Gần 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần
Sáng 29.9, nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM không có thịt heo để bán hoặc có nhưng số lượng rất ít.
Gần 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần.
Sáng 29.9, nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM không có thịt heo để bán hoặc có nhưng số lượng rất ít.
Lý do là đêm 28.9, có đến 4.626 con heo, tương đương một nửa nguồn cung thịt heo cho toàn thị trường TP.HCM, bị phát hiện sử dụng thuốc an thần.
Nhiều chợ không có thịt bán
Hơn 9 giờ 30 sáng 29.9, tại khu vực bán thịt tươi sống ở chợ Bàn Cờ (Q.3) yên ắng khác thường, nhiều quầy sạp đã đóng tự bao giờ, không bóng người. Thấy chúng tôi nhìn dáo dác, một chị cất tiếng chào mời mua thịt gà, vịt và khẳng định: “Hôm nay chợ không có thịt heo đâu em. Thường ngày có mấy quầy bên kia mà hôm nay họ không bán vì không lấy được hàng”. Giải thích thêm, chị này nói: “Thịt heo sao hôm nay lại không có?”, chúng tôi cố hỏi. “Cũng không rõ nữa, nhưng sáng sớm nay nghe mấy người bán thịt heo nói là ở lò mổ, heo bị làm sao đó nên bị bắt, chợ lẻ tiểu thương không có heo để bán”.
Tại chợ Thái Bình (Q.1) cũng chỉ có vài sạp còn một ít thịt heo. Người chủ sạp thịt tên Hồng xác nhận: “Hôm nay thịt heo không ra chợ như mọi ngày dù tôi vẫn đi lấy hàng. Có mấy mối quen ở chợ đầu mối Hóc Môn họ chừa lại cho mình, gom của mỗi người một ít nên mới có thịt để bán. Nhiều sạp không có hàng phải đóng cửa sớm”. Tuy nhiên, người chồng của chị chủ sạp cho biết: “Vẫn bán giá như bình thường; sườn heo 130.000 đồng/kg, cốt lết 65.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg, đùi 80.000 đồng/kg. Hôm nay bán không có lời, còn lỗ công nhưng không dám tăng giá vì sợ mất mối”. Nhiều chợ bán lẻ như: Tân Định (Q.1), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Hòa Bình (Q.5)… cũng trong tình trạng khan hàng, không có thịt heo để bán nhưng phần lớn tiểu thương lại khẳng định không tăng giá bán.
Trong khi đó, anh Hậu chủ một cơ sở sản xuất giò chả ở Q.Tân Bình (TP.HCM), khẳng định lượng thịt heo thiếu hụt đến 80% so với ngày thường, giá tại chợ đầu mối tăng khoảng 20%. Không chỉ tăng giá, thịt cũng không đảm bảo chất lượng. Chủ nhiều quán ăn khi ra đến chợ lấy hàng như mọi khi cũng “chết đứng”. Anh Phong, chủ một đại lý phân phối thịt ở chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết: “Bình thường giá thịt heo ở chợ này dao động từ 35.000 – 37.000 đồng/kg, tối đa là 40.000 đồng/kg. Tối hôm qua do không có heo ra chợ nên tăng tới “mười mấy giá”, lên mức 56.000 – 58.000 đồng/kg mà không có để bán. Tới khoảng 5 – 5 giờ 30, một số người lấy heo từ chợ đầu mối Bình Điền về phân phối cho khách mối với giá 70.000 đồng/kg. Nhưng heo ở chợ Bình Điền, có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây, lại nhiều mỡ.
13/20 chủ lò mổ thừa nhận tiêm thuốc an thần
Nguyên nhân nguồn cung thịt heo khan hiếm tại TP.HCM là do tối 28.9, đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 – Bộ Công an), Chi cục Thú y TP.HCM kiểm tra, bắt quả tang hành vi bơm thuốc an thần vào heo để giết mổ trong đêm tại khu giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, TP.HCM).
