Gộp suất ăn vào vé tàu, có đi vào ‘vết xe đổ’?
Ngành đường sắt dự kiến đưa suất ăn lên các chuyến tàu Bắc – Nam và chi phí suất ăn này được đưa thẳng vào giá vé.
Gộp suất ăn vào vé tàu, có đi vào ‘vết xe đổ’?
Ngành đường sắt dự kiến đưa suất ăn lên các chuyến tàu Bắc – Nam và chi phí suất ăn này được đưa thẳng vào giá vé.
Mười năm trước, phương án đưa suất ăn vào giá vé từng được ngành đường sắt thực hiện nhưng phải dừng vì không hiệu quả. Giờ đây, các đơn vị thuộc ngành đường sắt lại có ý định theo phương án cũ, khiến nhiều người lo ngại đi vào “vết xe đổ”.
35.000 đồng/phần
Theo kế hoạch, kể từ 1-1-2018, hai Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội sẽ phối hợp với Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) thí điểm đưa suất ăn theo tiêu chuẩn hàng không lên tàu, thay cho việc nấu trên tàu như hiện nay.
Cụ thể, Sasco cung cấp suất ăn nấu sẵn đến các ga với giá đề xuất ban đầu: suất ăn chính 35.000 đồng/phần, suất ăn phụ 25.000 đồng/phần. Chi phí suất ăn sẽ được gộp vào giá vé tàu. Các suất ăn được lên tàu tại 3 đầu mối: Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội.
Thoạt đầu, theo chỉ đạo từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hai công ty này sẽ thí điểm tuyến Sài Gòn – Nha Trang, nếu thành công thì áp dụng rộng ra nhiều đoàn tàu khác. Nhưng sau khi tính toán lại thấy tuyến tàu này có quãng đường ngắn, khách ít ăn cơm nên phải chuyển sang tuyến Sài Gòn – Hà Nội trên các đôi tàu SE3/4 và SE5/6.
Nhằm đưa suất ăn hàng không lên tàu, hai công ty vận tải đường sắt đang chuẩn bị cải tạo, điều chỉnh 6 toa xe để phục vụ bán suất ăn.
Một lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết tới nay chưa thể công bố thông tin cụ thể về việc những người mua vé tàu dịp Tết Mậu Tuất (sau ngày 1-1-2018) có bao gồm chi phí suất ăn, hay phải trả thêm tiền ăn.
Vị này chỉ nói vé tết đã bán, hành khách mua mức nào sẽ giữ nguyên như vậy chứ không tăng giảm gì nữa.
Từng “phá sản”
Phương án gộp chi phí suất ăn vào giá vé từng được ngành đường sắt thực hiện trên tàu từ năm 2007 trở về trước. Thời điểm đó, ngành đường sắt cũng rầm rộ cải tạo toa xe, nhập tủ cấp đông, rã đông, tủ nấu cơm, tủ mát về lắp cho các toa tàu.
Các suất ăn được chế biến dưới mặt đất rồi đóng hộp chuyển lên tàu. Đến bữa ăn, tiếp viên hâm nóng thức ăn rồi mang ra cho hành khách.
Đến tháng 10-2007, việc gộp chi phí suất ăn vào giá vé bị “khai tử”. Hệ thống bảo quản suất ăn nấu sẵn dần dần bị tháo bỏ. Giá vé tàu cũng được tiết giảm, hành khách tự mua khẩu phần ăn theo nhu cầu.
Lãnh đạo đường sắt thời điểm đó cho biết việc tách suất ăn ra khỏi giá vé góp phần giảm chi phí bù lỗ nhiều tỉ đồng.
Theo một cán bộ lâu năm trong ngành đường sắt, quyết định tách suất ăn ra khỏi giá vé xuất phát từ kết quả thăm dò ý kiến khách đi tàu.
“Khách có ý kiến không muốn bị nhà tàu áp đặt chuyện ăn uống. Việc tách suất ăn ra khỏi vé tiện lợi hơn, khách có thể ăn uống tự túc bất kỳ lúc nào, không phụ thuộc vào giờ giấc nhà tàu quy định. Đó là chưa nói đến chuyện hành khách chủ động chọn món ăn” – vị này nói.
