Đấu thầu BOT: chặn ‘tay không bắt giặc’
Nguyên tắc là đấu thầu cạnh tranh, nhà đầu tư nào có yêu cầu mức vốn góp của Nhà nước vào dự án ít thì sẽ trúng thầu.
Đấu thầu BOT: chặn ‘tay không bắt giặc’.
Nguyên tắc là đấu thầu cạnh tranh, nhà đầu tư nào có yêu cầu mức vốn góp của Nhà nước vào dự án ít thì sẽ trúng thầu.
Ông Nguyễn Danh Huy – vụ trưởng, trưởng ban quản lý các dự án đối tác công-tư (PPP) của Bộ Giao thông vận tải – trao đổi với Tuổi Trẻ về chủ trương đầu tư các dự án BOT giao thông trong thời gian tới.
* Thưa ông, gần đây Bộ GTVT đưa ra chủ trương chỉ làm BOT đối với đường mới, không cải tạo, nâng cấp các đường hiện hữu bằng BOT. Đây là chủ trương của Bộ GTVT hay Chính phủ?
– Tại hội nghị tổng kết 5 năm kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, nhiều ý kiến cho rằng việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường cũ bằng BOT làm người dân không có sự lựa chọn và đề nghị từ nay ưu tiên đầu tư theo hình thức BOT đối với các tuyến mới.
Còn đối với các tuyến đường cũ phải rất cân nhắc khi đầu tư bằng BOT, chứ không nói là không đầu tư bằng BOT và vấn đề này đã được Bộ GTVT đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.
Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết chỉ rõ: đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu…
Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân. Không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Hạn chế tối đa chỉ định thầu.
Quy định và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát.
(Nghị quyết số 437 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21-10)
* Vậy phương thức đầu tư có khác gì so với các dự án BOT trước đây? Bao giờ thực hiện?
Đầu tư đường mới thì không hạn chế quyền lựa chọn của người dân, có thể thu phí kín theo kilômet lăn bánh sẽ đảm bảo công bằng hơn cho người sử dụng. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ GTVT tất cả dự án đều đấu thầu. Đây là hai chính sách rất lớn.
Đầu tư đường cũ, nhà dân ở dọc hai bên đường không thể kiểm soát được hết xe vào ra nên phải thu phí lượt, không công bằng tuyệt đối được. Việc đầu tư BOT đường mới thực hiện ngay trong dự án đường cao tốc Bắc – Nam mà bộ đã nghiên cứu từ năm 2016 và chuẩn bị trình Quốc hội.
Ông Nguyễn Danh Huy – Ảnh: TUẤN PHÙNG
* Dự án muốn hấp dẫn để đấu thầu thì phải tăng phần vốn góp của Nhà nước. Dự tính đưa ra những giải pháp gì để chọn nhà thầu có năng lực thực sự qua đấu thầu?
Về nguyên tắc là đấu thầu cạnh tranh, nhà đầu tư nào có yêu cầu mức vốn góp của Nhà nước vào dự án ít thì sẽ trúng thầu.
Nhà đầu tư phải tính toán tất cả rủi ro của họ và ai yêu cầu vốn góp của Nhà nước ít nhất sẽ trúng. Nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính.
Có ý kiến cho rằng cần tăng tỉ lệ hỗ trợ bằng tiền của Nhà nước trong dự án BOT lên 40-50% để hấp dẫn nhà đầu tư, giảm được mức phí, thời gian thu phí thay vì nhà đầu tư bỏ vốn chủ sở hữu và vay ngân hàng nhiều.
Điều này hoàn toàn đúng. Nhà nước thêm tiền hỗ trợ thì mức phí hay thời gian hoàn vốn sẽ giảm.
Nhưng vấn đề là chúng ta đặt trong bối cảnh các quốc gia phải kêu gọi đầu tư PPP là các quốc gia mà nguồn lực đầu tư công không đáp ứng đủ so với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng.
Khi không đáp ứng đủ, người ta mới cần kêu gọi tư nhân đầu tư. Nếu Nhà nước đã có vốn 60-70% cho dự án thì cố thêm 30-40% nữa để đầu tư công thì hiệu quả hơn.
* Vừa qua, có những nhà đầu tư bị cho là không có thương hiệu, tham gia dự án với phần vốn góp ít, kiểu “tay không bắt giặc” rồi chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác như hình thức mua bán dự án kiếm chênh lệch. Liệu đấu thầu dự án BOT có ngăn chặn được?
Luật đầu tư quy định nhà đầu tư được chuyển nhượng dự án, thông lệ cả thế giới cũng như thế. Nhưng việc chuyển nhượng không nhiều. Toàn bộ quốc lộ 1 có 31 dự án BOT, đến nay có 6 nhà đầu tư chuyển nhượng.
Con số này không phải là nhiều, dù việc chuyển nhượng được pháp luật cho phép và tùy vào kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư.
Quan trọng là chúng ta ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “tay không bắt giặc”. Anh phải làm BOT bằng thực sự nguồn vốn của anh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng
* Nếu chỉ ưu tiên làm BOT với đường mới thì sẽ cần nhiều vốn đầu tư hơn BOT cải tạo đường cũ, trong khi huy động vốn BOT không dễ. Bộ GTVT đánh giá thế nào về khả năng huy động vốn BOT dự án mới?
Khi xây dựng phương án tài chính của dự án BOT có thể hiện Nhà nước phải góp bao nhiêu tiền, nhà đầu tư huy động bao nhiêu tiền thì dự án mới khả thi. Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Chính phủ cơ chế thí điểm để kêu gọi nguồn vốn từ tổ chức tín dụng nước ngoài.
Nhưng các tổ chức tín dụng nước ngoài bao giờ cũng yêu cầu bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm nghĩa vụ của Chính phủ. Trong bối cảnh đất nước và quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép chúng ta nhất trí với các yêu cầu đó dù hoàn toàn chính đáng.
* Có tình trạng chính quyền địa phương cam kết với nhà đầu tư về phương án tài chính, vị trí đặt trạm thu phí. Sau khi dự án hoàn thành lại phủ nhận những cam kết đó. Cần có chính sách nào để nhà đầu tư yên tâm?
Nhà đầu tư luôn lo ngại sự thay đổi chính sách, cho nên cần đưa ra cam kết rõ ràng bằng luật, quy định trách nhiệm từng chủ thể liên quan tới dự án. Khi đã cam kết, các bên phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Đồng thời truyền thông rõ ràng, khách quan, đúng bản chất của dự án để các bên, người dân đều hiểu.