28/11/2024

Học hoá bằng diễn kịch, giờ học vui tưng bừng

“Ủa, sao con cắm cái ấm điện nhà mình, điện nó xẹt quá trời vậy má?”, cậu con trai gầy nhom hỏi “bà má” có gương mặt trẻ măng. Và tiết học hoá bắt đầu.

 

Học hoá bằng diễn kịch, giờ học vui tưng bừng

 

“Ủa, sao con cắm cái ấm điện nhà mình, điện nó xẹt quá trời vậy má?”, cậu con trai gầy nhom hỏi “bà má” có gương mặt trẻ măng. Và tiết học hoá bắt đầu.


“Mọi người thường nghĩ hoá học chỉ có các bài toán, các phương trình phản ứng hoá học hay những thí nghiệm trong phòng lab. Nhưng qua những tiết học của dự án, em hiểu được không chỉ hóa mà bất kỳ môn học nào cũng đều liên quan đến nhau và liên quan đến cuộc sống”

Trần Duy Toàn (học sinh lớp 12A14)

“Điện nó xẹt quá trời, sao má không thay đi má?”. “Dạo này kinh tế nhà mình khó khăn, với lại má thấy cái ấm điện nhà mình còn xài được mà con. Thay chi cho tốn kém?!”.

Màn đối đáp hóm hỉnh của cặp “má – con” Trần Thị Mỹ Duyên và Nguyễn Hữu Đức – lớp 11A1 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), khiến cả lớp cười rần rần. Một số bạn còn xin thầy giáo cho phép dùng điện thoại ghi hình tiết học, để “mai mốt xem lại vì hấp dẫn quá!”.

Khám phá an toàn điện qua bài học về pH

Hai học sinh khác đóng vai chuyên gia về điện, giới thiệu mối liên quan giữa nước và điện trong an toàn điện. Học sinh sẽ dùng kiến thức hoá học, vật lý lý giải vì sao nước dẫn điện. 

 

Dù còn một chút lúng túng, nhưng các em đã trình bày những nội dung hỏi – đáp rõ ràng, ngắn gọn, rành mạch, giúp các bạn còn lại theo kịp vấn đề.

Ngoài ra, các học sinh còn trình chiếu một phóng sự ngắn do các em tự quay và dựng về tình hình an toàn điện, việc mạng lưới dây điện chằng chịt ở các quận Bình Tân, Thủ Đức. 

Với giọng đọc nhấn nhá nhịp nhàng, những đoạn xen kẽ thực trạng và phỏng vấn người dân cùng những cú zoom, lia máy thông minh, tay nghề làm phóng sự của các học sinh lớp 11 không kém gì những sinh viên học khoa báo chí. 

Thầy cô và các bạn ngồi phía dưới theo dõi phóng sự liên tục vỗ tay thán phục.

Sau đó, các học sinh tiếp tục dẫn dắt mọi người đến bài học về pH bằng những vấn đề thường gặp trong một gia đình làm nông, từ chuyện an toàn điện, nuôi tôm sú tới y tế và sức khoẻ. 

Đặc biệt, để giới thiệu về ngành nuôi tôm sú ở VN, nhóm của Nguyễn Hữu Đức đã tranh thủ ngày nghỉ đến huyện Cần Giờ trải nghiệm, tham quan và gặp gỡ các hộ nuôi tôm. Nhóm đã quay phim lại cách thức người dân nuôi tôm, đo độ pH trong nước và lồng ghép vào phim các kiến thức, công thức hoá học để lý giải một số vấn đề trong nuôi tôm.

“Khi học theo dự án như vậy, em sẽ đi sâu hơn vào các kiến thức, trau dồi các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp ứng xử với mọi người. 

Tụi em còn có cơ hội khám phá thành phố của mình ở những góc độ mà trước nay em chưa từng nghĩ tới. Mấy đứa em đi bốn tuyến xe buýt và một chuyến phà để đến Cần Giờ, tự mình trải nghiệm, học hỏi” – Đức chia sẻ.

Học để vận dụng kiến thức vào cuộc sống

“Việc học phải phục vụ cuộc sống của mình. Nếu học chỉ để thi cử, làm các bài kiểm tra sẽ mất đi giá trị của giáo dục. Thầy cô phải dạy cho các em cách vận dụng kiến thức vào cuộc sống” – thầy Huỳnh Công Phúc, giáo viên phụ trách dự án “Học, hiểu và sống”, cho biết.

Dự án được thầy trò lớp 11A1 và 11A8 thực hiện trong 4 tuần. Tuần thứ nhất, mỗi lớp sẽ nhận được thông báo đề tài về các lĩnh vực như điện lực, công nghệ, nông nghiệp và y tế. Sau đó, thầy Phúc sẽ trao đổi, giải đáp thắc mắc về đề tài và hướng dẫn học sinh. 

Tuần thứ hai, học sinh sẽ tự lên kế hoạch thực hiện đề tài; thầy chỉ theo sát, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ kiến thức và chỉnh sửa nội dung kiến thức cho học sinh. Tuần thứ ba, học sinh hoàn thành sản phẩm, trình bày lại kiến thức đã học trong sách giáo khoa bằng bài báo cáo, tiểu luận và trả lời những câu hỏi xung quanh đề tài.

“Tôi chọn bài pH vì bài này có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống, nhưng trước nay thường chỉ được dạy lý thuyết suông. 

Trong quá trình thực hiện dự án phải sử dụng rất nhiều kiến thức liên môn từ hóa học, toán, vật lý, địa lý, sinh học, nên giáo viên phải hỗ trợ học sinh bằng cách chắt lọc kiến thức, định hướng cho các em theo đúng mục tiêu, yêu cầu của dự án” – thầy Phúc nói.

Ngoài ra, thầy Phúc còn thường xuyên quan sát học sinh, từ cách các em học đến cách các em giao tiếp với bạn bè, mọi người. Từ đó phát hiện tài năng của mỗi em để gợi ý, lựa chọn cho các em vai trò phù hợp khi thực hiện dự án. 

Chẳng hạn, với học sinh có năng khiếu về ngôn ngữ và toán học thì sẽ bố trí em tham gia nhóm nghiên cứu; học sinh có tố chất hướng ngoại sẽ tham gia nhóm phóng viên, dẫn dắt chương trình.

Ngoài dự án “Học, hiểu và sống”, thầy Huỳnh Công Phúc và học sinh ba lớp của khối 12 còn thực hiện dự án “Góc nhìn trẻ” với bài học về tinh bột. 

Bên cạnh những bài thuyết trình thú vị về lúa nước, ẩm thực, y tế; học sinh tham gia dự án còn được học làm bánh trung thu ngay tại lớp, với sự hướng dẫn của một cựu học sinh hiện đang làm trong lĩnh vực nhà hàng.

PHƯƠNG NGUYỄN