Đề án thu phí ô tô vào khu trung tâm TP.HCM được đánh giá sẽ hạn chế đáng kể xe cá nhân vào khu vực nội thành trong giờ cao điểm, nhưng đề xuất giảm phí cho taxi lại gây nhiều tranh cãi.
Thu phí để chống kẹt xe trong nội thành
Đề án thu phí ô tô vào khu trung tâm TP.HCM được đánh giá sẽ hạn chế đáng kể xe cá nhân vào khu vực nội thành trong giờ cao điểm, nhưng đề xuất giảm phí cho taxi lại gây nhiều tranh cãi.
Giảm 50% xe cá nhân trong 1 năm
Công ty CP công nghệ Tiên Phong (ITD) vừa báo cáo Sở GTVT TP.HCM đề án thu phí ô tô vào khu trung tâm, sau khi đã chỉnh sửa đề án cũ trình UBND TP.HCM từ năm 2012. Theo đó, 36 cổng thu phí sẽ được xây trong vành đai khép kín, áp dụng công nghệ thu phí hiện đại nhằm giảm số lượng ô tô cá nhân vào khu vực nội thành trong giờ cao điểm. Mỗi ô tô sẽ mở một tài khoản, xe nào di chuyển vào khu trung tâm trong giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản. Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và báo qua đơn vị đăng kiểm, sẽ có quy định xử phạt và không cho đăng kiểm cho đến khi đóng tiền. Giá thu được đề xuất là 40.000 đồng/lượt. Hệ thống sẽ chỉ thu trong giờ cao điểm để người dân lựa chọn tuyến đường phù hợp.
Theo ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Tiên Phong, dự tính ngay trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, số lượng ô tô đi vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 50%, nhường đường cho lượng xe buýt tăng từ 9% lên 15%, giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, đề án đang cần chỉnh sửa một số chi tiết, trong đó điều chỉnh chủ yếu về cơ sở pháp lý. “Đầu tiên dự tính thu dưới dạng phí bảo trì đường bộ, nhưng hiện nay theo chủ trương của Thành uỷ TP.HCM, đây là một hình thức quản lý giao thông mới và nằm trong chiến lược của Viện Chiến lược và phát triển GTVT nên TP đã có kiến nghị T.Ư cho phép áp dụng quy chế đặc thù được triển khai áp dụng việc thu phí này”, ông Quân thông tin.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, đánh giá việc thu phí vào nội thành là một trong những giải pháp hữu ích nhằm giảm ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm. Khi đó, người dân sẽ cân nhắc việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân hay công cộng; đi chung xe, thay đổi giờ ra vào khu trung tâm, tránh giờ cao điểm để không phải trả phí.
Ưu tiên cho taxi ?
Quan trọng nhất là cách tổ chức, làm sao để có thể vừa đảm bảo tính khả thi của dự án, vừa để người dân không hiểu sai bản chất của việc thu phí vào nội thành là nhằm giảm giao thông cá nhân
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Tuy nhiên, đề xuất giảm phí cho xe taxi truyền thống 10.000 đồng, tức còn 30.000 đồng/lượt khi lưu thông vào trung tâm TP trong giờ cao điểm lại gây nhiều tranh cãi. Giải thích về đề xuất này, ông Lâm Thiếu Quân cho rằng taxi cũng được coi là một hình thức vận tải hành khách công cộng dành cho đối tượng có điều kiện kinh tế khá. Tại TP.HCM hiện nay, taxi gây kẹt xe do phải chạy lòng vòng chờ khách, không có bãi đỗ. Việc thu phí sẽ giảm hẳn tình trạng này vì chỉ khi nào có khách, tài xế mới chạy vào khu trung tâm. Ước tính số lượng xe taxi vào nội thành sẽ giảm 30%.
Ông Vũ Anh Tuấn cũng cho rằng, dù là sở hữu cá nhân nhưng bản chất của taxi là xe công cộng, phục vụ chung cho nhu cầu đi lại của người dân, của xã hội. Thông thường, người sử dụng taxi thường đi chung 2, 3 đến 5 người. Giảm phí cho xe taxi để khuyến khích sử dụng chung xe, nâng cao hiệu quả sử dụng mặt đường. Liên quan đến việc chỉ giảm phí cho taxi truyền thống mà không giảm cho taxi Uber, Grab, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng nhiều phương tiện thuộc loại hình này tới nay vẫn chưa đăng ký kinh doanh, khiến việc phát triển ô tô tại TP tăng đột biến, gia tăng tình trạng ùn tắc và khó khăn trong vấn đề quản lý. Cho nên việc thu phí sẽ khiến Uber, Grab phải tự vận động để được công nhận chính thống dịch vụ bán công cộng và hưởng những quyền lợi như taxi truyền thống.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM Lê Trung Tính, TP mới chỉ có 2 loại hình giao thông công cộng là xe buýt và taxi, trong đó taxi phục vụ 30 – 40% nhu cầu đi lại của người dân hằng ngày. Tại thời điểm này, loại hình đi chung xe nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc và diện tích mặt đường như taxi vẫn cần được ưu tiên sử dụng.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, lại cho rằng khi đã xác lập một khu vực trung tâm để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tạo điều kiện phát triển tốt vận tải công cộng, thậm chí tổ chức phố đi bộ thì không thể khuyến khích taxi, cả taxi truyền thống hay Uber, Grab. “Quan trọng nhất là cách tổ chức, làm sao để có thể vừa đảm bảo tính khả thi của dự án, vừa để người dân không hiểu sai bản chất của việc thu phí vào nội thành là nhằm giảm giao thông cá nhân. Nguồn thu cũng sẽ được sử dụng cho quản lý, điều hành giao thông của TP”, ông Lâm nhận xét.