27/12/2024

Nên cân nhắc khi chọn học chất lượng cao

Đó là lưu ý của chuyên gia về chương trình đào tạo chất lượng cao tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 diễn ra ở Trường ĐH Tiền Giang ngày 17-3.

 

Nên cân nhắc khi chọn học chất lượng cao

Đó là lưu ý của chuyên gia về chương trình đào tạo chất lượng cao tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 diễn ra ở Trường ĐH Tiền Giang ngày 17-3.


 

Nên cân nhắc khi chọn học chất lượng cao - Ảnh 1.

Sau khi chương trình tư vấn kết thúc, nhiều thí sinh vẫn nán lại nêu thắc mắc về chương trình đào tạo chất lượng cao với TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT Tiền Giang và Trường ĐH Tiền Giang phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Chất lượng cao hơn đại trà?

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, kinh tế… một phụ huynh thắc mắc: “Mức học phí giữa chương trình đại trà và chất lượng cao chênh lệch nhau hơn 10 triệu đồng. Hai chương trình khác nhau như thế nào về điều kiện học tập, giảng viên, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường? Sinh viên nghèo đã theo học chương trình đại trà nếu chuyển sang học chương trình chất lượng cao có được hỗ trợ học phí không?”.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết: “Chương trình đào tạo chất lượng cao có sĩ số 30 sinh viên/lớp, phòng học gắn máy lạnh, điều kiện thực hành, thực tập tốt hơn, 20% học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ… 

 

Sinh viên chất lượng cao được học tiếng Anh nhiều hơn cũng là lợi thế khi tìm việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, cơ hội việc làm tốt hay không tùy thuộc vào chính năng lực bản thân người học. Nếu bạn nào tốt nghiệp loại khá giỏi, kỹ năng tốt dù tốt nghiệp chất lượng cao hay đại trà cũng sẽ kiếm việc dễ hơn” – thầy Hùng nhấn mạnh.

Thầy Hùng còn thông tin: hiện nay các trường đại học đều có nhiều nguồn học bổng dành cho sinh viên tất cả chương trình đào tạo, đạt học lực từ khá trở lên.

Nên cân nhắc kỹ

Trong khi đó, tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, Nguyễn Thị Thúy Quyên (học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang) thắc mắc với TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): “Ngành báo chí chương trình chất lượng cao có khác gì so với chương trình đại trà?”. 

TS Hạ trả lời: “Chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thu học phí 33 triệu đồng/năm học; sự tương tác giữa sinh viên với giảng viên tốt hơn, sinh viên được thực nghiệm nhiều hơn. 

Chuẩn đầu ra của chương trình này cao hơn chương trình đại trà. Cụ thể như ngành báo chí chương trình đại trà chuẩn đầu ra IELTS 4.5, còn chương trình chất lượng cao yêu cầu IELTS 5.5 trở lên”.

Cũng theo thầy Hạ: “Trong quá trình học sinh viên chất lượng cao vì lý do nào đó không thể tiếp tục theo học chương trình này có thể xin chuyển qua chương trình đại trà. Ngược lại, trong hai năm đầu, các sinh viên chương trình đại trà cũng có thể chuyển qua học chất lượng cao” – thầy Hạ nói.

Tuy nhiên, TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM – lưu ý: “Ở một số trường có điểm chuẩn chương trình chất lượng cao thấp hơn chương trình đại trà. Do vậy, trong quá trình học chất lượng cao sinh viên không được chuyển qua chương trình đại trà. 

Các thí sinh cần cân nhắc thật kỹ, nhất là năng lực tài chính của gia đình mình và cả năng lực học tập khi chọn học chương trình chất lượng cao, tránh “gãy gánh” giữa đường” – cô Mai khuyên.

 

 

TRẦN HUỲNH