20 năm nữa, tôi muốn…
Nếu có một điều ước chắc chúng ta sẽ nghĩ về bản thân đầu tiên, thế nhưng có những người trẻ dành điều ước đó cho cộng đồng.
20 năm nữa, tôi muốn…
Nếu có một điều ước chắc chúng ta sẽ nghĩ về bản thân đầu tiên, thế nhưng có những người trẻ dành điều ước đó cho cộng đồng.
“20 năm nữa, tôi muốn…” là chiến dịch của Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) nhằm giúp đưa những dự án cộng đồng, những ước mơ của người trẻ gần hơn với thực tiễn. Thông qua chiến dịch sẽ có thêm nguồn lực cũng như chuyên môn, tài chính (cụ thể mỗi dự án xuất sắc sẽ được tài trợ 150 triệu đồng) để thực hiện một cách hiệu quả và có chiến lược lâu dài.
Ý tưởng về ngôi làng bền vững, được ban tổ chức chiến dịch giới thiệu vào trung tuần tháng 9, lấy cảm hứng từ hơn 1.000 điều ước của bạn trẻ gửi về trong chiến dịch “20 năm nữa, tôi muốn…”, đã cho nhiều người thấy trong đó có ước mơ sẽ cung cấp nước uống sạch cho 50 hộ gia đình ở Q.8, TP.HCM của nhóm Bạn trẻ em đường phố.
TIN LIÊN QUAN
Không nên gán những nhận định như: vô cảm, lười vận động… cho tất cả người trẻ. Bởi vẫn có rất nhiều bạn trẻ luôn làm nên những điều có ích cho cuộc sống, xã hội.
“Đa số họ là dân nhập cư nghèo khó, sống ở vùng ao hồ và sử dụng trực tiếp nước ao để rửa chén, tắm giặt. Mỗi ngày muốn có nước để nấu ăn, họ phải đổi 30 lít nước với giá 2.000 đồng và nước uống với giá 15.000 đồng. Nhưng vì để tiết kiệm, họ dùng nước 2.000 đồng 30 lít để uống, nhưng nước này không đảm bảo khi uống trực tiếp. Nếu cứ như thế, lâu ngày sẽ thành bệnh. Người dân ở đây thu nhập đã không đủ sống mà nếu bệnh tật nữa thì thật sự rất khó khăn. Chính từ những trăn trở đó nên nhóm hình thành dự án với mong muốn có thể mang được nước sạch về cho những hộ dân này”, Thiên Ngân, thành viên dự án nhóm Bạn trẻ em đường phố, chia sẻ.
Hay với nhóm Happier, dự án nâng đỡ tâm lý cho trẻ đang điều trị tại Khoa Bỏng – Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Chúng tôi bắt gặp ở đấy ước mơ cháy bỏng của các tình nguyện viên: 20 năm nữa, tôi muốn bệnh nhân tại các bệnh viện đều được chăm sóc tâm lý xã hội.
Những tình nguyện viên của Happier đa phần là sinh viên ngành công tác xã hội, muốn đem sức lực nhỏ bé cũng như kiến thức học được từ ngành học giúp đỡ tâm lý xã hội cho những bệnh nhi đang chịu đau đớn về thể xác lẫn tinh thần khi bị bỏng.
TIN LIÊN QUAN
Sáng tạo về mô hình doanh nghiệp xã hội
CLB Khởi nghiệp vì cộng đồng thuộc Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên (Hội LHTN VN) là nơi thường xuyên tư vấn cho bạn trẻ về cách lựa chọn mô hình hoạt động xã hội bền vững.
Theo nhóm, trong thời gian nằm viện điều trị bỏng, sự cách ly trẻ với cha mẹ, người thân và môi trường thân quen làm nặng thêm sự đau đớn mà trẻ phải gánh chịu. Bên cạnh đó, những di chứng của bỏng cũng làm trẻ bị khủng hoảng tâm lý, mặc cảm… ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này.
“Tuy nhiên, chỉ với chưa đầy 20 tình nguyện viên của nhóm, không thể nào giúp được hết tất cả các bệnh nhi nói riêng và người bệnh điều trị bỏng nói chung. Còn rất nhiều bệnh nhân đang cần sự chia sẻ tâm lý xã hội để vượt qua được những đau đớn về thể chất và những sang chấn tâm lý. Chính vì thế, nhóm mong ước 20 năm nữa tất cả bệnh nhân đều được điều trị về tâm lý xã hội”, Trần Thị Phong Lan, thành viên nhóm, bày tỏ.
Hay điều ước của nhóm “Nhà của Vui” là dự án cải thiện thu nhập và nâng cao tay nghề cho 180 người lao động khuyết tật tại TP.HCM. “Nhà của Vui” là dự án mong muốn giải quyết được những vấn đề của các cơ sở lao động khuyết tật sản xuất. Để làm được việc này, dự án thực hiện theo trình tự từ việc theo dõi thị trường, đánh giá sản phẩm của người tiêu dùng, đến việc cải tiến sản phẩm theo thị trường đi kèm nâng cao tay nghề và cả việc truyền thông quảng bá sản phẩm cho họ.
Nữ Vương