Giới hạn số tiền mặt rút ra mỗi ngày, mở rộng đối tượng dùng thẻ tín dụng… là một số điểm mới đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng và dự kiến áp dụng từ đầu năm 2019.
Hạn chế rút tiền từ thẻ tín dụng.
Giới hạn số tiền mặt rút ra mỗi ngày, mở rộng đối tượng dùng thẻ tín dụng… là một số điểm mới đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng và dự kiến áp dụng từ đầu năm 2019.
Chỉ được rút tối đa 30 triệu đồng/ngày
Theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một thẻ tín dụng chi tiêu ở nước ngoài chỉ được rút tiền mặt ngoại tệ tối đa là 30 triệu đồng trong một ngày. Còn đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ (thông qua các máy POS), số tiền được rút tối đa là 5 triệu đồng/ngày.
Với VN có đặc thù khác là nguy cơ chảy máu ngoại tệ, nên việc siết rút tiền mặt ở nước ngoài là hoàn toàn hợp lý
TS Nguyễn Trí Hiếu
Bên cạnh đó, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo, ngân hàng cấp hạn mức tín dụng không quá 80% giá trị của tài sản đó và tối đa là 1 tỉ đồng. Đối với chủ thẻ không có tài sản đảm bảo thì hạn mức cấp tín dụng tối đa là 500 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên NHNN đưa ra quy định về hạn mức rút tiền mặt trên thẻ tín dụng. Theo giải thích của NHNN, quy định này nhằm hạn chế việc sử dụng ngoại tệ được rút từ thẻ và chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối. Còn đối với hạn mức rút tiền mặt qua các máy POS trong ngày nhằm hạn chế rủi ro.
Hoàn toàn đồng ý với việc đưa ra hạn mức trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng VN trong bối cảnh siết quản lý “chảy máu” ngoại tệ, việc giới hạn rút ngoại tệ tại nước ngoài là cần thiết. Giới hạn cho rút tối đa 30 triệu đồng/ngày (khoảng 1.300 USD/ngày) là mức khá cao so với các nước.
Không thể đánh đồng hạn mức cho mọi loại thẻ khách hàng; cũng không nên đánh đồng cho mọi thị trường
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn
Tuy nhiên, trong thông tư sửa đổi chỉ thấy cho phép rút tối đa khoảng 1.300 USD/ngày, nhưng nên nói rõ trong mức 5.000 USD (hơn 110 triệu đồng), số ngoại tệ quy định cho mỗi người Việt đi ra nước ngoài có quyền mang theo. Bởi nếu cứ rút được 1.300 USD/ngày, mà ngày nào cũng rút thì con số đó sẽ lớn hơn số 5.000 USD tiền mặt mà luật cho phép mỗi cá nhân được mang ra nước ngoài.
TS Hiếu cũng thông tin thêm, tại một số nước phát triển như Mỹ không giới hạn hạn mức rút ngoại tệ. Người dùng thẻ có thể rút “kịch trần” hết tiền mặt có trong tài khoản của mình tại nước ngoài. Tại Canada thì thẻ ghi nợ hạn mức rút ngoại tệ là 1.000 CAD cho dù chủ thẻ bỏ vào tài khoản số tiền lớn đến mức nào. “Thực tế, trong xu hướng thế giới văn minh, tôi ủng hộ việc hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt. Với VN có đặc thù khác là nguy cơ chảy máu ngoại tệ, nên việc siết rút tiền mặt ở nước ngoài là hoàn toàn hợp lý”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Không nên “đánh đồng” hạn mức, thị trường
Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, quy định này cũng không ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch thẻ tín dụng trên thị trường. Tuy nhiên nếu để quản lý việc sử dụng ngoại tệ theo pháp lệnh ngoại hối thì cũng chưa bao trùm hết nhiều cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua thẻ. Ví dụ, nhiều cá nhân hiện nay chỉ cần ngồi tại VN cũng có thể sử dụng các thẻ tín dụng khác nhau để thanh toán mua bán hàng hóa, giao dịch vàng, ngoại tệ trên tài khoản và thậm chí hiện nay là giao dịch tiền ảo…
Dự thảo sửa đổi Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng cũng mở rộng đối tượng sử dụng thẻ tín dụng. Theo đó, NHNN sẽ mở rộng thêm đối tượng được sử dụng chủ thẻ chính từ 15 đến 18 tuổi cho thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi để đồng bộ với quy định về đối tượng được vay của luật các tổ chức tín dụng thay vì từ 18 tuổi trở lên như quy định hiện hành.
TS Lê Đạt Chí phân tích thêm: Hạn mức thẻ tín dụng cá nhân đang phổ biến ở mức từ 50 – 100 triệu đồng/thẻ, nhiều sinh viên chỉ cần có hạn mức thẻ dưới 50 triệu đồng, nhưng sử dụng nhiều thẻ khác nhau thì giao dịch mua bán trực tuyến ra nước ngoài cũng lên 2.000 – 3.000 USD. Hơn nữa, việc thanh toán bằng thẻ qua mạng internet hiện không giới hạn số tiền giao dịch trong ngày nên việc chuyển tiền ra nước ngoài càng dễ dàng.
“Các cá nhân thông qua thẻ tín dụng vẫn có nhiều cách để chuyển tiền ra khỏi VN mà không cần đợi đi ra nước ngoài. Nên chăng cần có quy định về hạn mức thanh toán online đối với thẻ tín dụng mới có thể theo đúng mục đích quản lý ngoại hối mà NHNN mong muốn”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ.
Còn TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright, cho rằng lý do đưa ra quy định này có thể hiểu ngân hàng muốn tránh chảy máu ngoại tệ trong tình cảnh cả nền kinh tế đang chắt chiu từng đồng xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ về.
Lý do thứ hai là bảo đảm an ninh, an toàn cho chủ tài khoản, tránh việc tài khoản bị “hack” rút một số tiền lớn không kiểm soát được… Tuy nhiên, TS Tuấn phân tích: Nhu cầu đi ra nước ngoài và chi tiêu là có thật.
Khách hàng thanh toán bằng thẻ Visa tại một trung tâm thương mại, Q.1, TP.HCMẢNH: NGỌC DƯƠNG
Có những chủ thẻ thuộc hàng VIP hoặc siêu VIP lại đang được quản lý đánh đồng như chủ thẻ hạn mức thấp nhất là không đúng. Không thể đánh đồng hạn mức cho mọi loại thẻ khách hàng; cũng không nên đánh đồng cho mọi thị trường.
Ví dụ nhu cầu sử dụng tiền mặt tại thị trường Mỹ, quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền mặt thấp lại ngang bằng tại thị trường Lào, quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao là không ổn. Hơn nữa, khi cấp hạn mức tín dụng cho một khách hàng, ngân hàng đã kiểm soát rủi ro tại đó rồi. Người có thu nhập thấp hạn mức vài ba chục triệu, người có thu nhập cao, hạn mức có thể lên vài tỉ đồng. Ngay giới hạn đã bảo đảm ngăn chặn rủi ro rồi.