28/11/2024

Bảo tàng lịch sử 3D của cô Quyên

Chỉ vài cú click chuột, cô Nguyễn Thu Quyên, giáo viên môn lịch sử, đã đưa học sinh đến một không gian bảo tàng ảo sống động, lôi cuốn.

 

Bảo tàng lịch sử 3D của cô Quyên.

 

 Chỉ vài cú click chuột, cô Nguyễn Thu Quyên, giáo viên môn lịch sử, đã đưa học sinh đến một không gian bảo tàng ảo sống động, lôi cuốn.


Bảo tàng lịch sử 3D của cô Quyên - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thu Quyên hướng dẫn học sinh cách sử dụng, học tập ở bảo tàng lịch sử 3D – Ảnh: Đ.HIẾU

Trong lớp học của cô Quyên, học sinh không chỉ được “đến” những gian phòng 3D trưng bày tranh ảnh lịch sử, mà còn có thể chia sẻ hiểu biết của mình về các giai đoạn lịch sử, tranh luận và bày tỏ quan điểm của cá nhân.

“Tôi không tuyệt đối hóa phương pháp dạy học nào cả, vì mỗi phương pháp đều có thế mạnh riêng. Quan trọng nhất là sự chủ động, trau dồi kiến thức của người thầy, và sự điều chỉnh phương pháp dạy để khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh

Cô NGUYỄN THU QUYÊN

Tạo hứng thú cho học sinh học sử

Tiết học lịch sử vừa qua, lớp 12 sử Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) học chủ đề ngoại khóa về lịch sử biển đảo Việt Nam do cô Quyên đứng lớp. 

Trên bục giảng, cô Quyên thoăn thoắt kết nối máy tính với máy chiếu. Chỉ sau ít phút, trên màn hình chiếu hiện lên một căn phòng ảo có không gian ba chiều như thật.

 

 

Cô Quyên khẽ rê chuột máy tính, tiến dần vào “căn phòng”, lướt qua một lượt các bức tranh treo tường: ở góc phải, đó là sự kiện Gạc Ma năm 1988; chính giữa là hình ảnh giàn khoan HD 981 ngang nhiên hoạt động trái phép trên thềm lục địa nước ta; bên trái là đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra… 

Có hàng chục bức ảnh thời sự, đánh dấu các mốc sự kiện khác nhau về biển đảo VN được cô Quyên sưu tầm, đưa vào “bảo tàng” của mình. Tuy nhiên, những hình ảnh này được cô đưa lên ngẫu nhiên, không theo thứ tự nào.

Ngay lập tức, học sinh Dương Trung Hải xung phong lên máy tính thao tác, sắp xếp lại các hình ảnh cho đúng tiến trình lịch sử. Tiếp đó, Hải đóng vai một hướng dẫn viên, đưa các bạn cùng lớp tham quan bảo tàng. 

Đến địa điểm nào, Hải điều khiển chuột chậm lại, phóng to vào bức hình, rồi cung cấp thông tin cho “du khách”. Những vị khách – gồm cả cô giáo – chốc chốc lại đặt những câu hỏi hóc búa để thử trình độ người thuyết minh. Nhưng có vẻ Hải đã chuẩn bị rất kỹ, trả lời trôi chảy, mạch lạc.

“Chúng em được học bảo tàng ảo từ năm 2015. Cách học mới này giúp chúng em có tư duy theo dòng sự kiện lịch sử một cách logic. 

Bên cạnh đó, bảo tàng lịch sử 3D còn giúp chúng em phát triển trí sáng tạo, tìm hiểu, đào sâu kiến thức trên lớp và tăng thêm sự hứng thú, đam mê với môn lịch sử. Được cô Quyên hướng dẫn, em cũng đã tự xây dựng cho mình bảo tàng lịch sử riêng” – Hải tự hào cho biết.

Theo giới thiệu của thầy hiệu trưởng Trịnh Ngọc Tùng, cô Quyên luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học ở trường. Trước đó, năm 2014, cô Quyên đã ứng dụng thành công cách dạy học môn lịch sử bằng phim tư liệu.

Ý tưởng này đã đoạt giải nhất cuộc thi sáng kiến dạy học cấp ngành ở tỉnh Hải Dương.

Số hóa bài học lịch sử

Nói về ý tưởng thiết kế bảo tàng 3D, cô Quyên cho biết ý tưởng này đã được cô nhen nhóm, ấp ủ từ năm 2011. “Lúc đó, lần đầu tiên tôi được xem một phần mềm 3D dạy tiếng Anh là Amazing Wiz English. 

Trong các bài giảng luôn có một nhân vật ảo, làm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh đi từ phần kiến thức này đến phần kiến thức khác. Tôi thấy cực kỳ thú vị và muốn ngay lập tức thực hiện một phần mềm tương tự, áp dụng cho môn lịch sử, nhân vật dẫn chuyện sẽ là Thánh Gióng” – cô Quyên nói.

Nghĩ là làm, cô Quyên liên hệ ngay một người bạn đang công tác tại Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, lên kế hoạch thực hiện. Tuy vậy, khi tính đến bài toán thời gian và kinh tế thì ý tưởng trên đổ bể, vì “để làm được phải tốn tiền tỉ, có khi kéo dài đến vài năm”.

Dù vậy, chính sự hào hứng với công nghệ mới đã thúc đẩy cô Quyên có những sáng kiến mới trong giảng dạy lịch sử. Sẵn máy chiếu, laptop, cô Quyên mày mò tìm những thước phim tư liệu lịch sử rồi học phần mềm dựng, chia nhỏ tư liệu thành những đoạn clip thời lượng vài phút, trình chiếu xen kẽ trong bài giảng của mình. 

Năm 2015, tình cờ cô giáo trẻ này được xem một chương trình giới thiệu về bảo tàng 3D đèn lồng cổ Việt Nam và di sản văn hoá Phật giáo. Nhớ lại sáng kiến còn dang dở, cô Quyên lên Google tìm ngay cách làm.

“Cuối cùng tôi cũng tìm được tiện ích miễn phí cho phép giáo viên tạo những album ảnh đẹp mắt dưới dạng một phòng tranh 3D. Kiểu dáng và thiết kế phòng rất phong phú, đa dạng. Được một người em thạo tin học chỉ dạy, sản phẩm của tôi ra đời sau gần 3 giờ.

Quan trọng nhất là phải tìm được nguồn tư liệu chuẩn và chính xác trên mạng, sau đó lựa cái nào phù hợp với mục đích bài học để ghép vào. Đến nay, sẵn có tư liệu ảnh, và làm quen tay, tôi dựng bảo tàng chỉ còn khoảng 15 phút” – cô Quyên hào hứng nói.

Đến nay, cô Quyên đã xây dựng được nhiều bảo tàng phục vụ cho những nội dung dạy khác nhau, như về các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Hướng về Biển Đông”.

Có thể nhân rộng ở nhiều cấp học

Thầy Trịnh Ngọc Tùng – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi – khẳng định: “Bảo tàng ảo 3D học lịch sử của cô Quyên có tính ứng dụng rất cao.

Không chỉ áp dụng được trong trường chuyên, mà còn có thể áp dụng trong các trường THPT, THCS, tiểu học trên phạm vi toàn quốc. Ngành giáo dục có thể nghiên cứu, nhân rộng mô hình này, giúp việc học lịch sử trở nên sống động, thú vị hơn”.

Bảo tàng lịch sử 3D của cô Quyên - Ảnh 4.

ĐỨC HIẾU