Thâm nhập “xưởng” làm giả khoai tây Trung Quốc thành Đà Lạt
Giá khoai tây Đà Lạt đang cao nhất trong năm do thời tiết khiến năng suất thấp. Đây cũng là thời điểm nhiều tiểu thương tại Đà Lạt tiếp tục “mặc áo” đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt để cùng lừa người tiêu dùng.
Thâm nhập “xưởng” làm giả khoai tây Trung Quốc thành Đà Lạt.
Giá khoai tây Đà Lạt đang cao nhất trong năm do thời tiết khiến năng suất thấp. Đây cũng là thời điểm nhiều tiểu thương tại Đà Lạt tiếp tục “mặc áo” đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt để cùng lừa người tiêu dùng.
Tại TP.HCM hay nhiều tỉnh thành khác và ngay tại Đà Lạt, nhiều người tiêu dùng rất dễ mua nhầm khoai tây Trung Quốc giả khoai tây Đà Lạt.
Tráo nguồn đổi gốc
Bà Võ Minh Nga (quận Tân Phú, TP.HCM) bức xúc: “Tôi thấy củ khoai tây có vẻ như mới thu hoạch, dính đất đỏ nên mua vì tin đó là khoai tây Đà Lạt. Đến khi cắt ra, nhìn ruột khoai có màu trắng trong mới biết đã mua nhầm”.
Đi ngược đường cung ứng khoai tây Đà Lạt, “địa chỉ” hàng đầu trong việc biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt là chợ nông sản Đà Lạt (phường 11, Đà Lạt).
Chợ có ba dãy, trong đó hai dãy là của tiểu thương kinh doanh khoai tây. Trước chợ là bãi đậu xe tải.
Thường có mặt ở đây là khoảng ba chiếc xe container cỡ lớn. Hỏi một tài xế tên Hoàng, anh cho biết lúc nào cũng có xe khoai tây Trung Quốc đợi ở đây, chủ vựa cần là có hàng đáp ứng.
Trên xe, khoai tây Trung Quốc được chứa trong bao sọc đỏ, có lớp đất đen nhão đặc trưng. Tại một kiôt giữa chợ, quy trình xoá nguồn gốc khoai tây Trung Quốc đã được cơ giới hóa.
Đầu tiên, người ta chà rửa lớp đất đen kỹ lưỡng. Tại đây, tiểu thương đã mua cả máy rửa khoai tây. Tại chợ Đà Lạt, tiếng ồn của loại máy này nhiều thời điểm liên tục phát ra từ sáng sớm đến trưa.
Công suất của máy khá lớn, chỉ khoảng 5 phút, cả trăm ký khoai tây đã được rửa sạch, hai thanh niên liên tục phải đổ vào bưng ra.
Sau khi rửa, củ khoai Trung Quốc sạch dần, lộ lớp vỏ có màu vàng đậm, khác với khoai tây Đà Lạt có vỏ màu đỏ hoặc vàng nhẹ và nhỏ. Ngay lập tức, khoai Trung Quốc được phủ đất đỏ và đợi khô, bỏ vào bao nilông sạch, không sử dụng lại bao chở khoai từ Trung Quốc. Cẩn thận hơn, trước khi thắt miệng bao, chủ vựa đổ thêm ít đất đỏ vào trong.
Tại vựa khoai tây Trang, một trong những vựa lớn ở chợ nông sản Đà Lạt, chủ vựa thoăn thoắt bốc từng vốc đất đỏ mịn rải đều lên đống khoai tây đã rửa.
Bà không giấu giếm rằng phải chà như vậy khoai tây Trung Quốc mới… ăn đất thật chắc, đủ để chuyển đi xa không bị bong ra. Nguyên tắc: đất phải thật khô, mịn; còn khoai tây phải ướt.
Việc chuẩn bị đất và cả phủ lên khoai tây Trung Quốc để giả khoai tây Đà Lạt được tiểu thương ở chợ thực hiện không cần che giấu. Vựa nào cũng có sẵn đất đỏ mịn đựng trong bao. Đất đỏ còn ẩm thì được đổ ra giữa đường để xe chạy qua giúp nghiền nhỏ.
Bà Vân, một chủ vựa, thừa nhận nhập khoai tây Trung Quốc hằng ngày trong thời gian Đà Lạt khan hàng vì trái vụ. Bà bảo các chợ lẻ ép phải có hàng nên phải nhập khoai tây Trung Quốc về “sơ chế”.
Không làm thì người khác cũng làm, bà Vân chia sẻ: “Dân buôn với nhau đều ngầm hiểu giá rẻ thế phải là hàng Trung Quốc. Nhưng tới chợ, tùy người bán nói thế nào cho dễ bán thì nói. Có đất đỏ hồng thế thì ai cũng bảo khoai tây Đà Lạt. Nhiều người lấy tờ giấy cứng ghi “khoai tây Đà Lạt” để trên đống khoai”.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, thành viên ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, cho biết cả chợ có 80 tiểu thương buôn bán, trong đó 50 tiểu thương chuyên bán khoai tây.
“Đang mùa không có khoai tây Đà Lạt, tiểu thương chợ cơ bản làm hàng Trung Quốc”, ông Kỳ nói.
Theo ghi nhận từ nhiều chủ vựa khoai tây ở chợ Đà Lạt, họ đều có hóa đơn nhập hàng, ghi rõ khoai tây Trung Quốc.
