Từ chuyện Khaisilk, hàng Việt cũng phải tự nhìn lại mình
Trong khi chờ các cơ quan chức năng đối phó với các gian lận thương mại, theo các chuyên gia, vụ Khaisilk cho thấy sản xuất Việt cũng phải tự nhìn lại mình.
Từ chuyện Khaisilk, hàng Việt cũng phải tự nhìn lại mình.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng đối phó với các gian lận thương mại, theo các chuyên gia, vụ Khaisilk cho thấy sản xuất Việt cũng phải tự nhìn lại mình.
Phó thủ tướng kêu gọi tố giác gian lận xuất xứ
Trước thông tin nhiều cơ quan báo chí đăng tải nhiều sản phẩm lụa tơ tằm của Tập đoàn Khaisilk có dấu hiệu là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, Văn phòng Chính phủ ngày 3-11 đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm.
Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15-12-2017.
Đặc biệt, ông Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí, hiệp hội ngành, nghề đẩy mạnh tuyên truyền sự nguy hại của hành vi gian lận xuất xứ, kinh doanh hàng giả… và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó bảo vệ uy tín quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ cho rằng việc nhiều người Việt vẫn chấp nhận mua một số loại hàng nhái cũng khiến doanh nghiệp hình thành “thông lệ” gian lận ở nhiều mặt hàng.
Ông Yoon Byung Soo (giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart VN):
Cần cải thiện chất lượng
Việt Nam có điểm mạnh là chi phí sản xuất rẻ. Có thể so với Trung Quốc thì Việt Nam chưa thể sản xuất quy mô lớn để có giá rẻ hơn, nhưng rõ ràng hàng Việt cần tạo được thương hiệu riêng. Nếu so sánh với sản phẩm đồng giá thì về mặt chất lượng, sản phẩm Việt Nam vẫn chưa đồng nhất cũng như thiết kế, mẫu mã đóng gói còn chưa tốt.
Đặc biệt, ở Viejt Nam thường sử dụng chủ yếu những màu như đỏ hoặc xanh, trong khi theo xu thế của thế giới thì bao bì thường không sử dụng nhiều màu sắc, mà chủ yếu sử dụng màu đen hoặc những màu không quá chói.
Hàn Quốc xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng vào hàng nội địa nhờ cam kết chất lượng của doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp Việt cần bắt đầu từ điều này.
Ông Trần Anh Tuấn (Tổng giám đốc The Pathfinder):
Đừng để rơi vào sai lầm
Tôi biết hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang nhập hàng từ Trung Quốc về bán. Nếu nhìn ở góc độ thương mại thuần túy trong thời buổi hội nhập, đó là điều bình thường. Chỉ khác thường là doanh nghiệp lại đánh tráo nguồn gốc xuất xứ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tôi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp thì thấy họ vẫn muốn nhập hàng về, gắn thương hiệu rồi bán. Có thể đọc câu chuyện rắc rối về thương hiệu lụa tơ tằm kia, họ sẽ giật mình mà điều chỉnh.
Khi đã “lớn”, doanh nghiệp phải đề cao minh bạch, quản trị thương hiệu, sản phẩm hiệu quả. Đây là cái ngưỡng hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa vượt qua được. Mục đích duy nhất là lợi nhuận dễ dẫn đến sai lầm.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách:
Chăm chút hơn cho sản phẩm
Vải lụa tơ tằm nguyên chất Việt Nam thật thường mộc mạc, hoa văn nho nhỏ đều đều. Trình độ của thợ Việt, lụa tơ tằm có hoa văn và nền vải thường cùng một màu. Nếu hai màu, đó cũng là do hai chất liệu sợi dệt ngang và dọc khác nhau.
Giải pháp nào? Đầu tiên, không chỉ trong phạm vi tơ lụa, là phải bỏ ngay tư duy “không ai biết gì”; “cứ làm đại, có ai biết đâu”. Muốn bỏ tư duy này, người thợ và cả nhà buôn Việt phải nhẫn nại và cầu thị. Kế đó là phải tăng chất lượng sản phẩm…
Rồi giữ nguyên chất lượng sợi dệt bằng cách giữ nguyên keo tằm thiên nhiên, như vậy sẽ chắc và bền hơn. Các thợ dệt Việt Nam ít khi muốn làm việc này vì ngại khó, mất thời giờ. Nhưng cũng là việc thủ công mà tại sao người ta làm được trong khi mình lại không?
Không loại trừ có bảo kê…
Trả lời câu hỏi liên quan vụ Khaisilk, cơ quan chức năng ở đâu mà gian lận thương mại ngày càng phức tạp, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có rất nhiều lực lượng tham gia như quốc phòng, công an, biên phòng, hải quan chứ không riêng gì Bộ Công thương…
Gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả… nước nào cũng đối mặt. Việt Nam chống buôn lậu cần chống từ cửa ngõ. Như câu chuyện Khaisilk nhập hàng từ Trung Quốc vào, liệu có nhập khẩu chính thức từ Trung Quốc hay đi qua đường tiểu ngạch?
Theo ông Hải, lực lượng hải quan, biên phòng, công an và đặc biệt là chính quyền các địa phương phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chứ cứ đưa hàng vào hết, quản lý thị trường đi kiểm tra, rõ ràng là như thả gà ra đuổi. Đồng thời sự phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng với nhau cần phải làm tốt hơn.
Ông Hải cho rằng vẫn có nơi làm chưa tốt và chắc chắn không loại trừ còn có việc bảo kê…