29/11/2024

Thời của những ‘soái ca’ và mỹ nhân làm lãnh đạo?

Jacinda Ardern, tân thủ tướng 37 tuổi của New Zealand, là trường hợp mới nhất cho thấy những người trẻ trên thế giới đang vượt khỏi rào cản tuổi tác để vươn lên làm lãnh đạo quốc gia.

 

Thời của những ‘soái ca’ và mỹ nhân làm lãnh đạo?

 

Jacinda Ardern, tân thủ tướng 37 tuổi của New Zealand, là trường hợp mới nhất cho thấy những người trẻ trên thế giới đang vượt khỏi rào cản tuổi tác để vươn lên làm lãnh đạo quốc gia.


Thời của những soái ca và mỹ nhân làm lãnh đạo? - Ảnh 1.

Bà Jacinda Ardern, tân thủ tướng New Zealand, trước cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới – Ảnh: AFP

Sự ra đi của cựu thủ tướng John Key từ cuối năm 2016 đã khiến chính trường New Zealand xáo trộn. Loạn thế xuất anh hùng, bà Ardern ngày 19-10 đã trở thành vị thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử quốc gia châu Đại Dương này.

Trẻ, giỏi và… đẹp

Thông tin về việc Ardern lãnh đạo New Zealand xuất hiện chỉ một ngày sau khi Sebastian Kurz, một người đàn ông 31 tuổi, đắc cử để trở thành lãnh đạo trẻ nhất không chỉ tại Áo mà là cả thế giới, theo NBC.

Bản thân ông Kurz – người từng là ngoại trưởng trẻ nhất nước Áo năm 2013 – cũng nhanh chóng được so sánh với Emmanuel Macron. 

 

Hồi tháng 6, ông Macron chiến thắng cuộc bầu cử Pháp và nắm quyền ở tuổi 39. Cả Kurz lẫn Macron đều nhanh chóng trở thành hiện tượng truyền thông và mạng xã hội vì họ tạo dựng một hình tượng khá giống nhau: những lãnh đạo vừa trẻ, vừa tài giỏi và vừa… rất đẹp trai. 

Và khi nói tới các yếu tố trên, không thể không đề cập đến Justin Trudeau, vị thủ tướng “soái ca” của Canada.

Nhưng đó là nhận xét của “người hâm mộ”. Về yếu tố chính trị, Kurz, Marcon hay Ardern đại diện cho một cuộc “lật đổ” ngoạn mục của những làn gió trẻ trung, tươi mát của giới trẻ đối với các thế lực chính trị gia già cỗi, giàu kinh nghiệm.

Các lãnh đạo trẻ nắm quyền bằng nhiều cách khác nhau, nhưng điểm chung là họ đã được ghi nhận. Macron lãnh đạo một đảng mới để chiến thắng. Kurz dẫn đầu một trong những đảng lâu đời và thiên tả nhất tại Áo. 

Trong khi tại Qatar, Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani năm nay 37 tuổi đã nắm quyền từ năm 2013, kế vị cha mình.

Xu hướng

Chỉ trong một năm qua, châu Âu dẫn đầu xu hướng người trẻ lên nắm quyền.

Trước Sebastian Kurz, ông Leo Varadkar là lãnh đạo trẻ nhất châu Âu (38 tuổi) trên cương vị thủ tướng Ireland, Jüri Ratas là thủ tướng Estonia ở tuổi 38.

 

Trong khi đó, khắp các nước như Bỉ, Hi Lạp, Malta và Luxembourg trong bốn năm gần đây cũng xuất hiện các lãnh đạo đều dưới 45 tuổi.

Sức bật thời đại

Thành – bại của những người trẻ sẽ là câu trả lời của thời gian. Nhưng làn sóng lãnh đạo trẻ là không thể chối cãi, vì thời thế đã tạo ra họ và chờ đợi họ tạo ra thời thế.

Đây chính là nguồn năng lượng cho sự trỗi dậy của người trẻ khắp châu Âu, theo Susi Dennison, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế.

