28/11/2024

Để tàu hoả luôn là trải nghiệm thú vị

Nhiều du khách nước ngoài chọn tàu hỏa trong hành trình khám phá VN đã góp ý ngành đường sắt nên cải thiện dịch vụ, thiết kế điểm dừng để tàu hoả không chỉ là phương tiện vận tải, mà còn là trải nghiệm du lịch thú vị.

 

Để tàu hoả luôn là trải nghiệm thú vị.

 

Nhiều du khách nước ngoài chọn tàu hỏa trong hành trình khám phá VN đã góp ý ngành đường sắt nên cải thiện dịch vụ, thiết kế điểm dừng để tàu hoả không chỉ là phương tiện vận tải, mà còn là trải nghiệm du lịch thú vị.


Để tàu hỏa luôn là trải nghiệm thú vị - Ảnh 1.

Nhiều du khách chọn tàu hỏa trong hành trình khám phá Việt Nam. Trong ảnh: du khách tại ga Sài Gòn – Ảnh: T.T.D.

Tôi nghĩ ngành đường sắt nên suy nghĩ thêm chuyện làm du lịch bằng tàu hỏa. Ví dụ có thể bán loại vé với những điểm dừng nổi bật trên hành trình. Ngoài ra, cũng nên suy nghĩ về chuyện có những sự kiện nói chuyện, thuyết minh về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam trên tàu

Ông PHILIP GENOCHIO

Ông PHILIP GENOCHIO (người Anh):

Nên đơn giản hoá việc đặt vé tàu

Sống ở Việt Nam hơn 6 năm nay, tôi cũng có một vài dịp đi lại bằng tàu hỏa. Lần gần đây nhất, tôi mua vé tàu giường nằm đi từ Sài Gòn ra Nha Trang. Mọi thứ trên chuyến đi đó đều ổn như khoang nằm thoải mái, nhân viên thân thiện, tàu chạy đúng giờ, giá vé cũng hợp lý…

Trong những năm gần đây, chất lượng dịch vụ trên tàu đã được cải thiện rõ rệt. Tôi rất có cảm tình với chuyện nhân viên nói “xin chào” mỗi khi hành khách lên tàu, các toa tàu cũng được nâng cấp lên tiêu chuẩn cao hơn. Tuy nhiên, nếu chất lượng các món ăn tại căngtin tàu được cải thiện hơn thì sẽ tuyệt vời hơn nữa.

Tôi có nghe về kế hoạch thí điểm gộp suất ăn vào giá vé của ngành đường sắt Việt Nam. Ở Anh, các suất ăn không tính vào giá vé, mà trên những chuyến tàu dài thường có khu vực ăn uống với nhiều món ăn chất lượng, giá cả cũng phải chăng để hành khách lựa chọn.

 

Không biết người Việt có thói quen như thế nào, nhưng nếu tôi đi một chuyến tàu dài thì không phải lúc nào tôi cũng sẽ muốn ăn đúng một ngày ba bữa đâu. Có khi tôi chỉ uống cà phê thôi. Ngoài ra, một trong những cái thú của việc đi tàu là bạn có thể ngủ một giấc thật đã, xong thức dậy, đi lại trong toa tàu rồi xuống căngtin kiếm cái gì ăn, sau đó quay về buồng vừa đọc sách vừa ngắm cảnh.

Để tàu hỏa luôn là trải nghiệm thú vị - Ảnh 3.

Ông Philip Genochio

Tôi không nghĩ chúng ta nên có một “lộ trình” ăn uống được thiết lập cố định cho khách đi tàu. Nếu muốn gộp suất ăn vào vé, tôi nghĩ không nên bắt buộc, mà để cho hành khách lựa chọn xem họ muốn loại vé bao gồm hay không gồm suất ăn. Như vậy sẽ giúp nhiều người tiết kiệm và tính toán được túi tiền của mình.

