Chuyện Khaisilk, thiếu tử tế do bức bách hay vì lòng tham?
Sẽ khó tránh những vụ việc tương tự cửa hàng Khaisilk nếu cứ để tình trạng nhập nhằng nguồn gốc diễn ra ở hàng loạt mặt hàng. “Nỗi đau” này có quá nhiều lý do cần “bắt bệnh”.
Chuyện Khaisilk, thiếu tử tế do bức bách hay vì lòng tham?
Sẽ khó tránh những vụ việc tương tự cửa hàng Khaisilk nếu cứ để tình trạng nhập nhằng nguồn gốc diễn ra ở hàng loạt mặt hàng. “Nỗi đau” này có quá nhiều lý do cần “bắt bệnh”.
Vụ Khaisilk, nếu ông chủ thương hiệu này không tự thừa nhận trên báo chí, bao giờ cơ quan chức năng phát hiện? Còn nhiều câu hỏi lớn và các giải pháp cần được các cơ quan bảo vệ thị trường – với nhiều tầng, lớp khá dày đặc – giải đáp, thực hiện.
Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp về câu chuyện này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Hàng Việt đang bị bức bách đủ đường
Tiếp cận nhiều doanh nghiệp mới thấy câu chuyện “vô tư” thay mác hay lập lờ nguồn gốc xuất xứ không phải mới, nhiều người nói nếu họ không làm vậy thì không có cửa để sống.
Tuy vậy, tôi cũng biết có thương hiệu Việt sau một thời gian chống chọi, chấp nhận đóng cửa để giữ cung cách làm ăn minh bạch, chân chính dù chính người chủ thương hiệu đó đã vất vả xây dựng bao nhiêu năm.
Nói dối lan rộng
Ta có thể thấy ở mọi nơi, ở rất nhiều DN nói không đúng về sản phẩm. Nhưng nhiều hành vi như thế vẫn được cộng đồng doanh nhân, xã hội chịu đựng, nay nhiều nơi, nhiều mặt hàng đã thành… thông lệ.
Người tiêu dùng VN ít có khả năng bảo vệ mình trước kiểu cách kinh doanh theo thông lệ này.
Điều họ cần ngay là một hệ thống pháp luật bảo vệ theo chuẩn mực quốc tế. Cho đến khi đó, người tiêu dùng phải có ý thức tự bảo vệ, chỉ nên mua hàng của các doanh nghiệp có uy tín, đã có kiểm chứng.
Người tiêu dùng khi có cơ hội cần tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải từ bỏ thông lệ kinh doanh xấu để xây dựng đạo đức kinh doanh đàng hoàng, theo chuẩn mực quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Vân Nam
Các doanh nghiệp đều hiểu nền sản xuất Việt Nam hiện đang phụ thuộc vào nước ngoài như thế nào, đặc biệt là nguyên liệu.
Theo báo cáo mới đây của World Bank, hơn 97% các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhập đầu vào nguyên liệu từ Trung Quốc.
Môi trường kinh doanh cũng ảnh hưởng đến cung cách làm ăn của không ít doanh nhân Việt. Nhiều doanh nghiệp vẫn than phí bôi trơn còn nhiều, có doanh nghiệp nói phí bôi trơn như một thông lệ không thể thiếu.
Đối phó với quá nhiều chi phí khiến doanh nghiệp mất đi tinh thần làm ăn tử tế. Bảo vệ thương hiệu Việt cần bắt đầu từ một môi trường làm ăn minh bạch, thuận lợi.
Không dễ tránh khỏi cám dỗ
Tổng giám đốc một thương hiệu thời trang (xin giấu tên) chia sẻ rằng với dân trong nghề, “ai cũng biết Khaisilk cơ bản không còn bán lụa Việt Nam từ rất lâu”, và ông Hoàng Khải cũng đã thừa nhận điều đó.
Ngành dệt may lâu nay thiếu trầm trọng về nguồn nguyên liệu vải, phải nhập khẩu hơn 80%. Để làm ra sản phẩm phải xây nhà máy, qua rất nhiều khâu, nhiều chi phí.
Trong khi chỉ cần gọi một cú điện thoại qua Trung Quốc, tất cả mọi khó khăn, vất vả đều sẽ được giải quyết nhanh chóng. Giá thành đặt ở Trung Quốc luôn khiến lòng tham của bạn phải “rung rinh”.
“Tôi cũng đã từng đứng trước thử thách này, cũng đã muốn đặt hết thảy mọi thứ, gắn thương hiệu của mình vào là xong. Nhưng chúng tôi chọn giải pháp mua vải của ai, nhập từ đâu… đều ghi rõ. Tôi nghĩ đừng là “gian thương”, mà hãy là doanh nghiệp minh bạch để đi thẳng lưng trong xu hướng hội nhập toàn cầu”.
Siết quy định về nguồn gốc
Để được gắn mác “made in…” ở quốc gia nào, người sản xuất phải áp dụng đúng theo quy định về hàm lượng xuất xứ nguyên vật liệu. Với sản phẩm da giày xuất khẩu, để được gắn mác “made in Vietnam”, để xuất qua thị trường Mỹ, các DN sản xuất phải đáp ứng tối thiểu tỉ lệ 40% nguyên liệu sử dụng là được mua tại VN.
Một số DN đi mua hàng gần như đã hoàn chỉnh từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn ít nhất 30% so với phải mua từng loại nguyên liệu rồi sản xuất thành phẩm. Đây không thể là sản phẩm VN. Cần có quy định để tránh đánh tráo khái niệm về nguồn gốc xuất xứ. Có vậy mới tạo được cạnh tranh bình đẳng, điều mà DN rất cần trong bối cảnh mọi thứ đều quá khó khăn như hiện nay.
Ông DIỆP THÀNH KIỆT (Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam – Lefaso)
Phải tìm “bệnh” để chữa
Người kinh doanh có nhiều vai trò để chọn: hoặc đóng vai người mua đi bán lại, hoặc là nhà sản xuất. Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi đi vào thực tế, có nhiều phát sinh, phiền phức. Nếu mình chọn mua của người ta, sẽ dễ dàng hơn, lợi nhuận nhiều hơn nhưng lúc đó mình đã không còn là nhà sản xuất nữa.
Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp trong quá trình phát triển luôn tự nhủ mình phải bảo vệ mình trước, đừng quá trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, chỉ mong được lắng nghe trên hành trình ấy.
Một cơ thể mệt mỏi, đau buốt thì cần xác định bệnh nào là nguyên nhân để xử lý, chữa trị trước.
Doanh nghiệp tư nhân đang có nhiều vấn đề phức tạp khác nhau, lắng nghe đúng cách để hiểu cái gì cần ưu tiên xử lý trước sẽ kích thích được tinh thần doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu Việt.
Ông Bùi Phong Lưu (Giám đốc Công ty Bùi Văn Ngọ)