Người trẻ cầm quyền là khát vọng của châu Âu nói riêng trong bối cảnh lục địa này hứng chịu những thách thức mới. 

Đó là sự thay đổi trong tâm lý xã hội và làn sóng nhập cư, thất nghiệp lan rộng. Và điều quan trọng hơn, tất cả đang diễn biến quá nhanh trong thời đại Internet và mạng xã hội, mà có vẻ chỉ những người trẻ mới hiểu người trẻ và đủ khả năng linh hoạt để ứng phó – hay ít nhất là biết cách trấn an những cử tri về phương án của mình.

Mạng xã hội là một yếu tố. Dễ thấy rằng vừa qua, nhân vật truyền hình Ksenia Sobchak đã thừa nhận tận dụng mức độ nổi tiếng của mình để tranh cử tổng thống Nga. Ksenia là một mỹ nhân được so sánh với Paris Hilton của Mỹ, và hiện tài khoản Instagram của cô có tới 5,2 triệu lượt theo dõi.

Ngay khi Macron hay Kurz đắc cử, mạng xã hội lập tức tràn ngập hình ảnh “soái ca trẻ tuổi đẹp trai” khi nhắc tới họ. 

Mạng xã hội giúp người ta dễ dàng nói lên tiếng nói của mình, khiến họ dễ nổi tiếng, và đó là lý do giới trẻ dễ dàng tháo bỏ rào cản tuổi tác – kinh nghiệm khi đương đầu với các thế lực chính trị gia truyền thống.

“Sự trỗi dậy của mạng xã hội đã thay đổi động lực chính trị. Chính trị đã trở nên tốc độ hơn, khó đoán hơn rất nhiều. 

Người trẻ đang giỏi hơn ở khoản ứng phó với động lực mới so với những chính trị gia kiểu mẫu” – Stefan Lehne, học giả tại Trung tâm tư vấn Carnegie Europe, nhận định.

“Paris Hilton của Nga” tranh cử tổng thống

19102017-ksenia-reuters 4(read-only)

Bà Ksenia Sobchak – Ảnh: Reuters

Dư luận Nga và quốc tế đang hướng về Ksenia Anatolyevna Sobchak, người đã tuyên bố tranh cử tổng thống Nga năm 2018 hôm 18-10.

Ksenia sinh năm 1981, là một nhà báo, nhà hoạt động xã hội và là một diễn viên. Cô đã nổi danh tại Nga lâu nay nhờ làm người dẫn chương trình truyền hình thực tế Dom-2 trên kênh TNT.

Và đặc biệt, người phụ nữ xinh đẹp này được ví như Paris Hilton – nữ triệu phú và là nhân vật đình đám trên truyền thông cũng như làng giải trí Mỹ.

Các khảo sát hiện nay cho thấy nếu Tổng thống Vladimir Putin quyết định tranh cử vào tháng 3 năm sau, ông vẫn nhận sự ủng hộ lớn để tiếp nối nhiệm kỳ thứ ba của mình.

Nhưng Ksenia, bất chấp khả năng đắc cử không cao, vẫn tự tin rằng mức độ nổi tiếng của bản thân sẽ giúp cô cung cấp một lựa chọn cho những người không ủng hộ ông Putin, theo Reuters.

Ksenia thực chất không xa lạ với giới quan sát chính trường Nga. Năm 2012, cô từng tham gia một phong trào chống đối ở quảng trường Bolotnaya tại trung tâm Matxcơva.

Người phụ nữ này cũng chính là con gái của ông Anatoly Sobchak, một chính trị gia nổi tiếng tại Nga đã qua đời vào năm 2000.

Trong bức thư tuyên bố tranh cử gửi báo Vedomosti, Ksenia giải thích rằng muốn lãnh đạo nước Nga để cải cách giáo dục và hệ thống pháp lý, cũng như tạo thêm cơ hội cho phụ nữ.

NHẬT ĐĂNG