Quản lý hướng dẫn viên du lịch chỉ có lợi mà thôi
Các hướng dẫn viên (HDV) du lịch tự do lo ngại bị mất nồi cơm vì quy định phải vào hội đoàn – công ty, doanh nghiệp nói chỉ ai không chuyên nghiệp không chuẩn mới kêu ca.
Quản lý hướng dẫn viên du lịch chỉ có lợi mà thôi.
Các hướng dẫn viên (HDV) du lịch tự do lo ngại bị mất nồi cơm vì quy định phải vào hội đoàn – công ty, doanh nghiệp nói chỉ ai không chuyên nghiệp không chuẩn mới kêu ca.
Tổng cục Du lịch vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị quản lý HDV theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Lo “mất nồi cơm” có quá đáng?
Trên các diễn đàn du lịch, hàng chục ngàn thành viên đang bàn luận căng thẳng về những điều luật này. Thậm chí không ít người cho rằng họ sẽ bị mất nồi cơm và lâm vào tình trạng thất nghiệp.
Theo quy định mới, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện: có thẻ hướng dẫn viên du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp…
Anh Trương Công Thảo, HDV tự do tại Quảng Nam – Đà Nẵng, cho rằng số lượng HDV rất lớn nên không thể yêu cầu tất cả vào công ty. Hơn nữa, hiện nay ít có công ty nào “nuôi” HDV vì du lịch có tính thời vụ, mùa thấp điểm lắm lúc cả tháng mới có 1-2 tour.
Trong khi đó các doanh nghiệp và hội lại “tố” nhiều nguy cơ từ các HDV tự do.
Theo anh Lê Đình Hu, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Huế, khá nhiều sự cố du lịch, trong đó có nguyên nhân từ các HDV như tổ chức tour chui, tự ý đưa khách đến những nơi nguy hiểm, không được phép, chặt chém du khách…
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, nói rằng quy định mới mà một số HDV lo lắng thực chất đã được số đông doanh nghiệp lữ hành đề nghị đưa vào Luật du lịch 2017.
“Các HDV tự do làm mất uy tín, mất khách của công ty, chẳng ai làm gì được, không ai quản lý được”, ông Kế than phiền.
Theo ông Kế, hiều HDV tự do còn làm khổ doanh nghiệp lữ hành bởi các tour ở nước ngoài thường khó kiểm soát.
“Có HDV suốt ngày chỉ chăm chăm đưa khách đi mua sắm. Có nơi như Hàn Quốc mà dẫn đi 5 điểm mua sắm, nếu khách đi không đủ là mặt mũi HDV sưng sỉa”, ông Kế kể lại.
Theo vị giám đốc Hanoitourist thì quy định mới chắc chắn làm giảm tình trạng HDV ”chặt chém”, hành hạ khách và không quá khó để đáp ứng.
Chống được “chặt chém”
Trước lo ngại mất nồi cơm của giới HDV tự do, các doanh nghiệp du lịch cho rằng “không đến mức đó” vì họ có thể không khó khi ký hợp đồng với doanh nghiệp hoặc tham gia vào hội nghề nghiệp.
Theo ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty lữ hành Liên Bang, cho biết tình trạng các điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng và các tỉnh phía Bắc có tình trạng HDV tiếp tay cho các công ty nước ngoài núp bóng làm ăn, hoặc giúp công ty nước ngoài đặt dịch vụ dẫn đến ngành dịch vụ trong nước không thu lợi vì tour “0 đồng”.
Vì thế, việc áp dụng quy định mới sẽ giúp quản lý HDV tốt hơn.
Bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết đã xảy ra tình trạng HDV tự ý không tuân thủ quy định, không báo lại doanh nghiệp về thay đổi dịch vụ, lịch trình… cũng như hàng loạt hiện tượng khách sang, qua cửa khẩu rồi nhưng không có hướng dẫn viên đón.
Khi xác minh lại thì công ty đã giao việc cho HDV, HDV đã nhận việc nhưng đến giờ chót lại không đến chỉ vì không hài lòng về điều gì đó. Trong khi chỉ một sai lầm của HDV đã ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Thậm chí có HDV tự tổ chức tour không qua các công ty, nếu suôn sẻ thì đó là hình thức trốn thuế. Nếu không ổn còn làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp vì khách vẫn coi HDV là đại diện của công ty.
Bà Thảo khẳng định: quy định không ép các HDV phải vào chính thức doanh nghiệp nào mà được quyền lựa chọn có hợp đồng với công ty lữ hành hoặc tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Bà Phạm Lê Thảo – Ảnh: V.V. TUÂN
Bà PHẠM LÊ THẢO (Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch):
Doanh nghiệp phải tuân thủ
Việc áp quy định mới sẽ bảo vệ quyền lợi các HDV du lịch tốt hơn vì hiện chỉ có 30% là các HDV cơ hữu và cộng tác viên chính thức có hợp đồng. Phần lớn HDV còn lại không ký hợp đồng và không được đóng bảo hiểm.
Sẽ có chệch choạc trong thời gian đầu tiên vì một số người không muốn có ràng buộc, hoặc một số công ty chưa xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng những HDV chưa có đủ điều kiện hành nghề. Nhưng các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đây không phải là giấy phép con.