29/11/2024

Cô giáo ‘game show’

Tiết dạy giáo dục công dân của cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ được mở đầu bằng… một game show. Cả lớp sôi nổi với những tràng pháo tay, tiếng cười nói, hò reo…

 

Cô giáo ‘game show’.

 

 Tiết dạy giáo dục công dân của cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ được mở đầu bằng… một game show. Cả lớp sôi nổi với những tràng pháo tay, tiếng cười nói, hò reo…



Cô giáo game show - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ trong 1 tiết dạy ở Trường THCS Đức Trí – Ảnh: H.Hương

Cùng là nhà giáo, nhưng phụ trách giảng dạy bộ môn mà phụ huynh xem là môn phụ, nhiều lúc tôi cũng không khỏi chạnh lòng. Nhưng tôi nghĩ mình phải tự tin. Mình không thể thay đổi cả xã hội thì cố gắng thay đổi học sinh của mình. Cứ dạy cho tốt thì học sinh sẽ yêu thích

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy

“Giáo dục công dân vốn bị xã hội xem là môn học phụ. Qua cách dạy của mình, tôi muốn học sinh nhận ra: đây là môn học thú vị và không kém phần quan trọng đối với bản thân các em” – cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Trường THCS Đức Trí (Q.1, TP.HCM), chia sẻ.

Cách đây 2 năm, chúng tôi tình cờ được dự 1 tiết dạy của cô Thuỷ ở lớp 7 Trường Đức Trí. Đây là tiết dự giờ không báo trước cho giáo viên và học sinh. 

Những người dự giờ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi chứng kiến các học sinh tham gia vào tiết học một cách thoải mái như một tiết sinh hoạt ngoại khóa.

Hôm ấy, cô Thủy giảng về lòng tự tin. Mở đầu tiết dạy là một game show “Vui để học”, cả lớp chia thành 4 nhóm để thi đấu với nhau. Vì thi đấu nên tiết học sôi động với những tràng pháo tay giòn giã, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hò reo… 

 

 

Hết phần game show, cô giáo mới gút lại: “Khái niệm về lòng tự tin”. Ngay lập tức, cô đặt câu hỏi cho cả lớp: “Kể về những gương tự tin trong cuộc sống mà em biết?”, khiến cả lớp sôi nổi bàn luận. 

Rồi học sinh được xem phim ngắn, thảo luận nhóm về những tình huống có thể gặp phải trong cuộc sống, tự rút ra bài học về lối sống cho bản thân… Đến khi chuông reo báo hiệu tiết học kết thúc, nhiều học sinh vẫn còn trao đổi về bài học.

Không yêu cầu thuộc bài

Bây giờ, sau 2 năm, phần game show trong tiết dạy của cô Thuỷ được đầu tư hơn và hấp dẫn hơn. Cô đúc kết: “Mỗi năm, tôi lại rút kinh nghiệm để hoàn thiện giáo án của mình. Tôi cho học sinh hoạt động liên tục để các em không chán, không có điều kiện xao nhãng trong tiết học”.

Theo cô Thuỷ: “Có phụ huynh nói thẳng với tôi rằng họ chỉ cần con em mình tập trung học 3 môn toán, văn, ngoại ngữ để thi vào lớp 10, cô đừng bắt các em học giáo dục công dân quá nhiều. 

Bản thân tôi cũng thấy học sinh bây giờ học hành vất vả quá. Vì vậy, giờ kiểm tra bài cũ, lẽ ra trả bài theo cách truyền thống, tôi cũng tổ chức game show. Tôi nói với học sinh rằng tôi không yêu cầu các em phải ngồi gạo bài để thuộc lòng, chỉ cần ở trên lớp các em tập trung vào bài học, biết liên hệ với thực tế là nhớ bài rồi”.

Có lẽ vì vậy mà những tiết dạy của cô Thuỷ thường xuyên có trò chơi, có sự thách đấu, thi đấu giữa nhóm học sinh này với nhóm học sinh khác, hoặc của chính cô giáo đặt ra. Có thi đấu thì có tìm tòi, học hỏi, vì học sinh nào cũng muốn mình là người chiến thắng.

“Mục tiêu của môn giáo dục công dân là rèn nhân cách cho học sinh, giáo dục kỹ năng sống cho các em. Lứa tuổi học sinh THCS là tuổi mới lớn, đang trong giai đoạn muốn khẳng định bản thân, không phải cứ dạy là các em nghe liền, nên phải có những tấm gương người thật – việc thật. 

Muốn khuyên nhủ học sinh điều gì tôi đều đặt mình vào vị trí của các em, để có sự đồng cảm trước đã” – cô Thuỷ tâm sự.

“Chị cả” của học sinh

Tại Trường THCS Đức Trí, nhiều học sinh đặt biệt danh cho cô Thủy là “chị cả”. “Chị cả” không chỉ gần gũi học sinh trong và ngoài trường học, mà buổi tối, khi đã về nhà “chị cả” vẫn online trên Facebook, Viber… để nói chuyện và kịp thời chia sẻ những nỗi bức xúc của học sinh.

Giờ ra chơi ở Trường THCS Đức Trí, khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe các học sinh nói về cô Thủy, các em ùa lại, thi nhau kể: “Tụi em gọi cô là “Chị cả game show”, vì hầu như tiết học nào cô cũng có các trò chơi với nhiều hình thức khác nhau. 

Cô dễ thương, nhiệt tình mà còn hài hước nữa. Các trò chơi của cô khiến tụi em rất thoải mái trong giờ học” – Bá Đạt, học sinh lớp 9/5 (từng học với cô Thủy năm lớp 7 và lớp 8), cho biết.

Còn Thanh Hải, học cùng lớp với Đạt, nhận xét: “Cô Thuỷ hướng dẫn tụi em học theo sơ đồ tư duy, để nhớ bài ngay trên lớp. Cô hay cho tụi em thuyết trình, bài học nào cô cũng kêu tụi em phải trình bày “áp dụng vào cuộc sống như thế nào”, rất thú vị mà cũng có ích nữa”.

Năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi

Đánh giá về cô Thuỷ, ông Trương Quốc Hưng, hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí, khẳng định: “Đó là một cô giáo trẻ (sinh năm 1982), năng động, sáng tạo, đam mê nghề nghiệp và chịu khó học hỏi. Trước đây, cô tốt nghiệp CĐ sư phạm.

Bây giờ, cô đã lấy bằng ĐH sư phạm và vừa lấy thêm bằng cử nhân tiếng Anh. Cô còn thường xuyên trau dồi, cập nhật kỹ năng về công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy.

Là một giáo viên giỏi, cô Thủy đã đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi dạy học tích hợp – liên môn, hội thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin”… cấp toàn quốc.

Tiết dạy của cô hấp dẫn, lôi cuốn, khiến học sinh thích thú và hào hứng. Cô không những là người truyền cảm hứng học tập cho học sinh, mà còn gần gũi, hòa đồng, am hiểu tâm lý các em nên được nhiều học sinh, phụ huynh yêu quý”.

HOÀNG HƯƠNG