Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức hồi đầu năm nay với chính sách tập trung vào đối nội, đã có nhiều quan ngại về cam kết của Mỹ với các đồng minh ở châu Á. Trong bối cảnh đó, chuyến công du đầu tiên của ông đến châu Á đang đặc biệt thu hút sự chú ý của các nước trong khu vực và thế giới cũng như nhiều dự báo của giới phân tích.
Thông cáo Nhà Trắng vừa đưa ra hé lộ một phần quan điểm của Washington đối với châu Á trong chuyến công du của Tổng thống Trump từ ngày 3 – 14.11. “Chuyến đi của tổng thống sẽ nhấn mạnh cam kết của ông đối với các đồng minh và đối tác lâu đời của Mỹ, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc phát huy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thông cáo viết.
Cơ hội phát triển quan hệ
Sự thành công hay thất bại của chuyến thăm sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực
TS Stein Tønnesson, Đại học Uppsala, Thuỵ Điển
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, TS Stein Tønnesson, chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Đại học Uppsala (Thuỵ Điển), nhận định đây là chuyến đi mang ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Tổng thống Trump mà còn với cả khu vực Đông Á và thế giới. “Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về hoà bình và an ninh trong khu vực. Sự thành công hay thất bại của chuyến thăm sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực”, ông nhận định và cho rằng Tổng thống Trump sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì thời gian qua ông luôn nhận được sự tôn trọng nhiều hơn từ các lãnh đạo ở châu Á. Ông Tønnesson cho rằng các cố vấn kinh tế và an ninh luôn hối thúc Tổng thống Trump duy trì các chính sách truyền thống trong mối quan hệ với các nước châu Á – Thái Bình Dương. Theo ông, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ muốn “ghi điểm” trong chính sách ngoại giao và khả năng đàm phán để đạt được thỏa thuận, nên đây là điều mà các nhà lãnh đạo châu Á có thể vận dụng nếu muốn đạt thoả thuận riêng từ tổng thống Mỹ.
TS Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cũng cho rằng bất chấp một số lo ngại xuất phát từ các phát biểu trong giai đoạn tranh cử, Tổng thống Trump vẫn duy trì sự quan tâm lớn đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thể hiện qua việc ông nhận lời tham dự Hội nghị APEC ngay từ đầu năm, sớm hơn nhiều so với thông lệ. “Chuyến thăm của ông tới Hà Nội cũng là một cơ hội quan trọng giúp hai nước Việt Nam – Mỹ tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, góp phần thúc đẩy lợi ích quốc gia của hai nước và đóng góp vào sự ổn định, cân bằng chiến lược của khu vực”, theo TS Hiệp.
Tổng thống Mỹ Donald TrumpẢNH: AFP
Cam kết đối với khu vực
Tổng thống Trump muốn cho thấy Thái Bình Dương là vùng biển quốc tế, không phải của riêng một bên nào
Tướng Daniel Schaeffer
Bên cạnh việc mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế và thương mại, giới quan sát nhận định chuyến thăm của Tổng thống Trump còn thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với khu vực. TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích đây là chuyến công du nước ngoài dài ngày lần thứ hai kể từ khi ông Trump nhậm chức. Theo TS Trung, Tổng thống Trump muốn tái cam kết vai trò lãnh đạo của Mỹ với các đồng minh thân cận ở khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc xử lý vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, đồng thời muốn Trung Quốc cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc kiềm chế Triều Tiên thử tên lửa tầm xa, vũ khí hạt nhân cũng như quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tướng Daniel Schaeffer, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là nhà nghiên cứu về Biển Đông có uy tín, cho rằng bên cạnh vấn đề Triều Tiên, ông Trump cũng sẽ tập trung vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, hành vi bành trướng của một số thế lực trong khu vực và khẳng định cam kết đối với các quốc gia Đông Nam Á. “Tổng thống Trump muốn cho thấy Thái Bình Dương là vùng biển quốc tế, không phải của riêng một bên nào”, ông nhận định.