Nhà khoa học lúng túng ‘khởi nghiệp’
Có ý tưởng, giải pháp, thậm chí mang tính đột phá cao, nhưng dự án của các nhà khoa học không được nhà đầu tư “để mắt” tới. Vì sao?
Nhà khoa học lúng túng ‘khởi nghiệp’.
Có ý tưởng, giải pháp, thậm chí mang tính đột phá cao, nhưng dự án của các nhà khoa học không được nhà đầu tư “để mắt” tới. Vì sao?
Bước chân ra khỏi “tháp ngà”, nhiều nhóm nghiên cứu ở các trường ĐH tại TP.HCM đang làm quen với hệ sinh thái khởi nghiệp. Xen lẫn sự hào hứng là bước đầu bỡ ngỡ của nhà khoa học trước các yếu tố tài chính, quản lý, thị trường.
Mới đây, Không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB) đã tổ chức hai ngày trình diễn (demo day) dành riêng cho giảng viên, nhà khoa học với chủ đề “Thương mại hoá sản phẩm từ các dự án nghiên cứu”.
Đã có 25 sản phẩm tiếp cận nhà đầu tư, nhưng chưa sản phẩm nào đủ sức thuyết phục họ. Vì sao?
Tính đột phá cao hơn startup
Giới thiệu mặt nạ định vị trong xạ trị ung thư – dụng cụ bảo vệ bệnh nhân trong quá trình điều trị, PGS.TS Huỳnh Đại Phú – trưởng khoa công nghệ vật liệu ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – cho biết: “Đề tài do nhóm tự bỏ tiền nghiên cứu trong hai năm. Trước nay, các bệnh viện phải nhập mặt nạ từ nhiều nguồn vì trong nước chưa sản xuất được.
Khi mới bắt đầu nghiên cứu, giá sản phẩm nhập gần 2 triệu đồng (tức 100 USD), trong khi mặt nạ do nhóm sản xuất chỉ 150.000 đồng. Gần đây, nguyên liệu hóa dầu đã giảm, giá thành sản phẩm càng rẻ, nhu cầu thị trường vẫn còn lớn”.
Mang đến loạt sản phẩm “100% thành phần từ thiên nhiên”, ThS Nguyễn Lê Đại Phúc – giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – chia sẻ: “Nhóm nghiên cứu tập trung vào vật liệu nhựa thân thiện môi trường, vật liệu xử lý môi trường (như dung dịch làm sạch không khí, diệt khuẩn), sản phẩm chăm sóc sức khoẻ (khoáng sét nano làm mặt nạ dưỡng da, chống tia UV, bệnh đường tiêu hoá…)”.
Khác với startup vẫn còn loay hoay về mức độ hoàn thiện sản phẩm, các nhà khoa học mang đến trọn bộ giải pháp chất lượng cao về mặt kỹ thuật. Ông Huỳnh Kim Tước – giám đốc SIHUB – nhìn nhận: “Ở góc độ khoa học, phần lớn dự án rất hay, mang ý nghĩa giải quyết vấn đề thực tiễn, tính đột phá cao hơn nhiều so với mặt bằng startup hiện nay.
Cụ thể, khoảng 20% dự án tương tự startup, 50% là những giải pháp khoa học khá tốt, 30% còn lại thật sự có tính đột phá. Nhưng tính đột phá càng cao thì càng xa rời thị trường, thậm chí nhu cầu đó chưa xuất hiện trên thị trường”.
Nhà đầu tư phải có tầm nhìn
“Chưa biết gọi vốn bao nhiêu, các bước tiếp theo phải làm gì. Chúng tôi đang tìm nhà đầu tư để có kinh phí thử nghiệm lâm sàng, có nguồn ra, tìm đơn vị hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý cho sản phẩm” – PGS Phú cho biết sau khi nhà đầu tư yêu cầu nhóm báo cáo giá thị trường, đối thủ cạnh tranh, quy mô, đối tượng khách hàng.
Nhìn lại những dự án demo của các trường ĐH Nông lâm, Bách khoa và Khoa học tự nhiên, ông Tước nói thẳng: “Thông tin do các dự án thể hiện vừa qua chưa đủ để nhà đầu tư quyết định. Để hỗ trợ nhà khoa học, chúng tôi sẽ sớm mở khóa huấn luyện miễn phí về kỹ năng, kiến thức định lượng thị trường, mô hình kinh doanh…
Các nhóm sẽ hoàn thiện sản phẩm, bổ sung thông tin để demo lần nữa. Tôi tin tưởng khi đó có ít nhất 20% dự án sẽ gọi được vốn, thu hút đầu tư, chắc chắn cao hơn startup”.
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân – một trong nhiều nhà đầu tư tại demo day – chia sẻ: “Cách tốt nhất là nghiên cứu theo đơn đặt hàng của xã hội và doanh nghiệp. Bởi nhà đầu tư chỉ quan tâm công trình nghiên cứu đó có thể đưa vào sử dụng ngay cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cấp sản phẩm, dịch vụ hiện có, hoặc tung sản phẩm mới.
Ngoài ra, các nhóm nên xác định: nghiên cứu để đơn vị khác ứng dụng hay tự nhóm sẽ thương mại hoá sản phẩm? Mỗi cách làm cần đội ngũ nhân lực khác nhau, cách tư vấn khác nhau”.
“Để thấy tương lai, nhà đầu tư phải có tầm nhìn – ông Tước nhận định – Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có thói quen cạnh tranh dựa trên sức đổi mới sáng tạo, chỉ muốn có sẵn để làm ngay, nhập khẩu công nghệ cho nhanh, như vậy thì cạnh tranh gì nữa!”.
Là startup xuất thân từ môi trường nghiên cứu, tiến sĩ Trần Việt Hùng – người sáng lập và phát triển nền tảng GotIt! tại Thung lũng Silicon (Mỹ), với số vốn hiện tại khoảng 13 triệu USD – cho biết: “Tôi có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư ở Mỹ, Việt Nam và châu Á.
Ở Mỹ, các nhà đầu tư muốn tìm ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng, có phần điên rồ, để đầu tư dài hạn. Chỉ có vậy họ mới cùng startup hình thành những công ty mới tạo ra nhiều giá trị như Google, Facebook.
Thời gian đầu họ chấp nhận tập trung vào sản phẩm, công nghệ có tốc độ tăng trưởng tốt, thay vì phải kiếm tiền ngay. Trong khi đó, các nhà đầu tư châu Á không quan tâm sản phẩm có ý tưởng điên rồ hay không, có tạo ra công ty lớn hay không, cứ tạo ra lợi nhuận là tốt nhất.
Theo tôi, startup trong nước không nhất thiết ra nước ngoài. Thế giới đã phẳng, có nhiều cách để tìm nhà đầu tư ở quốc gia khác”.