28/11/2024

Khách du lịch tăng, giá khách sạn giảm

Lượng du khách đến VN tăng hơn 26%, nhưng chủ các khách sạn ở TP.HCM cho biết không thể tăng giá phòng, thậm chí phải giảm giá và tăng thêm dịch vụ để hút khách.

 

Khách du lịch tăng, giá khách sạn giảm.

 

 Lượng du khách đến VN tăng hơn 26%, nhưng chủ các khách sạn ở TP.HCM cho biết không thể tăng giá phòng, thậm chí phải giảm giá và tăng thêm dịch vụ để hút khách.

Cũng theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, giá phòng khách sạn bình quân sáu tháng đầu năm nay chỉ hơn 1,914 triệu đồng/đêm, thấp hơn khoảng 11,3% so với năm 2014. Theo các doanh nghiệp, các khách sạn buộc phải giữ, thậm chí giảm giá phòng để cạnh tranh trong bối cảnh nguồn cung khách sạn dồi dào cùng nhiều mô hình cơ sở lưu trú mới ra đời.

Nở rộ dịch vụ căn hộ

Dù công suất phòng bình quân hiện vào khoảng 85%, cao hơn tỉ lệ 70% của cùng thời điểm này năm trước, nhưng giá phòng đều giảm. Thông tin từ một khách sạn 5 sao trên địa bàn cho biết giá phòng tại khách sạn này hiện chỉ ở mức 112 USD/phòng/đêm, giảm mạnh so với mức giá 130 USD/phòng/đêm cùng thời điểm này năm trước.

“Khách du lịch có nhiều kênh khác nhau để lựa chọn là lý do chính dẫn đến giá phòng mềm hơn. Ngoài số phòng khách sạn 2-3 sao tại VN khá dồi dào, mô hình dịch vụ căn hộ, nhà tư nhân có phòng cho thuê cũng đang nở rộ, tham gia thị trường lưu trú khiến các khách sạn 4-5 sao không thể tăng giá phòng, thậm chí phải giảm giá để cạnh tranh hút khách” – vị này nói.

Ông Tony Chisholm – tổng quản lý khách sạn Pullman Saigon Centre và các khách sạn thuộc Tập đoàn Accor khu vực phía Nam – cho rằng sự phát triển mạnh của hàng không giá rẻ đã tạo điều kiện cho người dân đi du lịch nhiều hơn, đặc biệt trong năm 2017. Tuy nhiên, những vị khách của nhóm này thường ưu tiên các phòng nghỉ giá mềm, ít chọn 4 hay 5 sao. Trong khi đó, khách đi theo đoàn thường nghỉ ở khách sạn 4 sao, còn thương nhân mới dùng dịch vụ khách sạn 5 sao. Do đó, các khách sạn đều rất thận trọng cân nhắc khi điều chỉnh giá phòng. “Cạnh tranh về giá hiện nay rất áp lực” – ông Chisholm nói.

Du lịch hưởng lợi

Nhiều công ty lữ hành cho biết khoảng 70% lượng du khách chọn khách sạn chất lượng 2-3 sao, do chênh lệch giá phòng giữa khách sạn 3 sao với 5 sao lên tới 60-70% và phần lớn du khách chỉ có nhu cầu du lịch thuần tuý. Trong khi đó, những năm gần đây phân khúc khách sạn này được xây mới khá nhiều, việc sốt giá phòng khó xảy ra.

Do chi phí khách sạn chiếm tỉ lệ cao trong giá thành tour, phổ biến ở mức 40-60%, nên các đơn vị lữ hành tìm mọi cách để giảm bớt nhằm có giá tour tốt cho khách hàng. “Với khách châu Âu đến TP.HCM, chúng tôi phải đặt phòng trước đó 6 – 12 tháng và khách châu Á từ 1-2 tháng để tìm được giá phòng tốt nhất, thậm chí chỉ bằng phân nửa so với giá bình quân thị trường thời điểm khách đến” – đại diện Công ty lữ hành TransViet cho biết.

Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cho biết thay vì chỉ có các công ty du lịch, nhiều nhà đầu tư tư nhân cũng đổ vốn vào xây khách sạn, chủ yếu khách sạn 3-4 sao. Những ông chủ khách sạn này có chính sách giá phòng rất linh hoạt nhằm thu hút khách, chưa kể dịch vụ homestay bùng nổ với giá khá mềm, giúp thị trường dịch vụ lưu trú cạnh tranh hơn.

“Nhiều khách sạn ở phân khúc này bán sỉ trước thời điểm lưu trú ít nhất 50-60% số phòng với giá thậm chí chỉ bằng 1/3 so với giá bán cho khách lẻ tại thời điểm lưu trú. Do đó, những khách sạn này được nhiều công ty lữ hành chọn lựa nhằm giảm giá tour, thu hút được nhiều khách hơn” – vị này cho biết.

* Ông TÀO VĂN NGHỆ (chủ tịch Hội Khách sạn TP.HCM):

Lo chất lượng dịch vụ

Ngoài những tác động tích cực đối với du lịch, xu hướng giảm giá phòng khách sạn trong bối cảnh lượng khách đến đang tăng trưởng tốt cũng có mặt tiêu cực. Giá phòng giảm, nhiều khả năng chất lượng dịch vụ lưu trú sẽ đi xuống.

Và khi chất lượng dịch vụ khách sạn không như kỳ vọng so với những khu vực khác, du khách sẽ không quảng bá cho mình, thậm chí có những đánh giá tiêu cực khiến chúng ta phải mất nhiều thời gian và công sức xây dựng hình ảnh trong mắt du khách.

NHƯ BÌNH – NGUYỄN TRÍ