Nếu phải góp ý, tôi mong muốn ngành đường sắt hãy đơn giản hoá quá trình đặt mua vé tàu, đặc biệt là cho người nước ngoài. Tôi từng gặp khó khăn trong việc đến ga và mua vé tàu, bởi lúc đó tôi không thấy bảng hướng dẫn nào bằng tiếng Anh, hỏi quầy này thì người ta chỉ sang quầy kia… 

Thậm chí có lần mua không được vé ở ga, tôi đến văn phòng bán vé gần chợ Bến Thành và được nhân viên trả lời là tôi không thể mua vé vào thời điểm đó vì còn hơn hai tháng nữa tôi mới đi. Không biết bây giờ chuyện đó đã cải thiện chưa, nhưng lúc đó quả thật tôi chẳng hài lòng chút nào.

Ông JOEP JANSSEN (người Hà Lan):

Choáng ngợp với cảnh đẹp nhìn từ tàu hoả

Gia đình tôi vừa có chuyến nghỉ mát ở Việt Nam vào tháng 7. Trên hành trình từ TP.HCM ra miền Bắc, chúng tôi đi tàu từ Đà Nẵng đến Huế vì nghe nói có thể ngắm cảnh biển tuyệt đẹp từ trên tàu. Khi lên tàu, thay vì ngắm qua khung cửa sổ tàu, tôi có đi ra khu vực nối giữa các toa tàu để ngắm cảnh và thật sự choáng ngợp với cảnh đẹp thiên nhiên. 

Sau khi thăm Huế, chúng tôi lên tàu đi Đồng Hới. Chặng cuối cùng là từ Đồng Hới đến Ninh Bình. Chúng tôi chọn toa giường nằm, thấy rất thoải mái và an toàn. Khi tỉnh dậy, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh những rặng núi đá vôi trập trùng của miền Bắc Việt Nam.

Để tàu hỏa luôn là trải nghiệm thú vị - Ảnh 4.

Ông Joep Janssen

Một trải nghiệm mới mẻ và thú vị mà tôi thấy trên tàu ở Việt Nam là việc phục vụ đồ ăn trên tàu. Chúng tôi không biết về chuyện này, nên đã mang theo thức ăn. 

Ở Hà Lan, bạn sẽ không thấy những chiếc xe đẩy bán thức ăn như vậy trên tàu vì chúng tôi có mạng lưới tàu dày đặc và liên tục, khoảng cách đi lại cũng ngắn nên không cần nhân viên phải đẩy xe phục vụ đồ ăn trên tàu. Vì vậy, ở Hà Lan suất ăn cũng không tính vào giá vé và hành khách thường mua đồ ăn tại nhà ga.

Một điều nữa liên quan đến tàu hoả ở Việt Nam mà tôi thấy là du lịch. Tuyến đường sắt Bắc – Nam là một điểm nhấn thú vị với cảnh quan, văn hoá và khí hậu – những vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam mà du khách nếu đơn thuần bay từ điểm này sang điểm khác không thể thấy được.

Có một câu nói nổi tiếng ví von thế giới là một cuốn sách và những người không đi du lịch là những người chỉ đọc mỗi một trang. Vì vậy, nếu chúng ta xem việc đi bằng tàu hoả như đọc một quyển sách thì nó không chỉ có nghĩa là đi từ A đến B nữa, mà là một cách để chúng ta “đọc” về cảnh quan, con người và văn hoá.

Tôi nghĩ rằng sẽ thật hay nếu công ty đường sắt có thể cung cấp cho hành khách những thông tin kiểu như lý do họ nên đi bằng tàu hoả, hoặc tại sao họ nên xuống ở ga Đồng Hới hoặc Ninh Bình…

Để tàu hỏa luôn là trải nghiệm thú vị - Ảnh 5.

