Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi nghiên cứu chủ nghĩa tư bản
Ông Tập Cận Bình tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản hiện đại nhưng vẫn kiên định lập trường của chủ nghĩa Marx.
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi nghiên cứu chủ nghĩa tư bản.
Ông Tập Cận Bình tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản hiện đại nhưng vẫn kiên định lập trường của chủ nghĩa Marx.
Theo Tân Hoa xã ngày 30.9, khi phát biểu trước các uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Chủ tịch – Tổng bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh các giá trị của chủ nghĩa Marx vẫn vẹn nguyên qua thời gian và sự phát triển của xã hội. “Nếu đi lệch hoặc từ bỏ chủ nghĩa Marx, đảng của chúng ta sẽ mất sức sống và đường lối”, ông Tập cảnh báo. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu các đảng viên chú trọng nghiên cứu bản chất, mô hình cũng như những vấn đề của chủ nghĩa tư bản hiện đại. “Việc nghiên cứu giúp chúng ta hiểu đúng sự phát triển và số phận của chủ nghĩa tư bản, hiểu rõ những thay đổi mới và đặc tính của chủ nghĩa tư bản hiện nay”, ông Tập tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh CPC phải tiếp tục phát triển theo đường hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, nâng cao toàn diện sức mạnh quốc gia toàn diện.
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố không nhượng bộ về chủ quyền
Ông ra lệnh quân đội phải tập trung chuẩn bị để sẵn sàng giành chiến thắng nếu chiến tranh xảy ra.
Những phát biểu trên được đưa ra trước thềm Quốc khánh Trung Quốc (1.10) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của CPC khai mạc tại Bắc Kinh ngày 18.10. Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn các nguồn tin và giới quan sát dự đoán trong đại hội sắp tới, học thuyết “Bốn toàn diện” của Chủ tịch Tập sẽ được đưa vào điều lệ Đảng. “Bốn toàn diện” bao gồm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện và quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện. Chưa hết, theo các nguồn tin, học thuyết này sẽ gắn tên người sáng lập, có nghĩa là vị thế của ông Tập sẽ được nâng lên ngang hàng với các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trước đây, một số nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng đưa ra học thuyết mang tính chỉ đạo đường lối và được đưa vào điều lệ Đảng, chẳng hạn thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân hay “Phát triển khoa học, xã hội hài hòa” của ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, chỉ mới có “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình” là gắn liền với danh tính chủ nhân.
Mặt khác, theo dự báo của SCMP, sau đại hội, số uỷ viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị vẫn sẽ giữ nguyên là 7 người. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường chắc chắn được bầu lại. Năm vị uỷ viên đương nhiệm có thể sẽ về hưu và trong số những gương mặt triển vọng để thay thế có Phó thủ tướng Uông Dương, Bí thư Thành uỷ Thượng Hải Hàn Chính cùng Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Lật Chiến Thư.
Văn Khoa