Thái Lan siết chặt kiểm soát mạng xã hội
Những người bị cho là lợi dụng mạng xã hội hoặc truyền thông để làm tổn hại hoặc đe dọa an ninh quốc gia tại Thái Lan có nguy cơ ngồi tù đến 10 năm.
Thái Lan siết chặt kiểm soát mạng xã hội.
Những người bị cho là lợi dụng mạng xã hội hoặc truyền thông để làm tổn hại hoặc đe doạ an ninh quốc gia tại Thái Lan có nguy cơ ngồi tù đến 10 năm.
Trả lời Thanh Niên ngày 22.11, ông Sansern Kaewkamnerd, người phát ngôn Văn phòng chính phủ Thái Lan, cho biết Thủ tướng Prayut Chan-ocha chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát thông tin trên mạng xã hội và truyền thông, đặc biệt là báo mạng. Bên cạnh đó, theo luật Tội phạm máy tính được sửa đổi, người bị kết tội phỉ báng hay đăng thông tin làm tổn hại, đe doạ an ninh quốc gia có thể ngồi tù đến 10 năm, bên cạnh mức phạt tiền cao nhất là 200.000 baht (gần 140 triệu đồng). Cơ quan chính phủ cũng được quyền đóng website bị cho là đăng thông tin nhạy cảm.
Theo ông Sansern, mục đích của việc tăng cường giám sát nhằm ngăn chặn thông tin xấu, gây rối loạn xã hội và ảnh hưởng an ninh quốc gia. “Người dân có thể phê phán, chỉ trích chính phủ nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp. Không thể đẩy tất cả mọi thứ lên trên đó (mạng xã hội, truyền thông – NV) bất luận chúng có ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nào hay không, kể cả chính phủ. Như thế xã hội làm sao ổn định được? Nhiều nước siết chặt quản lý truyền thông và mạng xã hội, chúng tôi cũng làm tương tự”, người phát ngôn này nói với Thanh Niên.
TIN LIÊN QUAN
Rộ tin đồn biểu tình lật đổ chính phủ ở Thái Lan
Một tin đồn đang lan truyền tại Thái Lan nói phe chống đối sẽ tổ chức biểu tình nhằm lật đổ chính phủ nhưng cảnh sát cho rằng đây là chuyện không có căn cứ.
Tuy nhiên, giới báo chí và người dùng mạng xã hội đã có phản ứng lo ngại về các động thái của chính phủ. Nhà hoạt động Sombat Boonngamanong nhận định với Thanh Niên rằng “những tiếng nói phản biện trung thực sẽ bị dập tắt”, còn Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Thái Lan Thepchai Yong đặt câu hỏi: “Đâu là phân định giữa sự thật và thông tin bị chính phủ cho là sai trái? Đó là chưa kể nguy cơ lạm dụng quyền lực trong quản lý mạng xã hội và truyền thông”.
Theo thống kê được công bố vào tháng 5.2017, có khoảng 47 triệu người Thái dùng Facebook, 11 triệu người dùng Instagram và 9 triệu người dùng Twitter. Đến nay, chính phủ đã chi ngân sách tương đương 3,8 triệu USD để tăng cường các biện pháp công nghệ giám sát trên mạng và đã có gần 60 người bị bắt giam vì tội “đăng thông tin sai trái” tính từ năm 2014, thời điểm quân đội đảo chính. Hồi giữa năm 2017, chính phủ cũng yêu cầu các mạng xã hội chặn hàng trăm trang web “độc hại, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Minh Quang
Văn phòng Bangkok