28/11/2024

Nguy cơ hạt nhân ở Thái Bình Dương

CHDCND Triều Tiên rất có thể sẽ kết hợp bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong một cuộc thử nghiệm tại Thái Bình Dương.

Nguy cơ hạt nhân ở Thái Bình Dương

CHDCND Triều Tiên rất có thể sẽ kết hợp bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong một cuộc thử nghiệm tại Thái Bình Dương.




 

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát vụ phóng tên lửa Hwasong-12 ngày 15.9REUTERS

 

Ngày 22.9, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố biện pháp đáp trả cứng rắn nhất mà Bình Nhưỡng có thể đưa ra nhằm đáp trả những đe doạ của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một đợt thử bom nhiệt hạch (bom H) ở Thái Bình Dương. Dù công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa của Triều Tiên còn là dấu hỏi, nhưng giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng có thể viện đến những phát ngôn gần đây của Tổng thống Trump về việc “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” như cái cớ để tiến hành thử nghiệm, theo Reuters.
Ngày 3.9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, có sức công phá 250 kiloton, mạnh hơn nhiều so với 5 lần thử hạt nhân trước đó của nước này. Để có thể tiến hành thử nghiệm ở Thái Bình Dương, Triều Tiên cần một tên lửa đạn đạo đủ uy lực để mang theo đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia nhận định rằng rất có thể Bình Nhưỡng sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 cho nhiệm vụ này, theo AP.
Việc cho nổ bom nhiệt hạch từ khí quyển được dự đoán sẽ gây ra “thảm hoạ phóng xạ kinh hoàng”, theo ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và an ninh quốc tế (Mỹ). Ông Albright cho biết chưa có nước nào thử bom hạt nhân trên bầu khí quyển trong vài thập niên qua. Mỹ thử bom nhiệt hạch mạnh nhất vào năm 1954 tại quần đảo Marshall, khiến 23 ngư dân Nhật đánh cá cách đó 160 km bị nhiễm phóng xạ. Trung Quốc là nước cuối cùng thử bom hạt nhân trên bầu khí quyển vào năm 1980.
Giới quan sát dự đoán việc thử nghiệm bom H ở Thái Bình Dương chắc chắn sẽ châm ngòi làn sóng phản đối từ quốc tế. “Tôi nghĩ rằng nhiều nước sẽ yêu cầu chấm dứt chế độ (Triều Tiên), chứ không chỉ là trừng phạt để rồi đàm phán. Tôi không nghĩ Mỹ sẽ tấn công Triều Tiên để đáp trả một cuộc thử nghiệm, nhưng khả năng chiến tranh sẽ gia tăng”, ông Albright cho biết.
Bên cạnh những đòn đáp trả kinh tế và ngoại giao, chính quyền Mỹ vẫn để ngỏ các biện pháp quân sự như cảnh báo của Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gần đây.
Washington không nêu rõ kế hoạch nhưng giới chuyên gia đã liệt kê các bước leo thang tiềm tàng của chính quyền Trump: tăng cường khí tài, quân lính hoặc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Hàn Quốc và Nhật Bản để răn đe; cho đặc nhiệm thủ tiêu lãnh đạo tối cao Triều Tiên hoặc tấn công các cơ sở hạt nhân, tên lửa; tấn công phủ đầu bằng vũ khí quy ước hoặc hạt nhân. Dù bằng biện pháp nào, hành động quân sự của Mỹ cũng khó tránh khỏi sự đáp trả của Triều Tiên và dẫn đến một hậu quả thảm khốc.
 
Nguy cơ hạt nhân ở Thái Bình Dương - ảnh 2

 
 


Bảo Vinh