Trò chơi vương quyền xứ Ả Rập
Quyền lực gần như không bị kiểm soát của thái tử Mohammed bin Salman khiến không ít nước láng giềng và đối tác của Ả Rập Xê Út phải e dè.
Trò chơi vương quyền xứ Ả Rập.
Quyền lực gần như không bị kiểm soát của thái tử Mohammed bin Salman khiến không ít nước láng giềng và đối tác của Ả Rập Xê Út phải e dè.
Kể từ lúc bước ra vũ đài chính trị khu vực và thế giới sau khi phụ vương Salman đăng quang năm 2015, thái tử Mohammed bin Salman được gán cho rất nhiều biệt danh. Đối với giới trẻ kỳ vọng vào công cuộc cải cách, vị bộ trưởng quốc phòng có tên tắt MBS này được ví như “Lý Quang Diệu của Ả Rập Xê Út”, với tham vọng hiện đại hoá đất nước bằng những quyết sách sắt đá. Một số nhà quan sát lại xem vị hoàng tử 32 tuổi này như “Vladimir Putin của Trung Đông” khi đề cập đến những bước đi táo bạo và quyết liệt làm thay đổi trạng thái cân bằng quyền lực, đặc biệt với chiến dịch trấn áp thần tốc “nhóm thiểu số thao túng” (oligarch), tức nhóm những hoàng thân và trùm tài phiệt vừa bị bắt giữ hàng loạt vào đầu tháng 11.
Số khác nhìn thấy hình mẫu của một “Quân vương” trong tác phẩm cùng tên nổi tiếng của nhà triết học chính trị thời Phục hưng Niccolò Machiavelli, với những thủ đoạn tranh đoạt quyền lực khét tiếng. Nhưng cũng với không ít người, ông là “hoàng tử bão tố”.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Li Băng xác nhận không bị Ả Rập Xê Út bắt giam
Ông Saad Hariri, người vừa gây sốc ở Li Băng khi bất ngờ từ chức thủ tướng cách đây 1 tuần, vừa lên tiếng mình hoàn toàn được “tự do” ở Ả Rập Xê Út và sẽ nhanh chóng về nước.
Nấc thang quyền lực
Sinh thời, vua Abdulaziz, người sáng lập vương quốc Ả Rập Xê Út hiện đại, do lo sợ nảy sinh thù nghịch trong hoàng tộc đông đúc, đã thiết lập dòng kế vị theo chiều ngang, với ngai vàng lần lượt được truyền giữa những người con trai của ông. Một trong số đó là vua Saud từng bị lật đổ vào năm 1964, một phần vì những người anh em lo ngại ông sẽ truyền ngôi cho con trai của mình, theo tờ The Economist. Như một phiên bản quân chủ của cơ chế “kiểm soát và đối trọng”, quyền kiểm soát các lực lượng quân đội, an ninh và vệ binh quốc gia cũng được phân tán cho các hoàng thân ở các dòng khác nhau, tạo nên sự cân bằng tinh tế trong hoàng gia Ả Rập Xê Út suốt nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, tháng 4.2015, vua Salman xóa bỏ cơ chế truyền ngôi này khi phế truất hoàng thái đệ Muqrin bin Abdulaziz để tấn phong cháu ông là hoàng thân Mohammed bin Nayef làm hoàng thái điệt.
Cột mốc chuyển giao thế hệ này hoá ra chỉ là bước đệm cho cơ chế truyền ngôi trực hệ, khi đến lượt ông Mohammad bin Nayef bị phế vào tháng 6 năm nay, mở đường cho MBS trở thành hoàng thái tử. Chức bộ trưởng nội vụ của ông Mohammed bin Nayef cũng bị tước và trao vào tay hoàng thân trẻ tuổi Abdulaziz bin Saud (34 tuổi), đồng minh của MBS. Quá trình thâu tóm bộ ba quyền lực gồm bộ quốc phòng, bộ nội vụ và lực lượng vệ binh quốc gia của MBS hoàn tất vào đầu tháng này, khi Bộ trưởng Vệ binh quốc gia Mutaib bin Abdullah bị bắt giữ trong đợt “truy quét tham nhũng” sấm sét. Là con vua Abdullah quá cố, hoàng thân Mutaib từng có lúc được xem là đối thủ cạnh tranh ngai vàng đáng gờm với MBS. Việc MBS cùng đồng minh kiểm soát toàn bộ bộ máy an ninh đặt dấu chấm hết cho cái gọi là “kiểm soát và đối trọng” ở Ả Rập Xê Út.
TIN LIÊN QUAN
Ả Rập Xê Út bắt hơn 200 người nghi gây thất thoát 100 tỉ USD
Ả Rập Xê Út cho biết đã bắt giữ 208 người để thẩm vấn theo sau chiến dịch chống tham nhũng tại nước này.
Phiêu lưu ngoại giao
Không chỉ phá vỡ thế cân bằng chính trị của hoàng tộc, MBS còn nhắm đến một cột trụ khác của vương triều là thế lực của giới giáo sĩ Hồi giáo Wahhabi. Ông làm suy yếu tầm ảnh hưởng của họ bằng cách thúc đẩy mở cửa, giải phóng tự do xã hội, hạn chế quyền hạn của cảnh sát tôn giáo, không ngại bắt giữ các giáo sĩ phách lối, trong khi nữ giới từng bước được nới rộng các quyền tự do như lái xe hoặc vào sân vận động.
Những nỗ lực tấn công tầng lớp quyền thế của MBS nhận được không ít sự ủng hộ từ một dân số với hơn 70% là người dưới 30 tuổi. Nhưng trái với những thành công nhất định trong công cuộc “tề gia, trị quốc” mang màu sắc dân túy, nỗ lực “bình thiên hạ” của ông phần nhiều chỉ có tác dụng ngược. Với sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ả Rập Xê Út theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn hơn ở khu vực, xoay quanh cuộc đối đầu và cạnh tranh ảnh hưởng với Iran ở Iraq, Syria, Li Băng, Yemen và vùng Vịnh. Trên cương vị bộ trưởng quốc phòng, MBS chỉ huy cuộc can thiệp quân sự vào Yemen kéo dài 2 năm rưỡi, với kết quả là một cuộc chiến sa lầy và một thảm hoạ nhân đạo.
Cuộc bao vây ngoại giao Qatar vài tháng qua cũng không thu được kết quả nào ngoài sự chia rẽ trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và đẩy Qatar xích lại gần hơn với đối thủ Iran. Và mồi lửa của cuộc chiến ủy nhiệm giữa Ả Rập Xê Út với Iran có nguy cơ lan từ Syria sang Li Băng, khi Thủ tướng Saad Harari đột ngột từ chức ngày 4.11, trong lúc đang có mặt ở Ả Rập Xê Út. Ông Harari bị cho là từ chức dưới sức ép của Ả Rập Xê Út, trong nỗ lực của Riyadh nhằm loại bỏ nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ra khỏi chính trường ở Li Băng.
Theo giới quan sát, những hành động đối ngoại liều lĩnh của MBS đang đẩy khu vực lâm vào tình trạng bất định nguy hiểm. Không thể loại trừ chúng là một phần chiến thuật của vị thái tử nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài” để dẹp “thù trong”, nhưng sự trỗi dậy thần tốc của ông quả thật đang khiến không ít nước láng giềng, đối tác và cả người trong hoàng gia bồn chồn lo lắng. Và cùng với quá trình thâu tóm quyền lực chớp nhoáng, danh sách kẻ thù của ông cũng đang ngày càng dài ra.
Sơn Duân