Mỹ lo Triều Tiên tấn công xung điện từ
Giới chuyên gia hối thúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có biện pháp ứng phó nguy cơ tấn công xung điện từ huỷ diệt từ CHDCND Triều Tiên.
Mỹ lo Triều Tiên tấn công xung điện từ.
Giới chuyên gia hối thúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có biện pháp ứng phó nguy cơ tấn công xung điện từ huỷ diệt từ CHDCND Triều Tiên.
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu leo thang và Bình Nhưỡng khẳng định không từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ đang hết sức lo ngại về khả năng trở thành mục tiêu của một vụ tấn công xung điện từ (EMP).
Hồi tháng 9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch và lần đầu tiên đe dọa dùng vũ khí này để tạo EMP tấn công Mỹ trên phạm vi lớn. Song song đó, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim In-ryong mới đây cáo buộc Washington cố ý ngăn chặn “chương trình nghiên cứu không gian vì hòa bình” của nước này. Theo giới phân tích, cáo buộc trên càng làm dấy lên nghi vấn Bình Nhưỡng đang phát triển bom H có khả năng vượt các tầng khí quyển để tấn công EMP.
Theo tờ The Wall Street Journal, trong trường hợp tấn công EMP, Triều Tiên có thể kích nổ vũ khí nhiệt hạch ở độ cao hàng trăm ki lô mét để tạo ra sóng điện từ với độ bao phủ toàn nước Mỹ, đủ để vô hiệu hoá hệ thống tác chiến và viễn thông điện tử, đánh sập lưới điện và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Các chuyên gia cảnh báo cuộc tấn công có thể diễn ra chớp nhoáng và gây thiệt hại “như trong phim viễn tưởng”.
Tờ Daily Mail dẫn lời cựu Giám đốc CIA James Woolsey nói: “Khi đó, chúng ta sẽ sống trong thế giới không thể gọi thức ăn, không có hệ thống lọc nước, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, thuốc men và hệ thống giao thông tê liệt”.
Giới phân tích ước tính nếu vị trí kích nổ ở độ cao 400 km, phạm vi thiệt hại sẽ là toàn bộ lãnh thổ Mỹ cùng nhiều khu vực ở Mexico và Canada. Trong tình huống xấu nhất, Mỹ sẽ mất điện suốt nhiều tháng, dẫn tới tình trạng tử vong hàng loạt do bệnh viện không thể hoạt động, dịch vụ cấp cứu bị ảnh hưởng trong khi hàng triệu người thiếu thốn lương thực, nước uống. Trong cảnh báo mới nhất về nguy cơ từ EMP, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich nhắc lại về cuộc thử nghiệm mang tên Starfish Prime của Mỹ vào năm 1962 với quả bom nhiệt hạch được kích nổ ở độ cao 400 km trên Thái Bình Dương và sóng xung điện từ khiến nhiều bóng đèn trên đảo Honolulu đứt mạch dù cách khu vực thử bom đến 1.600 km.
TIN LIÊN QUAN
Triều Tiên đột phá năng lực hạt nhân
Cuộc thử nghiệm ngày 3.9 có thể mang lại cho CHDCND Triều Tiên bước tiến chưa từng có trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Điều trớ trêu là Uỷ ban EMP thuộc quốc hội Mỹ lại vừa giải tán hôm 30.9 do dự án bị ngừng cấp kinh phí. Ra đời năm 2000, uỷ ban này gồm các nhà khoa học và chuyên gia an ninh hàng đầu chuyên nghiên cứu, theo dõi cũng như đánh giá nguy cơ xung điện từ gây ra bởi bão mặt trời hoặc vũ khí hạt nhân. Trong buổi điều trần vừa qua tại Hạ viện, cựu Chủ tịch Uỷ ban EMP William Graham cảnh báo: “Chúng ta ngày càng lệ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử và máy tính. Khả năng Mỹ bị tấn công EMP ngày càng hiển hiện và chúng ta vẫn chưa có kế hoạch đối phó đáng tin cậy”. Tương tự, theo ông Gingrich, chính quyền Mỹ luôn xem xét nguy cơ tấn công xung điện từ một cách nghiêm túc nhưng lại rất chậm trong việc bổ nhiệm nhân sự vào các bộ phận trọng yếu trong vấn đề này.
|
Khánh An