Sau khi làm thủ thuật với đất đỏ và đóng bao nilông cho giống khoai tây Đà Lạt, khoai được chuyển đi với phiếu xuất hàng vẫn ghi là khoai tây Trung Quốc.
“Vấn đề không phải là chứng từ, mà nhận diện bị thay đổi. Nếu không phải người có chuyên môn thì khó lòng nhận ra”, ông Nguyễn Thế Hiền, tổ trưởng tổ quản lý chợ nông sản Đà Lạt, nhận xét.
“Làm giả” quy mô lớn
Theo ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, hơn 200 tấn khoai tây Trung Quốc đã nhập về chợ trong hai tháng gần đây, từ năm 2014 đến nay thì hàng ngàn tấn đã được nhập về.
Theo ông Kỳ, đó là số lượng rất nhỏ so với thực tế, vì đa số tiểu thương có kho bên ngoài với sức chứa hàng trăm tấn và các xe chở khoai Trung Quốc có thể chở thẳng tới những kho này.
Chỉ tay ra một số xe container đang đậu ở bãi, ông Kỳ bảo đó là những xe không xuống hàng, chỉ đậu tạm rồi chở hàng về các kho khác ở Đà Lạt, hoặc chở thẳng đi TP.HCM.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, công nhận ngoài đường chính ngạch, một lượng lớn khoai tây Trung Quốc đã vào Đà Lạt theo đường tiểu ngạch và bán chung với khoai tây xuất xứ địa phương.
Ước tính lượng khoai tây Trung Quốc vào Đà Lạt theo đường tiểu ngạch tương đương 1/3 sản lượng khoai tây của địa phương, hơn 7.000 tấn/năm.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, nói: “Tôi bức xúc về chuyện này, nhiều năm cũng chưa giải quyết được”.
Theo ông Hưng, cách làm “đội lốt” đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc thực chất là làm hàng giả, nhưng không có quy định nào để xử bởi tiểu thương nói đó là khoai tây Trung Quốc, hóa đơn cũng ghi xuất xứ Trung Quốc. Chất vấn chủ xe, họ trả lời phủ đất để dễ bảo quản.
“Chỉ có thể xử lý khi người bán khoai tây Trung Quốc nói với người mua hoặc ghi trên hóa đơn, nhãn mác cho thấy đó là khoai tây Đà Lạt” – ông Hưng nói.
Ông Hải cho rằng một số người bán khoai tây ở Đà Lạt không lừa người bán nông sản ở các tỉnh, mà họ… bắt tay lừa người tiêu dùng.
Siêu lợi nhuận
Theo các hoá đơn nhập hàng, khoai tây Trung Quốc có giá chỉ 3.800 đồng/kg trong khi đó khoai tây Đà Lạt mua tại cửa vườn ghi nhận ngày 26-9 có giá 19.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Công Thừa, tổng giám đốc HTX Anh Đào, phân tích: “Nếu bán đúng khoai tây Đà Lạt về TP.HCM thì lời khoảng 3.000 đồng/kg, chưa kể chi phí vận chuyển. Với khoai tây Trung Quốc đã thay đổi xuất xứ, tiểu thương sẽ lời gấp 5 lần”.
Do khó xử lý khoai tây Trung Quốc “đội lốt” hàng Đà Lạt, cơ quan chức năng đang tập trung giám sát chất lượng. “Việc lấy mẫu tiến hành ngay khi khui container. Nếu phát hiện dư lượng vượt ngưỡng sẽ tiêu huỷ” – ông Lại Thế Hưng nói.
Năm 2013, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 27 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 17 lần cho phép.
Theo ông Hưng, các lần phân tích mẫu gần đây chưa phát hiện khoai tây Trung Quốc có dư lượng vượt mức cho phép, dù có rất nhiều lô hàng xấp xỉ chạm ngưỡng vi phạm.
Sẽ dán nhãn toàn bộ nông sản Đà Lạt
Khoai tây Trung Quốc được nhập về chợ nông sản Đà Lạt – Ảnh: M.VINH
Ông Trịnh Văn Tuấn, đội trưởng đội quản lý thị trường TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho rằng nông sản cần được kiểm soát xuất xứ nghiêm túc như các mặt hàng công nghiệp khác thông qua bao bì, nhãn mác. “Như vậy sẽ dễ phát hiện sai phạm, có cơ sở pháp lý xử phạt” – ông Tuấn nói.
Hiện Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã có đề án dán nhãn cho nông sản Đà Lạt, trong đó sẽ dán nhãn cho khoai tây Đà Lạt và vùng phụ cận. Bước đầu sẽ có khoảng 1.300 tấn khoai tây được dán nhãn và sử dụng bao bì do tỉnh Lâm Đồng cấp phát. Sau đó, các doanh nghiệp xuất bán khoai tây phải có bao bì, nhãn mác ghi rõ nguồn gốc.
“Khoai tây Trung Quốc phải ghi rõ của Trung Quốc. Khoai tây Đà Lạt cũng thế. Người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết, chúng tôi thì có cơ sở xử lý hành vi tráo xuất xứ” – ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, nói. Theo kế hoạch, đề án trên phải hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, hiện nó vẫn chưa được… xây dựng kinh phí.
M.V.