Black Friday thời đại số
Ngày mua sắm Black Friday lừng danh sắp mang một hình hài khác trong quá trình uốn mình theo dòng chảy thời đại.
Black Friday thời đại số.
Ngày mua sắm Black Friday lừng danh sắp mang một hình hài khác trong quá trình uốn mình theo dòng chảy thời đại.
Những cửa hàng bán lẻ ở Úc mới đây đã nhận được thông báo quan trọng từ công ty mua bán trực tuyến Amazon: hãy chuẩn bị nhận các đơn hàng từ ngày 23-11.
Đây là lần đầu tiên Amazon đặt thời điểm bắt đầu mua sắm ở một quốc gia, và đó là sự chuẩn bị với tính thời điểm không thể tốt hơn cho sự kiện lớn ngày 24-11: Black Friday.
Mua hàng bằng những cú nhấp chuột
Xuất phát từ Mỹ, “phong trào” Black Friday nhanh chóng được nhiều nước trên thế giới đón nhận cả về cơn sốt mua sắm lẫn mối lo an ninh, yếu tố cảm xúc mà nó mang lại. Nhưng trong thời đại số, Black Friday cũng bắt đầu chuyển mình.
Kinh doanh trực tuyến, dẫu còn nhiều trở ngại, nhưng đã khẳng định vị thế không thể chối cãi trong thị trường bán lẻ. Thậm chí với riêng những dịp như Black Friday, kinh doanh trực tuyến còn giúp ích trong việc tháo gỡ những vấn đề xã hội, tâm lý, đạo đức.
Báo New York Times ngày 21-11 dẫn một nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội The Clothing and Textiles Research (nghiên cứu về quần áo, dệt may), theo đó đa số trong 189 người mua sắm Black Friday thừa nhận họ có giành giật đồ đạc, la hét vào mặt nhân viên, va chạm với người khác cũng như làm sập các giá đỡ trong cửa hàng. Họ lại phần lớn là người da trắng, phụ nữ và học thức cao…
“Tận hưởng bữa tiệc Lễ tạ ơn. Ngủ ngon vào thứ sáu. Các đơn hàng sẵn sàng cho bạn rồi” – Indy Star, mạng tin tức của báo USA Today, mô tả tâm lý của khách hàng Black Friday năm nay.
Sẽ không còn mấy cảnh chen lấn tại các cửa hàng nữa, thay vào đó, trong kỷ nguyên thương mại trực tuyến lên ngôi, cái bạn cần không phải là một thân hình vạm vỡ cùng thói quen thức sớm để xếp hàng, chen lấn. Tất cả bạn cần chỉ là một máy tính kết nối mạng và một tài khoản thanh toán trực tuyến.
Báo Guardian của Anh ví von rằng Black Friday ngày nay là một niềm hân hoan của trí tưởng tượng. Bài xã luận này cho rằng mua sắm thực chất là một niềm vui, sự tận hưởng cảm giác được mua sắm chứ không phải vấn đề vật chất. Họ sẽ tận hưởng cảm giác “mua hàng” bằng những cú nhấp chuột.
Black Friday và Cyber Monday
Cyber Monday cũng là một ngày hội giảm giá như Black Friday, nhưng rơi vào ngày thứ hai đầu tiên sau dịp Black Friday. Cyber Monday khác ở chỗ nó hoàn toàn là sân chơi của kinh doanh trực tuyến và ngày càng được ưa chuộng hơn ngày “truyền thống” Black Friday do số lượng khách hàng mua trực tuyến tăng trưởng mạnh.
“Black” chưa hẳn đã “đen”
Black Friday về mặt câu chữ đơn thuần có thể tạm dịch là “Ngày thứ sáu đen tối”. Đây là sự kiện diễn ra một ngày sau Lễ tạ ơn (rơi vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng 11). Trong Black Friday, người ta sẽ tranh thủ mua sắm để chuẩn bị Giáng sinh và thế là ngày này được đồng nghĩa với dịp các công ty bán lẻ tăng doanh số chóng mặt.
Hầu như chưa có định nghĩa thống nhất dành cho Black Friday. Cụm từ này được ghi nhận đầu tiên tận thế kỷ trước, đề cập tới một cuộc khủng hoảng tài chính. Thị trường vàng của Mỹ sụp đổ vào ngày 24-9-1869 và hai nhà đầu tư Jay Gould và Jim Fisk của Phố Wall (Mỹ) ôm mộng hốt bạc từ việc… hốt hết số vàng rớt giá. Kết quả là thị trường chứng khoán rơi tự do.
Nhưng rõ ràng Black Friday ngày nay là một sự kiện mua sắm được chờ đợi, nên không thể dùng chữ “black” theo nghĩa “đen tối”. Một giải thích đưa ra là ngày xưa, người ta thường dùng mực đen để ghi lợi nhuận, mực đỏ để báo lỗ sau khi kết sổ. Thế là Black Friday được hiểu như thời điểm các nhà bán lẻ sẽ “đen sổ”, tức lợi nhuận cao.
Vài năm gần đây, một “huyền thoại” khác về Black Friday nổi lên làm ngày này thêm xấu xí. Nó nói rằng trong những năm 1800, những ông chủ đồn điền miền nam nước Mỹ có thể mua nô lệ giá rẻ ngay sau Lễ tạ ơn. Và rất có thể đây là thông tin đưa ra từ những người có ác cảm với Black Friday, muốn tẩy chay dịp này.
Một trong những định nghĩa được ủng hộ khác về Black Friday mang nghĩa rất tiêu cực. Trở lại những năm 1950, cảnh sát thành phố Philadelphia (Mỹ) đã dùng từ này để diễn tả tình trạng hỗn loạn sau ngày Lễ tạ ơn. Đám đông đã tập trung tại các cửa hàng nội ngoại thành cùng du khách lũ lượt tràn vào thành phố khiến nhà chức trách đau đầu.
Bạo lực
Lịch sử đã ghi nhận hàng loạt vụ bạo lực trong ngày Black Friday khi người ta chen lấn, xô đẩy nhau để có được món hàng giảm giá, thậm chí dẫn đến chết người. Năm 2008, một người đàn ông đã bị giẫm đạp đến chết tại một sự kiện Black Friday ở cửa hàng bán lẻ Wal-Mart tại thành phố New York (Mỹ). Ít nhất 2.000 người đã phá cửa và 11 khách hàng bị thương, gồm một phụ nữ mang thai, theo New York Times.