Cảnh đẹp đèo Hải Vân chụp từ cửa sổ tàu hoả – Ảnh: JOEP JANSSEN

Anh KWANNY KRONGYUT (du khách Thái Lan):

Nâng cấp nhà ga và các toa tàu

Tôi từng đi tàu hỏa từ TP.HCM đến Phan Thiết. Tôi nghĩ ngành đường sắt nên có kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất tại các nhà ga và trong các toa tàu, cũng như tập huấn về tác phong phục vụ của nhân viên. 

Tôi cho rằng tập trung vào các yếu tố này quan trọng hơn việc đưa suất ăn vào giá vé vì nó quyết định về chất lượng dịch vụ, từ đó thu hút nhiều du khách sử dụng tàu hỏa làm phương tiện di chuyển hơn. Nếu nhất định phải áp dụng mức giá mới kèm suất ăn, tôi nghĩ chỉ nên áp dụng ở một số hạng vé, loại tàu hoặc tuyến đường nhất định, chứ đừng nên làm đại trà.

Tại Thái Lan, nhìn chung giá vé tàu không bao gồm bữa ăn, trừ một số loại tàu hoặc tuyến đường nhất định. Mọi người thường mang theo đồ ăn hoặc ăn tại toa căngtin, nhà ga, hoặc mua từ những người bán hàng ở mỗi trạm dừng. 

Tương tự, ở Ấn Độ, chỉ có một số loại tàu nhất định bán vé với mức giá đã bao gồm bữa ăn. Hành khách sẽ được phục vụ tương tự như khi đi máy bay. Còn lại, đa số các loại tàu thường tách riêng giá vé với giá thức ăn và nước uống. Nếu có nhu cầu dùng bữa, hành khách sẽ tự chủ động chuẩn bị.

Ông JOHN LIM (người Singapore):

Cần “thanh lịch hóa” tàu hỏa

Lần đầu tiên tôi đi tàu hỏa ở Việt Nam là từ Hà Nội lên Sa Pa, sau đó là từ Đà Nẵng đến TP.HCM.

Theo cá nhân tôi, dịch vụ tàu chưa được tốt lắm. Buồng nằm không được vệ sinh cho lắm, tôi còn thấy thức ăn vương vãi khắp nơi, giường, gối, mền đều không được sạch sẽ nữa. Nhà vệ sinh thì kinh khủng. Ngoài ra, trên tàu cũng rất ồn ào vì trẻ con chơi đùa dọc hành lang và va ầm ầm vào cửa vách buồng.

Tôi không nghĩ là nên gộp suất ăn vào vé tàu. Đi ngắn thì không cần ăn là rõ rồi, nhưng đi đường dài cũng có nhiều người chọn cách mang theo đồ ăn của mình bởi họ lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc đơn giản là họ muốn tiết kiệm tiền. Tôi nghĩ để thu hút nhiều hành khách hơn đến với ngành đường sắt, chúng ta cần “thanh lịch hoá” các ga tàu.

Hãy làm cho những nơi đó sạch sẽ, thoải mái đối với hành khách và có thêm thông báo bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, hãy dọn vệ sinh nội thất và sơn sửa ngoại thất tàu. Ngoài ra, tôi nghĩ nếu có các chuyến tàu nhanh cho phép hành khách không phải mất thời gian đợi tàu dừng tại các ga sẽ là một dịch vụ tuyệt vời.

Ngược lại, nếu muốn thu hút du khách, hãy thiết kế những điểm dừng du lịch để du khách có thể dừng lại lâu hơn, xuống tham quan xung quanh và mua sắm đặc sản địa phương chẳng hạn.

Thêm vào đó là trang trí nội thất theo kiểu thân thiện với người dùng như nhà hàng, nhà vệ sinh tiện lợi hơn, khu vực vui chơi dành cho trẻ con… Ngoài ra, có thể lắp máy bán nước và thức ăn tự động, hay có khoang riêng dành cho các cặp đôi hoặc gia đình muốn có không gian riêng tư.

NGỌC ĐÔNG – BÌNH MINH ghi