28/11/2024

Đọc sách đầu giờ và tủ sách nhỏ trường tôi

Trăn trở với việc giới trẻ không có thói quen đọc sách, trong năm vừa qua trường tôi đã bắt tay vào việc triển khai phong trào xây dựng văn hoá đọc với những cách làm khá hiệu quả.

 

Đọc sách đầu giờ và tủ sách nhỏ trường tôi.

 

Trăn trở với việc giới trẻ không có thói quen đọc sách, trong năm vừa qua trường tôi đã bắt tay vào việc triển khai phong trào xây dựng văn hoá đọc với những cách làm khá hiệu quả.

 

Rèn thói quen đọc sách cho học sinh là một quá trình kiên trì, bền bỉ, chăm chút từ việc làm nhỏ nhất. Hãy quên ta thán, đổ lỗi để tìm giải pháp thực hiện. Đạo đức của giới trẻ đang xuống cấp, nền văn hoá đầy bản sắc bao đời bị tổn thương… cũng vì chúng ta không rèn cho học sinh đọc sách

Giáo viên Bình Yên

 

Mỗi góc lớp một tủ sách nhỏ

Đầu tiên, chúng tôi đưa sách về gần với học sinh. Ngoài thư viện trường, thiết kế thêm mỗi góc lớp có một tủ sách nhỏ.

Tủ sách này được học sinh tự tay trang trí những hình ảnh đẹp, ấn tượng kèm theo một câu nói hay về sách. Nội dung các đầu sách cũng rất đa dạng: sách kỹ năng, sách đạo đức làm người, sách tâm lý, khám phá khoa học, thêm một bộ sách tham khảo các môn… Bằng cách này, sách đến với từng em học sinh ngay tại lớp.

Vậy là đi học sớm, giờ ra chơi, những giây phút muốn thư giãn…, các em mượn một cuốn sách để đọc mà không cần đi đâu xa. Nguồn sách ở tủ sách lớp học cũng không phải là quá khó. Đầu năm, nhà trường trích một phần kinh phí đầu tư mua sách. 

 

Bên cạnh đó, mỗi em sẽ mang đến đóng góp một cuốn sách hay cho tủ sách lớp. Nếu họp phụ huynh, ban giám hiệu truyền thông tốt, phụ huynh sẽ ủng hộ việc làm ý nghĩa này.

Thử làm một phép tính năm đầu tiên: giả sử trong lớp có 40 em, tủ sách sẽ có ít nhất 40 cuốn. Nếu các em luân phiên nhau đọc trong năm thì không phải ít nhất một năm học sẽ có 40 cuốn sách/học sinh hay sao. Mỗi năm một ít, “kiến tha lâu đầy tổ”, học sinh sẽ có nguồn sách dồi dào.

Học sinh háo hức

Để rèn thói quen đọc sách cho học sinh cấp III không phải dễ, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin, văn hoá nghe nhìn đang gần như lấn át văn hoá đọc. Ban đầu chúng tôi có những quy định bắt buộc. 

Tất cả các lớp phải thực hiện đọc sách vào ba buổi sinh hoạt đầu giờ trong tuần do các cộng tác viên thư viện của lớp tổ chức. Hình thức đọc rất đa dạng: có thể một cá nhân đọc cho cả lớp nghe, hay chọn hình thức cả lớp cùng đọc theo tuỳ thích.

Ngoài ra, cộng tác viên thư viện vận dụng trình chiếu công nghệ thông tin (nếu có tivi) để minh hoạ, nhấn mạnh những câu chuyện, những vấn đề được nghe từ sách trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Việc này chỉ thực hiện khi đã đọc xong. 

Cứ như thế tiết đọc sách từ từ đi vào tâm trí các em. Không cần thầy cô nói nhiều nhưng ý nghĩa của việc đọc sách đã bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ của học sinh.

Một số học sinh không chỉ nghe đọc ở lớp mà còn mượn về nhà. Các em háo hức chờ đợi những đợt sách mới, cũng hồi hộp xen lẫn tự hào khi được chia sẻ trước lớp, trước toàn trường những cuốn sách hay… 

Chúng tôi tuyên dương, khích lệ các em đọc bằng nhiều cách khác nhau. Chúng tôi biến những tiết đọc sách ở trường học trở nên hấp dẫn.

 

Nhật ký đọc sách

doc sach

Vở đọc sách của học sinh – Ảnh: BÌNH YÊN

Chúng tôi yêu cầu mỗi học sinh có một cuốn vở gọi là “Nhật ký đọc sách” để cảm nhận về cuốn sách mà mình đã đọc, đã nghe qua. Cuốn nhật ký này được các em trang trí, vẽ vời bằng những hình ảnh đẹp, bắt mắt. Đây cũng như là một cách để chúng tôi giáo dục các em biết nâng niu, trân trọng về giá trị của kho tàng tri thức mà mình vừa thu lượm được. 

BÌNH YÊN (Trường THPT Lê Quý Đôn, Biên Hoà)