Khó phát hiện gian lận bảo hiểm thất nghiệp
Trong 10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP đã phát hiện khoảng 330 người lao động có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng.
Khó phát hiện gian lận bảo hiểm thất nghiệp.
Trong 10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP đã phát hiện khoảng 330 người lao động có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng.
Theo ông Trần Xuân Hải – giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP (thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP), số liệu nói trên chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” vì thực chất có rất nhiều trường hợp gian lận bảo hiểm thất nghiệp chưa phát hiện.
“Chúng tôi chỉ biết được tình trạng gian lận này khi người lao động được nhận vào làm chính thức và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại nơi làm mới. Nhưng trong thời gian đó, họ vẫn nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp” – ông Hải nói.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm có gần 129.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hải cho rằng kẽ hở của Luật việc làm đã dẫn đến tình trạng gian lận bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, luật này quy định người lao động trong thời hạn 3 tháng sau khi có quyết định nghỉ việc thì đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Sau khi chúng tôi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, lại mất thêm 20 ngày mới có kết quả.
Điều này tạo nên một khoảng trống thời gian, trong khi cơ quan chức năng đang rà soát, xem xét thì người lao động đã tìm được việc làm mới.
Tuy nhiên, họ không khai báo lại cho trung tâm mà đồng thời hưởng trợ cấp thất nghiệp và đi làm kiếm tiền” – ông Hải phân tích.
Để giải quyết tình trạng này, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP đã cung cấp phần mềm quản lý lao động miễn phí cho các doanh nghiệp để khai trình tình hình biến động lao động hằng tháng.
Tuy nhiên, dù áp dụng phần mềm này từ tháng 6-2017 nhưng đến nay chỉ có khoảng 1.250 doanh nghiệp khai báo lao động.
“Chúng tôi đã tăng cường đôn đốc, gửi công văn cho hơn 8.500 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp thực hiện rất khiêm tốn vì hiện nay chưa có chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp không khai trình tình hình biến động lao động” – ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, thông qua phần mềm quản lý lao động, cơ quan chức năng có thể nắm rõ tình hình biến động lao động, nhanh chóng phát hiện người lao động đang làm việc ở đâu và đóng BHXH bắt buộc như thế nào.
Từ đó giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện người lao động gian dối khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Nguyễn Tất Năm, trưởng phòng lao động – tiền lương – tiền công Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết sắp tới sẽ yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm TP nghiên cứu phát triển, tích hợp quản lý chung cả khối việc làm, giáo dục nghề nghiệp, tiền lương, BHXH, trình độ lao động… để quản lý chặt chẽ, toàn diện hơn.
Ngoài ra, ông Năm cho rằng theo quy định, từ ngày 1-1-2018 người lao động tham gia hợp đồng lao động từ một tháng trở lên cũng phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo ông Năm, khi thực hiện quy định nói trên, người lao động khó có thể gian lận hưởng trợ cấp thất nghiệp.