Ngày 29.9, thượng tá Trần Quốc Xanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tại TP.HCM (C49B), cho biết cơ quan này phát hiện 13 lò mổ tiêm thuốc an thần vào 4.626 con heo tại khu giết mổ gia súc Xuyên Á (trên đường số 50, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, TP.HCM).
Trước đó, từ đầu tháng 7.2017, C49B đã nắm được thông tin về hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Theo điều tra, khoảng 14 giờ hằng ngày, heo bắt đầu được tập kết từ các tỉnh, thành về khu giết mổ. Đến 21 giờ hoàn tất việc “nhập” heo (trên dưới 5.000 con/ngày). Sau đó, phần lớn chủ lò giết mổ heo chỉ đạo nhân công tiêm thuốc an thần. Đến 0 giờ hôm sau, heo được “đánh thức” dậy, rồi giết mổ cho đến 5 giờ.
Khoảng 22 giờ 30 ngày 28.9, lực lượng phối hợp ập vào khu giết mổ heo, bắt quả tang Vũ Văn Vĩ (28 tuổi, quê Nam Định, tạm trú Q.Gò Vấp) đang tiêm thuốc vào heo, còn Nguyễn Văn Dy (41 tuổi, quê Nam Định) cầm thùng sơn đánh dấu heo đã được tiêm thuốc. Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định Vĩ sử dụng lọ thuốc combistress (loại 50 ml) và lactated ringers (loại 500 ml) đã pha thuốc an thần để tiêm vào heo. Lúc kiểm tra có 5.231 con heo tại đây, lực lượng chức năng xác định có 4.626 con heo bất tỉnh (bị tiêm thuốc) nằm la liệt, số heo còn lại chủ lò giết mổ chưa thừa nhận đã tiêm thuốc. Cơ quan chức năng thu giữ 6 lọ thuốc combistress (loại 50 ml) và 51 chai lactated ringers (loại 500 ml) đã pha thuốc an thần. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu các lò mổ ở khu trên ngưng giết mổ; đồng thời lấy 144 mẫu nước tiểu của heo (trong đó heo bị tiêm thuốc và số heo mà chủ lò không thừa nhận bị tiêm thuốc) để xét nghiệm xử lý theo quy định. Bước đầu, có 13/20 chủ lò giết mổ tại khu vực trên thừa nhận có tiêm thuốc an thần vào heo. Việc tiêm thuốc an thần này, trước khi giết mổ, được cho là để thịt heo tươi đỏ lâu, dẻo, mềm ngon…
Khu giết mổ Xuyên Á do Nguyễn Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) đầu tư xây dựng. Có 20 chủ lò mổ thuê lại để đưa heo vào đây trực tiếp giết mổ. Việc kiểm tra xử lý kéo dài từ lúc 21 giờ 28.9 đến 8 giờ sáng ngày 29.9. Số heo bị giữ lại không đưa vào giết mổ để cung cấp cho thị trường tương đương một nửa số heo tiêu thụ mỗi ngày tại TP.HCM.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết: theo khoản 10, điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: Phạt tiền từ 30 – 35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm còn bị xử phạt bổ sung với hình thức đình chỉ hoạt động từ 3 – 6 tháng.
Chí Nhân
|
Có thể dẫn tới hạ huyết áp, lừ đừ, trầm cảm…
Loại thuốc các lò giết mổ trái phép sử dụng thường là thuốc combistress và prozil, tên thương mại của thuốc an thần acepromazine. Acepromazine đã được thử nghiệm trên người vào những năm 1950 như một thuốc chống loạn thần, nhưng do khả năng bài thải chậm và độc tính cao (có thể gây chết người) nên hiện giờ hầu như chỉ được sử dụng trên động vật, tức trong lĩnh vực thú y. Acepromazine tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải chậm nên nếu đã sử dụng phải có thời gian để thuốc đào thải hết (5 – 7 ngày sau khi tiêm và do đó tất nhiên không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, vì khi đó động vật giết mổ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc an thần. Mặt khác, thuốc thường được tiêm trước khi giết mổ dưới 24 giờ nên lượng tồn dư ở mức có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Acepromazine dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài… và nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận.
Chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ
Duy Tính (ghi)
|
Chí Nhân – Đàm Huy