28/11/2024

Đại gia xin thôi quốc tịch và số phận dự án tỉ USD

Thông tin ‘đại gia’ bất động sản Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) từng xin thôi quốc tịch VN khiến dư luận và nhiều nhà đầu tư băn khoăn về tính pháp lý, quyền cũng như nghĩa vụ tại các dự án của những người sau khi rút quốc tịch VN.

 

Đại gia xin thôi quốc tịch và số phận dự án tỉ USD.

Thông tin ‘đại gia’ bất động sản Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) từng xin thôi quốc tịch VN khiến dư luận và nhiều nhà đầu tư băn khoăn về tính pháp lý, quyền cũng như nghĩa vụ tại các dự án của những người sau khi rút quốc tịch VN.





Dự án Thuận Kiều Plaza thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát /// Ảnh: Đ.Sơn

Dự án Thuận Kiều Plaza thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh PhátẢNH: Đ.SƠN

Sở hữu hàng loạt bất động sản tỉ USD
Trước đó, vào giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng các thành viên trong gia đình bao gồm Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch VN. Sau đó bà Lan và các thành viên trên đã rút hồ sơ và được trả lại vào tháng 6.2015.
Thông tin này lập tức gây chấn động thị trường bất động sản (BĐS), bởi bà Lan từng được biết đến như một đại gia rất bí ẩn, sở hữu 1/3 diện tích khu đất vàng trên mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà và gia đình làm chủ còn một loạt siêu dự án khác.
Theo giới thiệu trên website của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, kể từ khi ra đời vào năm 1992 do bà Trương Mỹ Lan thành lập với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, công ty hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Sau đó, công ty mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh BĐS với hàng loạt siêu dự án. Năm 2007, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tham gia thành lập công ty con là CTCP đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông, đồng thời hợp tác với CTCP đầu tư Times Square VN và Tập đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm công ty chuyên liên kết đầu tư BĐS.
Vạn Thịnh Phát và các DN liên quan hiện sở hữu nhiều BĐS có vị trí đắc địa tại TP.HCM. Vạn Thịnh Phát đang sở hữu nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước, như Union Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton… Ngoài ra còn có các BĐS khác như cao ốc căn hộ Sherwood Residence, khách sạn thương mại An Đông, Thuận Kiều Plaza…
Không riêng bà Lan, theo thống kê của Bộ Tư pháp, đã có hàng nghìn người xin thôi quốc tịch VN. Trong đó, ngoài các cô dâu lấy chồng ngoại, còn có một số doanh nhân. Các doanh nhân này muốn giữ cả hai quốc tịch, tuy nhiên hiện luật pháp của VN vẫn chưa cho phép.
Giảm tỷ lệ sở hữu nhà

Trong tình huống một chủ đầu tư dự án BĐS người VN xin thôi quốc tịch, theo luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội), sẽ có nhiều thay đổi về thủ tục, quyền và nghĩa vụ trong từng dự án BĐS mà chủ đầu tư này sở hữu.
“Nếu xin rút quốc tịch, chủ đầu tư sẽ là nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay có hai hoạt động kinh doanh mà họ không được phép thực hiện trong khi các nhà đầu tư trong nước vẫn có thể tiến hành. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài không được phân lô bán nền, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng đó. Thứ hai, đối với nhà, công trình xây dựng, nhà đầu tư nước ngoài không được mua để bán, cho thuê, cho thuê mua mà chỉ có thể thuê những BĐS này để cho thuê lại”, ông Hưng cho biết.
Song song với việc phải thay đổi pháp nhân trong từng dự án, luật sư Hưng cũng đặt vấn đề nhà đầu tư là người quốc tịch VN thì khi xin cấp phép đầu tư có thể sẽ nhận được sự ưu tiên hơn. Bên cạnh đó, khi thôi quốc tịch thì tất cả quyền, nghĩa vụ của từng dự án phải được hoàn thành. “Nếu còn nợ tiền của người mua, dự án còn dang dở mà anh không còn là công dân của VN nữa thì câu chuyện thanh toán, thực hiện nghĩa vụ sẽ phức tạp hơn rất nhiều”, ông Hưng nói.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng trường hợp khi thôi quốc tịch VN, các tài sản là nhà ở của nhà đầu tư sẽ thay đổi sở hữu. Cụ thể, theo quy định của luật Nhà ở năm 2014, một nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% căn hộ tại một tòa chung cư. “Hiện nay có một tình trạng rất khó kiểm soát, đó là nhiều nhà đầu tư nước ngoài mượn các nhà đầu tư trong nước đứng tên làm các dự án, có dự án lên tới hàng trăm triệu USD. Nên câu chuyện ở đây là phải kiểm soát và công cụ kiểm soát dự án này như thế nào”, GS Mại lo ngại.
Trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, bổ sung thêm có một điểm khác biệt lớn là nhà đầu tư nước ngoài bây giờ không được nhận quyền chuyển nhượng trực tiếp của hộ gia đình, cá nhân thông qua hình thức thuê, góp vốn nhà đầu tư trong nước được. “Nếu cá nhân nhà đầu tư cũng như gia đình thôi quốc tịch VN thì phải thay đổi pháp nhân, thay đổi tỷ lệ sở hữu nếu vượt quá 30%. Ngoài ra, phải thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm tại các dự án đang đầu tư như các DN trong nước”, GS Võ cho biết.

 

Tiêu Phong