Tội phạm giả luôn tin nhắn ngân hàng để lừa đảo
Đã có người bước đầu được ghi nhận bị tội phạm thẻ gửi tin nhắn thông qua đầu số của ngân hàng để lừa đảo. Vậy nhận diện đâu là tin nhắn ngân hàng, đâu là tin nhắn lừa đảo như thế nào?
Tội phạm giả luôn tin nhắn ngân hàng để lừa đảo.
Đã có người bước đầu được ghi nhận bị tội phạm thẻ gửi tin nhắn thông qua đầu số của ngân hàng để lừa đảo. Vậy nhận diện đâu là tin nhắn ngân hàng, đâu là tin nhắn lừa đảo như thế nào?
Các chiêu lừa ngày càng tinh vi, cần cảnh giác để tránh thiệt hại.
Thiệt hại vì tin vào đầu số
Ông Đ.T. (TP.HCM), chủ thẻ của NH Ngoại thương VN (Vietcombank), cho biết ngày 28-10 tội phạm thẻ đã giả danh một người bạn của ông nhắn tin qua Facebook là muốn chuyển khoản tiền 20 triệu đồng vào tài khoản của ông để đóng góp vào chương trình từ thiện.
Việc chuyển tiền sẽ thông qua Western Union. Sau khi cung cấp tên và số tài khoản, ông Đ.T. nhận được tin nhắn từ đầu số của Vietcombank thông báo tài khoản của ông đã nhận được 877 USD, được quy đổi thành 20 triệu đồng.
Do không thấy số tiền vào tài khoản nên khi tội phạm giả danh Western Union gửi email yêu cầu nhấp vào đường link để xác nhận, ông Đ.T. đã làm theo. Tại đó, ông được yêu cầu cung cấp tên và mật mã. Do tin là tin nhắn chuyển tiền được gửi từ chính NH nên ông Đ.T. đã cung cấp thông tin.
Sau đó tội phạm tiếp tục lừa ông cung cấp mã xác thực được gửi qua điện thoại (OTP) để lấy đi hơn 59,2 triệu đồng.
Sau khi đánh cắp tiền, bọn tội phạm chiếm luôn tài khoản Facebook và Gmail của ông Đ.T. trong vòng một ngày và xóa sạch dấu tích email cũng như nội dung chat.
Sau hai lần gửi đơn khiếu nại, sáng 7-11 Vietcombank TP.HCM đã làm việc với ông Đ.T. và thừa nhận tin nhắn thông báo tài khoản được gửi đến từ đầu số của Vietcombank.
Đại diện Vietcombank khẳng định tin nhắn này không phải do ngân hàng gửi nhưng xác nhận tin nhắn lừa đảo đúng là nằm cùng trong chuỗi tin nhắn từ đầu số Vietcombank mà máy ông Đ.T. đã lưu.
Vị đại diện này cũng cho biết đã chuyển vụ việc tới hội sở tại Hà Nội để hội sở làm việc với nhà mạng, đồng thời chuyển sự việc sang cơ quan công an để điều tra. Phía ông Đ.T. cũng yêu cầu ngân hàng làm rõ vì sao tin nhắn từ tổng đài, để tránh rủi ro cho khách hàng khác.
Một số lưu ý, cách phân biệt
Theo giải thích của ngân hàng, hiện có hai điểm có thể phân biệt giữa tin nhắn của ngân hàng và tin nhắn lừa đảo: ngân hàng không bao giờ gọi khách hàng bằng “bạn” mà là “quý khách”.
Tiếp theo, ngân hàng không bao giờ làm tròn số khi quy đổi tỉ giá. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, khi nhận thông báo nghi vấn, người dân nên kiểm tra trực tiếp tại ngân hàng để xác thực, đừng vội vàng chuyển tiền cho các đối tượng tội phạm.
Tung tin bị nợ thẻ tín dụng
9h sáng 8-11, anh N.K. (quận Phú Nhuận) nhận được điện thoại từ số máy điện thoại bàn thông báo anh có một bưu phẩm và yêu cầu anh cung cấp tên tuổi để thông báo nội dung thư.
Sau khi cung cấp tên, anh được người ở đầu dây bên kia thông báo anh bị mạo danh mở một thẻ tín dụng tại Sacombank trụ sở ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội và đã bị sử dụng số tiền 16.858.000 đồng.
Nếu anh N.K. không thanh toán thì trong vòng hai tiếng sau sẽ bị trừ số tiền này vào tài khoản ngân hàng mà anh có sử dụng.
Ngay sau đó, anh được chuyển tiếp đến điện thoại được cho là của Công an Hà Nội và được người xưng công an yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản…
Do nghi ngờ, anh N.K. có nói nhờ cơ quan báo chí xác minh, đầu dây kia cúp máy. Truy lại số điện thoại, đó là một tổng đài tự động.
Do lo lắng, anh N.K. đã đến trực tiếp ngân hàng để xác minh thì được thông báo anh không có tài khoản nào tại đây và không nợ hơn 16 triệu đồng. Trước đó trưa 1-11, ông L.V.N. (TP.HCM) cũng bị lừa bằng kịch bản tương tự từ một số điện thoại bàn.
Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết qua các phản ảnh trên, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM yêu cầu các ngân hàng rà soát quy trình nội bộ, đồng thời phát đi cảnh báo để khách hàng lưu ý. “Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng đề nghị cơ quan công an vào cuộc”, ông Minh nói.
Ông Minh lưu ý khách hàng nên bình tĩnh phân tích. Kịch bản của đối tượng lừa đảo hoàn hảo đến đâu vẫn có điểm hở.
Chẳng hạn để mở thẻ tín dụng, ngân hàng luôn yêu cầu phải có bản chính CMND, xác minh thu nhập…
Bên cạnh đó, đối tượng gọi điện thoại đến thường không biết thông tin mà yêu cầu “khổ chủ” khai tên tuổi rồi mới tiết lộ nội dung thư….