28/11/2024

Tôi làm ‘công chúa điện tử’

Năm 2012, gạt ước mơ trở thành luật sư, tôi chọn học Cao đẳng Điện tử điện lạnh Hà Nội. Người bạn thắc mắc: “Con gái sao lại chọn công việc của nam?”.

 

Tôi làm ‘công chúa điện tử’.

 

 Năm 2012, gạt ước mơ trở thành luật sư, tôi chọn học Cao đẳng Điện tử điện lạnh Hà Nội. Người bạn thắc mắc: “Con gái sao lại chọn công việc của nam?”.

 

Tôi làm công chúa điện tử - Ảnh 1.

Đặng Thị Hà (bìa trái) chụp ảnh cùng bạn bè trong ngày lễ tốt nghiệp trường nghề – Ảnh: NVCC

 Tôi nghĩ: “Là con gái thì không thể trở thành một người thợ điện giỏi được sao?”.

Khi đó, cả khoa kỹ thuật công nghệ điện tử truyền thông có hơn 300 bạn nam mà chỉ có 5 nữ. Thi thoảng, chúng tôi vẫn thường đùa với nhau: “Ở trường mình dương thịnh âm suy, con gái là của hiếm”. 

Đúng là hiếm thật, năm đó nhập học, lớp K39TT2 chỉ có hai nữ (là tôi và một bạn tên Hạnh) với hơn… 70 bạn nam. Bỗng nhiên, chúng tôi trở thành “hai nàng công chúa điện tử”, được cả lớp quan tâm đặc biệt.

Dù đã quả quyết chọn ngành học này, nhưng nhiều khi bài vở căng thẳng, tôi cũng không tránh khỏi sự hoang mang. Tôi lo lắng, không biết sau này khi tốt nghiệp, liệu tôi có thực sự hợp với ngành kỹ thuật? Với kiến thức mình học được, tôi sẽ làm gì? 

 

 

Lăn tăn, nhưng rồi tôi tự dặn lòng: “Nghề sẽ không phụ mình, nếu nỗ lực thực sự!”.

Năm 2015, tôi ra trường với tấm bằng giỏi. Tôi cũng làm ở một vài công ty, và đến tháng 5-2016, sau ba vòng thi, tôi trúng tuyển vào Công ty Samsung Display Việt Nam (Yên Phong, Bắc Ninh). Trở thành “cô kỹ thuật viên Samsung”, tôi được thử thách khi phụ trách 7 line sản xuất. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại và nghiêm túc.

Thú thật, học nghề, làm nghề, sống với nghề, rồi như một điều tự nhiên, tự lúc nào tôi đã nảy sinh tình cảm với nghề và có trách nhiệm với nghề thực sự. Cứ nghĩ cái màn hình tivi lắp ráp xong, nếu có lỗi kỹ thuật mà mình không tìm ra, đến tay người tiêu dùng thì sẽ như thế nào? Nếu mình làm việc qua loa, không đặt cái tâm vào công việc, tự mình sẽ thấy day dứt lắm.

Tình yêu nghề cứ thế lớn dần từng ngày và tôi đã tìm thấy những niềm vui riêng trong công việc của mình. Nhất là những khi máy móc bị lỗi, chưa ai tìm được nguyên nhân để có cách xử lý thì mình lại tìm ra, dù mình là con gái.

Nhớ có đợt, một cái lỗi mà cả tháng trời không ai tìm ra, đó là lỗi máy thiếu silicon. Ngay cả khi kỹ sư người Hàn Quốc xuống xưởng chỉnh các thông số cũng không tìm ra nguyên nhân vì đâu máy trục trặc. Chúng tôi giao ca cứ nhắc đến line đó, lỗi đó là lại đau đầu. 

Khi tôi ra line quan sát kỹ một lúc lâu, thấy silicon có hiện tượng nhão ra, bôi không đều, chỗ thiếu chỗ thừa. Thế là tôi thử tăng nhiệt lên, giảm áp suất xuống, sau đó kết hợp chỉnh sửa cả đẩy và xoay. Vậy là khắc phục được lỗi!

Đó là kỷ niệm trong công việc mà tôi nhớ nhất cho đến bây giờ – sau hơn một năm đầu quân vào công ty này. Nhờ đó, tháng 7 và 8-2017, hai lần tôi đạt thành tích cao, được sếp đánh giá tốt. Dù chỉ được khen suông thôi, nhưng đó cũng là niềm vui bình dị tôi góp nhặt được trong công việc.

Làm ngành nghề nào cũng phải học hỏi không ngừng. Nếu như năng lực của mình 100% mà mình nghĩ bằng 200% thì khó trưởng thành lắm. Mình chỉ nên nghĩ năng lực mình nằm trong khoảng 40-50% thôi, như thế thì mỗi người mới có ý thức tôi luyện, học hỏi, trải qua thất bại và trưởng thành.

Các bạn trẻ đừng tự huyễn hoặc mình bằng ảo tưởng bằng cấp nữa. Tôi thấy nhiều bạn trẻ khi đứng trước việc lựa chọn nghề cũng giống như con chim sợ cành cong, sợ thất nghiệp, sợ không hợp, sợ vất vả mà không dám đương đầu thử thách. Nghề nào cũng có cái hay riêng, không có nghề sang hay hèn, quan trọng là mình biết vượt lên chính mình để đón nhận.

Tôi nghĩ phái nữ không nên tự coi thấp mình, cứ nghĩ mình chỉ phù hợp với môi trường nhẹ nhàng, “pha trà rót nước”. Nếu trước đây tôi học luật, nay chưa chắc tôi đã trở thành luật sư, mà còn long đong tìm việc. Nhưng tôi đã chọn học nghề khá… trái khoáy, nay tôi thấy mình trưởng thành hơn nhờ nghề.

Cho đến bây giờ, tôi đã thấy mình đi đúng đường. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn ngành điện tử, bởi nghề này đã từng ngày rèn cho tôi sự kiên nhẫn, chú tâm vào công việc và biết trân trọng những gì mình đang có.

Con gái học kỹ thuật có khô khan?

Nhiều người nghĩ con gái học kỹ thuật sẽ cứng tính, khô khan, ít giao lưu. Nhưng không phải vậy. Công việc của chúng tôi cũng có những thú vị riêng, cảm thấy mỗi ngày trôi qua không bị nhàm chán, đôi lúc được thử thách sự dẻo dai và nhiệt huyết. Đừng nghĩ một kỹ thuật viên điện tử chỉ biết làm việc như cái máy, mà nghề luôn đòi hỏi chúng tôi sự sáng tạo, có trách nhiệm, trăn trở với nghề.

Tôi nghĩ nếu chỉ làm việc theo kiểu qua quýt cho xong, chúng ta sẽ rất dễ bỏ qua những cảm xúc có được từ công việc hằng ngày của mình, bất luận là công việc trí óc hay chân tay.

 

Kể chuyện đời qua cuộc thi Kể chuyện đời qua cuộc thi ‘Tôi chọn nghề’

TTO – Cuộc thi “Tôi chọn nghề” nhằm cổ vũ học nghề để lập thân, lập nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.