Tiết học văn xả stress.
“Cô dạy văn theo phương pháp mới nên lớp em bạn nào cũng thích. Tụi em xem tiết văn là tiết học… xả stress vì nó nhẹ nhàng, vui vẻ mà lại bổ ích”.
Tiết học văn xả stress.
“Cô dạy văn theo phương pháp mới nên lớp em bạn nào cũng thích. Tụi em xem tiết văn là tiết học… xả stress vì nó nhẹ nhàng, vui vẻ mà lại bổ ích”.
Đó là nhận xét của nhiều học sinh Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, TP.HCM về cô Lê Ngọc Xuân Khánh, giáo viên môn văn của trường.
Khi được biết chúng tôi muốn hỏi thông tin về cô Xuân Khánh, các học sinh lớp 9/11 Trường THCS Tùng Thiện Vương thi nhau kể: “Hồi lớp 7, tụi em được học với cô Khánh. Năm nay lại được học với cô nữa. Cô giảng bài hay lắm, giọng cô rất truyền cảm…”.
“Em đã tự tin nói trước đám đông”
“Trước đây, trong giờ học em ít phát biểu lắm. Nhưng từ khi học với cô Khánh, gần như bài học nào tụi em cũng phải thuyết trình. Bây giờ em đã tự tin nói trước đám đông rồi. Em rất thích phát biểu, không e ngại như trước nữa” – Lê Minh Đủ, học sinh lớp 9/8, chia sẻ.
Theo các học sinh khối lớp 9 Trường Tùng Thiện Vương, với hầu hết các bài học trong chương trình môn ngữ văn, cô Khánh đều yêu cầu học sinh chuẩn bị tư liệu – hình ảnh (theo nhóm), thảo luận rồi thuyết trình.
Sau khi mỗi nhóm thuyết trình xong, các nhóm khác có quyền đặt câu hỏi, chất vấn. Cô Khánh sẽ “chốt” lại những ý chính trong bài. Từ đó, mỗi học sinh sẽ tự vẽ sơ đồ tư duy bài học của mình.
“Cách học này làm cho tụi em cảm thấy thoải mái, không bị gò bó. Cô luôn khuyến khích học sinh phản biện, không chỉ phản biện những vấn đề của các bạn trong lớp, mà còn có thể phản biện vấn đề cô đang giảng. Sau mỗi bài học cô thường liên hệ với thực tế để mỗi bạn tự rút ra bài học cho riêng mình” – Huỳnh Ngọc Quý, học sinh lớp 9/11, kể.
Còn Thùy Linh, học sinh lớp 9/11, tâm sự: “Trước đây em chán môn văn lắm. Nó vừa khô khan lại vừa giáo điều, cổ lỗ… Nhưng từ khi học với cô Khánh, em nhìn môn văn khác hẳn. Cô đã làm mới cho những tiết văn ở lớp em…”.
Học sinh Hồng Uyên, lớp 9/11, cho biết thêm: “Học văn với cô Khánh, tụi em được nghe nhạc, xem phim, được biết thêm kiến thức về lịch sử, địa lý… Tiết dạy của cô hấp dẫn là vì vậy”.
“Phải làm gì đó để thu hút học sinh”
Cô Xuân Khánh tâm sự: “Tôi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm và về giảng dạy tại Trường THCS Tùng Thiện Vương từ năm 2007. Năm đầu tiên đứng lớp, phụ huynh phản hồi: Cô dạy nhanh quá, học sinh không hiểu bài.
Tôi buồn lắm, nung nấu một suy nghĩ: phải làm gì đó để thu hút học sinh trong tiết dạy của mình; làm sao để các em hiểu bài trong trạng thái vui vẻ, hào hứng. Muốn như thế, học sinh phải là nhân vật chính trong lớp, chứ không phải cô giáo.
Và tôi bắt đầu thử nghiệm cách dạy mới: giao cho từng nhóm soạn bài trước ở nhà để vào lớp thuyết trình, thảo luận. Tôi chỉ là người “gỡ bí” cho những nhóm bị các bạn chất vấn mà không biết trả lời, rồi đúc kết lại những ý chính trong bài, hướng dẫn học sinh làm sơ đồ tư duy nội dung bài học…
Thời gian đầu, cả phụ huynh và học sinh đều không quen với cách dạy này. Giao nhiệm vụ cho một nhóm khoảng 10 học sinh, chỉ có 5 – 6 em thực sự làm việc, các em còn lại không làm gì cả.
Đến tiết học, khi các em lên thuyết trình, em này đùn đẩy em kia, rụt rè, e ngại, nói nhỏ xíu các bạn không nghe được. Phụ huynh gọi điện thắc mắc: “Sao cô bắt các con làm nhiều việc ở nhà quá vậy?”, “Sao cô không giảng bài mà để cho học sinh nói nhiều quá?”…
Lúc ấy, tôi đã khuyến khích học sinh bằng cách: em nào lên thuyết trình sẽ được điểm cao nhất trong nhóm; em nào đặt câu hỏi hay sẽ được điểm cộng vào cột điểm kiểm tra miệng hoặc kiểm tra 1 tiết; em nào đại diện nhóm mình trả lời câu hỏi của nhóm khác cũng được điểm cộng…
Bên cạnh đó, tôi kiểm tra chặt chẽ hơn việc phân công nhiệm vụ của các nhóm, bảo đảm em nào cũng phải làm việc.
Bây giờ thì học sinh giành nhau lên thuyết trình, các em còn tích cực phản biện, hào hứng bổ sung cho bạn về những nội dung mình đã biết…
Có những vấn đề các em phản biện khiến tôi giật mình, ngẩn người ra một lúc vì bất ngờ. Nói thật là dạy theo cách mới, bản thân tôi cũng học được từ học trò nhiều lắm”.
Sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng cho toàn trường
Cô Lê Ngọc Xuân Khánh sinh năm 1986, là giáo viên trẻ, nhiệt tình, rất chịu khó. Dù có khó khăn cỡ nào nhưng khi được giao nhiệm vụ, cô sẽ phấn đấu làm cho bằng được. Mặc dù có khi hoàn thành xong là… bệnh luôn. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đồng thời có những sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng cho toàn trường.
Cô Khánh rất tích cực học hỏi, không những nỗ lực học lên đại học mà cô còn thường xuyên tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, khiến học sinh rất thích thú khi học với cô. Bên cạnh đó, cô còn làm công tác chủ nhiệm rất hiệu quả, gần gũi, yêu thương và cảm hóa những học sinh đặc biệt, nên được nhiều phụ huynh tin tưởng, quý trọng.
Ông Phó Trọng Huy
(hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương)