28/11/2024

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng

Ngày 17.11, Chính phủ đã ra Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thanh Niên trân trọng trích giới thiệu những nội dung quan trọng dưới đây:

 

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng.

 

Ngày 17.11, Chính phủ đã ra Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậuThanh Niên trân trọng trích giới thiệu những nội dung quan trọng dưới đây:

 

 

 

 

 

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở H.Thới Lai, TP.Cần Thơ
 /// Ảnh: Công Hân

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở H.Thới Lai, TP.Cần ThơẢNH: CÔNG HÂN

Mục tiêu đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hoà, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thuỷ lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái. Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hoá, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước.
Để đạt mục tiêu trên, quan điểm chỉ đạo phát triển đồng bằng sông Cửu Long gồm nhiều nội dung, trong đó có việc thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần tuý, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ công tác phòng, chữa bệnh tạo nên những thương hiệu nổi tiếng.
Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Kông. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bảo đảm sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như sự liên kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Tiểu vùng sông Mê Kông. 



Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước; đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 70% các loại trái cây của cả nước. Khu vực này cũng đóng góp cho nền kinh tế 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.



Về chủ trương và định hướng chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng.
Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, con người và các quy luật tự nhiên; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống, đảm bảo tính ổn định và sinh kế của người dân, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ và các vùng khác trong cả nước, giữa tây Nam bộ với đông Nam bộ, giữa VN với các nước, trước hết là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông.
Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Phải chú trọng và chủ yếu áp dụng các giải pháp phi công trình, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp công trình.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Cần 120.000 tỉ đồng cho tăng trưởng xanh ĐBSCL

Ngày 11.11, tại H.Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo công bố “Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh 5 tỉnh ĐBSCL – Liên kết vùng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước. Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Phát huy tiềm lực, tăng cường thực lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Các giải pháp tổng thể để thực hiện định hướng chiến lược phát triển nêu trên bao gồm: Hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn…). Tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro; dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: thuỷ sản – cây ăn quả – lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực. Xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hoá, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp. Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển. Phát triển dịch vụ – du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hoá, con người với hiệu quả kinh tế cao. Phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng và tiểu vùng sinh thái để nâng cao hiệu quả, thực chất, theo hướng thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn của VN và vùng đồng bằng sông Cửu Long làm trọng tâm xuyên suốt.

 

Nghị quyết của Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Bộ Thông tin – Truyền thông, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Y tế, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư vùng đồng bằng sông Cửu Long, UBND TP.HCM tổ chức thực hiện nghị quyết trên cơ sở ban hành các đề án, kế hoạch liên quan.