Dân có lòng tin, tăng trưởng mới bền
Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội ngày 2.11, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm thu, lạm chi; lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và xử lý dứt điểm khiếu kiện để củng cố, xây đắp lòng tin của người dân…
Dân có lòng tin, tăng trưởng mới bền.
Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội ngày 2.11, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm thu, lạm chi; lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và xử lý dứt điểm khiếu kiện để củng cố, xây đắp lòng tin của người dân…
Bền vững nếu có thêm chỉ số lòng tin của dân
Đánh giá cao các chỉ tiêu của Chính phủ đạt được, tuy nhiên đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng thành quả ấy nếu có thêm chỉ số lòng tin của người dân chắc chắn sẽ bền vững. Dẫn chứng vụ việc tại xã Đồng Tâm (H.Mỹ Đức, Hà Nội), ông Quốc đánh giá đây là một cuộc khủng hoảng về lòng tin chứ không thuần túy một vụ án hình sự. Sự việc đã được Hà Nội, Thủ tướng chỉ đạo sát sao song đến nay đã 2 tháng rưỡi, kiến nghị của người dân Đồng Tâm về kết luận của Thanh tra Hà Nội vẫn chưa một cơ quan nào trả lời.
Từng chứng kiến cảnh người dân bỏ tiền nuôi dưỡng các cảnh sát bị giữ, thổi cơm, nấu ăn… ông Quốc đặt vấn đề: “Tôi tán thành việc thượng tôn pháp luật, phải xử lý đến cùng. Chúng ta đã khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân bất hợp pháp hoàn toàn vẫn đứng ngoài pháp luật, điều đó gây bức xúc cho người dân”.
Gần đây, khi các cơ quan thực thi pháp luật lại kêu gọi những người liên quan việc bắt giữ đó ra đầu thú, ông Quốc cho rằng việc dùng chữ này là chưa ổn và đặt vấn đề “có nên coi là những người dân phải đầu thú không và tại sao không xuống với dân, nghe dân, thu thập thông tin để có hướng xử lý?”.
Chia sẻ quan điểm cần phải vì dân hành động, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị phải phát huy dân chủ, triển khai thực sự và mạnh mẽ những quy định của chương 2 Hiến pháp năm 2013, tạo ra những chính sách, luật pháp phát huy tối đa sáng kiến trí tuệ tâm huyết của công dân trong các tổ chức dân sự thiện nguyện. Ban hành luật Lập hội, luật Biểu tình để bảo đảm quyền nhân dân và quản lý nhà nước bằng luật.
6 tháng tuổi phải đóng phí xây dựng nghĩa trang
Liên quan đời sống của người dân, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phản ánh tình trạng thuế phí đang là gánh nặng với dân và doanh nghiệp. “Không đến bệnh viện thì chết, đến bệnh viện cũng chết, làm dân khổ lắm các bác ơi!”, câu nói của người nhà nạn nhân chạy thận nhân tạo Hoà Bình làm day dứt không chỉ riêng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình”, ĐB Sinh dẫn chứng và cho rằng, tình trạng lạm thu trong trường học dưới cái tên hội phụ huynh đang làm con đường đến với cái chữ của nhiều học sinh thêm nhọc nhằn, làm vẩn đục nền giáo dục.
“Nhiều cháu bé sinh ra trên 6 tháng tuổi đã phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang. Học sinh, sinh viên bỗng mang lý lịch không chấp hành chính sách pháp luật bởi lý do chưa đóng các khoản từ trên trời rơi xuống. Xe đón dâu bị chặn đường truy thu tiền xây dựng nông thôn mới. Thế mới thấy cái nạn thuế, phí không loại trừ một ai”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh trăn trở.
Tăng trưởng không phụ thuộc vào Samsung
Phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước đã khép lại vào sáng 2.11, sau 2 ngày rưỡi làm việc. Phát biểu giải trình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận ý kiến của các ĐB và cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP Quốc hội giao là 6,7% trong năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt huy động mọi nguồn lực. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh của VN… được các tổ chức quốc tế đánh giá tốt hơn. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của VN năm 2018 tăng 14 bậc, lên 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Theo Phó thủ tướng, một số lĩnh vực trước đây đóng góp lớn vào tăng trưởng như khai khoáng, dầu thô… giờ đã giảm. Ông Dũng cũng khẳng định, kết quả tăng trưởng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao không phải phụ thuộc vào một số ngành như Samsung, mà đồng đều các lĩnh vực.
|
Anh Vũ