28/11/2024

Đưa dược liệu vào trường học

Để giúp học trò vùng cao biết tận dụng kho thuốc quý trên đỉnh Ngọc Linh, các trường phổ thông ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đưa bộ môn dạy về dược liệu lồng ghép trong chương trình học.

 

Đưa dược liệu vào trường học.

 

Để giúp học trò vùng cao biết tận dụng kho thuốc quý trên đỉnh Ngọc Linh, các trường phổ thông ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đưa bộ môn dạy về dược liệu lồng ghép trong chương trình học.

 

Qua nhiều năm áp dụng, sự đón nhận của học sinh khá tích cực. Nhiều em đã tìm lên rừng hái dược liệu về trồng trong vườn nhà. 

Không ít em phấn khích khi lần đầu tiên đi rừng đã nhận ra dưới chân mình là những củ sâm Ngọc Linh vô giá mà ông bà tổ tiên đã gieo trồng…

Những tiết học đặc biệt

Tối 2-10, tranh thủ phiên chợ sâm đang được tổ chức ở trung tâm huyện, thầy Võ Đăng Chín – hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Don – đã cùng 10 thầy cô khác chạy xe máy, chở theo 20 học sinh giỏi của trường đi 15km về chợ sâm. Chứng kiến tận mắt loài sản vật quý hiếm này, các em học sinh sôi nổi bàn tán…

Thầy Chín không giấu nổi niềm vui: “Lâu nay mình dạy cho các em vậy chứ cũng chưa từng thấy hình hài củ sâm như thế nào. Các em cũng vậy, sống trên kho sâm Ngọc Linh nhưng hầu như chưa em nào được thấy loại sâm này, vì quá hiếm hoi, người dân thường trồng ở nơi hiểm trở, núi cao”.

Tiết học đặc biệt mà thầy Chín cùng 10 giáo viên tổ chức tối ấy chỉ là một trong nhiều hoạt động của chương trình dạy dược liệu, được các trường phổ thông ở huyện Nam Trà My triển khai từ nhiều năm nay.

Thầy Trần Văn Thắng – giáo viên môn sinh Trường PTDT bán trú THCS Trà Don – cho hay vào những giờ học dược liệu, học sinh sẽ được học lý thuyết cơ bản về đặc tính, công dụng, hình dạng các loài dược liệu trong môi trường tự nhiên. 

Sau đó sẽ là những giờ ngoại khoá, các thầy cô sẽ dẫn các em ra vườn thực nghiệm trồng các loài thuốc nam, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thuốc. 

Những giờ học thực hành này đối với học sinh luôn là khoảng thời gian thú vị, khi các em khám phá ra nhiều điều bổ ích từ các loại cây cỏ xung quanh mình.

Học sinh phải biết về dược liệu

Người gợi ý đưa bộ môn dược liệu vào trường học là chủ tịch huyện Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu. Khi đi dự khai giảng ở Trường PTDT bán trú THCS Trà Don, ông Bửu nhận thấy bao quanh ngôi trường này là rừng nguyên sinh và các bản làng Xê Đăng, nên đã mở lời về việc học sinh cần có kiến thức để sử dụng kho dược liệu thiên nhiên sẵn có của địa phương. 

Thời điểm đó huyện Nam Trà My cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu cây sâm Ngọc Linh, nên rất chú trọng đối tượng tiềm năng trong việc gìn giữ và phát triển loại dược liệu quý này – đó là giới học sinh.

Sau khi được gợi mở, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Don được yêu cầu chấp bút đề án, với sự hỗ trợ của nhiều phòng ban chuyên môn, đặc biệt là những người am hiểu vùng sâm Ngọc Linh, Phòng GD-ĐT huyện sẽ chủ trì. 

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các loài dược liệu quý có sẵn ở vùng Ngọc Linh đã được đưa vào cuốn tài liệu nội bộ khoảng 30 trang. Sách được đưa xuống 33 ngôi trường trong huyện, và ngay lập tức được thầy cô đưa vào giờ ngoại khóa, các tiết học dạy kỹ năng mềm…

Ông Võ Đăng Thuận, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, cho hay bộ môn dạy dược liệu đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ cả giáo viên lẫn học sinh. 

Đối với học sinh THCS, THPT, các em đã thành thạo cách trồng nhiều loại dược liệu đúng theo phương pháp khoa học và hướng dẫn gia đình trồng bán để phát triển kinh tế gia đình. 

Huyện cũng hỗ trợ kinh phí cho các trường mua cây giống về, xây dựng khu vườn dược liệu ngay tại trường.

Khơi gợi cho học sinh niềm tự hào về dược liệu quý

Ông Hồ Quang Bửu – chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết hiện nay toàn huyện có hơn 1.500ha sâm, 3.000ha quế và hơn 50ha dược liệu khác.

“Mục đích của huyện khi đưa ra chương trình học về dược liệu tại các nhà trường là mong muốn học sinh phải biết được vùng đất nơi các em sinh ra là trung tâm dược liệu quốc gia. Các em sẽ là đối tượng chính tác động vào gia đình, cha mẹ, cộng đồng để người dân hiểu rõ điều này, từ đó tận dụng nó để làm bàn đạp thoát nghèo.

Lâu dài hơn, khi các em lớn lên cũng sẽ là những chủ nhân của buôn làng, là lực lượng kế cận sở hữu những kho thuốc vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người Xê Đăng” – ông Bửu nói.

Ngoài việc dạy học sinh nhận biết dược liệu, hiện nay một số thầy cô cũng được khuyến khích trồng dược liệu như sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác để phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập. Những trường hợp này sẽ được huyện Nam Trà My hỗ trợ kỹ thuật, giúp kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm…

BÁ DŨNG – LÊ TRUNG