mọi việc ở Syria từ vị trí “bên lề”. Nhưng nước Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận rút quân sớm, Washington Post cảnh báo.
Các nguồn tin Chính phủ Mỹ tiết lộ Washington muốn duy trì hiện diện quân sự ở Syria sau ngày IS tan rã để ủng hộ phe đối lập người Kurd trong Lực lượng dân chủ Syria. Mỹ dự kiến thiết lập một chính quyền mới ở miền bắc Syria, độc lập với Damascus nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Assad nhượng bộ trong các cuộc hòa đàm sắp tới tại Thuỵ Sĩ.