Loạn giá đá trang sức
Việc phân biệt giữa đá và đá quý trên thị trường hiện nay khá nhập nhèm và người tiêu dùng chủ yếu dựa vào niềm tin khi mua sản phẩm.
Loạn giá đá trang sức.
Việc phân biệt giữa đá và đá quý trên thị trường hiện nay khá nhập nhèm và người tiêu dùng chủ yếu dựa vào niềm tin khi mua sản phẩm.
Một chiếc vòng trắng được người bán có cửa hàng tại Q.1 (TP.HCM) giới thiệu là thạch anh trắng phối hợp cùng 2 loại đá khác để “xua tan căng thẳng và có khả năng chữa bệnh (?)”, giá 1,8 triệu đồng. Thế nhưng cũng một chiếc vòng thạch anh trắng (không có đá khác đính kèm) của một cửa hàng tại Q.Phú Nhuận chỉ bán với giá chưa đến 400.000 đồng. Đó là chưa kể thạch anh có nhiều màu sắc khác nhau như thạch anh tóc vàng, thạch anh tóc nâu… với nhiều mức giá khác nhau. Cẩm thạch (hay còn gọi là ngọc) được thị trường ưa chuộng nhưng cũng khá đa dạng về mức giá, khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Một chiếc vòng cẩm thạch được người bán báo nhập từ Myanmar có giá từ 2,5 – 4,5 triệu đồng/chiếc tuỳ theo vòng bảng lớn hay viên tròn. Người bán báo mức giảm giá từ 10 – 20% tuỳ theo sản phẩm. Thế nhưng tại một số cửa hàng ở Q.5, chiếc vòng cẩm thạch có giá khoảng 700.000 đồng.
Đánh vào tâm lý đeo đá phong thủy của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm được “hô” giá khá cao. Chiếc vòng hổ phách được quảng cáo có tác dụng “hút bệnh ra khỏi cơ thể (?)” bán tại TP.Hà Nội với giá 10 – 11 triệu đồng. Còn tại Hội chợ nữ trang quốc tế 2017 do Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC tổ chức (từ ngày 8 – 12.11 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM), nhân viên cửa hàng trang sức đá hổ phách của một doanh nghiệp Ba Lan báo giá loại hổ phách màu vàng trong veo 350.000 đồng/lạng, còn màu vàng đục hơn 250.000 đồng/lạng.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho hay thị trường xuất hiện nhiều loại đá với những tên gọi rất lạ. Để phân biệt được đó là đá hay đá quý cần phải căn cứ theo bộ tiêu chuẩn chất lượng, nhưng bộ tiêu chuẩn này được ban hành từ năm 1994 và đến nay đã không còn phù hợp. Chính vì vậy, hội đang phối hợp với các trường, viện, các nhà ngọc học nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chuẩn đá quý.
Theo bà Bùi Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ DC, hiện có nhiều loại thiết bị như bút thử, máy… có thể hỗ trợ người tiêu dùng trong việc phân biệt các loại đá quý, đặc biệt là kim cương tự nhiên hay nhân tạo.
T.Xuân