Trong số đó, có 3 sĩ quan cảnh sát, một thuộc Sở Cảnh sát Bangkok và 2 thuộc các đơn vị ở tỉnh. Cả ba đã được thả ngay sau thẩm vấn mà không có bất kỳ cáo buộc nào được đưa ra đối với họ. Cơ quan điều tra Thái Lan tỏ ra lúng túng, không biết áp dụng điều khoản nào trong luật tố tụng hình sự để khởi tố dù biết họ đã giúp một người sắp bị tuyên án đào thoát.
Sau khi phóng thích họ, Phó tổng trưởng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Srivara Ransibrahmanakul giải thích ông Chairit Anurit, phó chỉ huy lực lượng 5 của Sở Cảnh sát Bangkok cùng 2 sĩ quan khác “không phạm luật” trong vụ trốn chạy của bà Yingluck. Trong khi đó, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan thừa nhận rất khó để buộc tội họ. “Chúng tôi rất muốn truy cứu trách nhiệm đối với kẻ vi phạm, nhưng trong trường hợp này rất khó để buộc tội họ vì hành vi đó xảy ra trước khi tòa có lệnh truy nã và họ không đưa bà ấy ra nước ngoài”, ông Prawit phát biểu.
Hôm nay 27.9, Tòa tối cao Thái Lan dự kiến tuyên án vắng mặt đối với bà Yingluck vì trách nhiệm trong việc điều hành chính sách dự trữ và trợ giá gạo trong thời gian bà làm thủ tướng. Sở Cảnh sát Bangkok cho biết dự kiến có khoảng 300 – 400 người ủng hộ bà Yingluck sẽ đến tòa để nghe tuyên án. Chính quyền Bangkok sẽ huy động hơn 200 cảnh sát để giữ gìn an ninh trật tự ở đây. Khu vực tòa án được cho là không căng thẳng như phiên triệu tập tuyên án đã bị hoãn hồi hạ tuần tháng 8.2017. Trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước hôm qua, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho hay chính quyền quân sự Thái Lan đã xác định được nơi bà Yingluck đang lẩn trốn, nhưng sẽ chỉ tiết lộ sau khi toà đã tuyên án.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ phản đối giải thích của chính quyền quân sự. Ông Nipit Intarasombat, Phó chủ tịch đảng Dân chủ, cho rằng bà Yingluck chưa bị kết tội nhưng bị tòa cấm xuất cảnh dưới mọi hình thức trừ phi được tòa cho phép. Như vậy, bà cựu thủ tướng đã chống lệnh của tòa khi tự ý ra nước ngoài và kéo theo đó những người giúp đỡ bà cũng đã vi phạm. “Tôi hy vọng ngày mai (27.9) khi tuyên án vắng mặt đối với bà Yingluck, tòa sẽ ra lệnh điều tra vụ 3 cảnh sát và khởi tố họ vì đã giúp bà ấy trốn khỏi Thái Lan”, ông Nipit phát biểu trên trang Facebook cá nhân hôm qua 26.9.
Giải thích về hành vi của 3 sĩ quan, luật gia Taweesub Namkhagonroj thuộc Hội Luật sư Thái Lan nói rằng vụ giúp đỡ bà Yingluck xảy ra vào ngày 23.8, tức trước ngày tòa triệu tập và phát lệnh truy nã sau khi đương sự không xuất hiện theo lệnh triệu tập. “Như vậy, bà Yingluck chưa bị toà tuyên án thì chưa bị xem là có tội và những người đưa bà ấy đến tỉnh biên giới không thể bị xem là giúp đỡ tội phạm. Không có quy định nào cấm cảnh sát đi cùng hay đưa người đang bị khởi tố di chuyển trong phạm vi quốc gia”, ông Taweesub phân tích với phóng viên Thanh Niên. Vì vậy, theo luật gia Taweesub, rất khó cho cơ quan điều tra khởi tố họ về mặt hình sự kể cả một cựu phó tổng trưởng cảnh sát Thái Lan, người được cho là đã ra lệnh cho các sĩ quan nói trên giúp đỡ bà Yingluck.
Theo luật gia Taweesub, ba sĩ quan cảnh sát biết rất rõ điều họ làm và cả cách làm thế nào để tránh bị truy vết tích và truy tố khi thực hiện kế hoạch giúp bà Yingluck tẩu thoát. Ông Taweesub cho rằng chỉ có thể xử lý họ theo quy định của ngành như cách chức, sa thải hoặc điều chuyển công tác vì tội “sử dụng giờ công cho việc riêng”, hoặc điều khiển xe mang bảng số giả khi chở bà Yingluck đến gần biên giới ở tỉnh Sakaew.