Tính toán của cán bộ nói trên cho thấy khi Sasco giao suất ăn đến ga với giá 25.000 đồng (suất ăn phụ) – 35.000 đồng/suất (suất ăn chính), các công ty vận tải đường sắt có thể phải bù thêm ít nhất 7.000 đồng/suất do phát sinh, khấu hao cho các khoản: nhân viên, hoán cải toa xe, đầu tư thiết bị.
Tính gộp tất cả chuyến đi, nếu khách đi tàu tuyến Sài Gòn – Hà Nội chỉ cần ăn 2 bữa phụ, 3 bữa chính, chi phí suất ăn (bao gồm bù thêm) lên tới 190.000 đồng. So với giá vé tàu loại ghế giường nằm điều hoà ở mức 1.240.000 đồng, vé ngồi cứng ở mức 560.000 đồng, chiếm tỉ lệ lần lượt 16 – 34%.
Để tránh bù lỗ, không loại trừ các đơn vị vận tải đường sắt phải điều chỉnh giá vé cho phù hợp. Nhưng bài toán đặt ra là liệu khách có chấp nhận được mức giá vé tăng thêm?
Buộc phải chấp hành
Ngày 18-10, văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo kết luận cuộc họp của ông Vũ Anh Minh – chủ tịch hội đồng thành viên: “Giao người đại diện phần vốn phối hợp với hội đồng quản trị tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sasco khẩn trương hoàn tất thủ tục, cải tạo nội thất toa xe, lắp đặt thiết bị để triển khai phục vụ suất ăn trên tàu kể từ 1-1-2018”.
Thực hiện chỉ đạo này, các đơn vị liên quan lập tức khẩn trương triển khai kế hoạch thí điểm. Trong đó có mua sắm thiết bị, huấn luyện nhân viên, xây dựng phương án xử lý khi tàu chậm giờ…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Duy Hoạch – phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – xác nhận: “Tổng công ty có chủ trương cho phép hai công ty vận tải thí điểm suất ăn hàng không. Còn việc xây dựng phương án để thực hiện do các công ty triển khai. Đến nay, tổng công ty chưa nhận được báo cáo từ các công ty vận tải” – ông Hoạch nói.
Vì sao một phương án từng “phá sản” nay tiếp tục làm lại? Ông Hoạch giải thích: “Giờ làm lại đòi hỏi tiêu chuẩn phải cao hơn, nhiều tiện ích hơn để khách đi tàu lựa chọn và được ăn uống trọn gói. Các đơn vị vận tải đường sắt sẽ tiếp thu ý kiến, rút kinh nghiệm và áp dụng sao cho phù hợp”.
Theo ông Hoạch, phương án đưa giá suất ăn vào giá vé trước kia không thành công do nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng suất ăn không đảm bảo theo yêu cầu của hành khách. Ngoài ra, suất ăn tính vào vé làm giá vé tàu tăng, khó cạnh tranh với phương tiện vận tải khác.
Nói về việc tốn chi phí cải tạo toa xe làm tăng giá vé, ông Hoạch cho rằng đương nhiên các công ty vận tải phải tính toán để giá vé nằm ở mức mà hành khách “chịu đựng” được.
Hành khách lợi gì?
Một chuyên gia am hiểu đường sắt đặt vấn đề: hành khách sẽ được lợi gì trong việc gộp suất ăn vào giá vé? Liệu có được thưởng thức các món ăn tiêu chuẩn cao như lãnh đạo ngành đường sắt nói, hay phải chịu thiệt thòi khi không có nhu cầu ăn cũng phải mua vé tàu giá cao?
Theo chuyên gia này, phương án đưa suất cơm vào giá vé từng thất bại, nay lại đòi hỏi các công ty đường sắt phải triển khai thực hiện, có gì mới để tránh “vết xe đổ” trước đây?