Tan hoang sau bão
Bão số 10 với sức gió giật cấp 12 – 13 kèm mưa lớn quét qua các tỉnh Bắc Trung bộ, khiến nhiều nhà cửa, cây cối, cột điện… bị tốc mái, gãy đổ.
Tan hoang sau bão
Bão số 10 với sức gió giật cấp 12 – 13 kèm mưa lớn quét qua các tỉnh Bắc Trung bộ, khiến nhiều nhà cửa, cây cối, cột điện… bị tốc mái, gãy đổ.
Nhà tốc mái, cây đổ ngổn ngang
Từ sáng sớm 15.9, PV Thanh Niên đã đến TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) – nơi tâm bão đổ bộ vào. Đến khoảng 11 giờ 30, bão bắt đầu vào đất liền. Gió rít mạnh từng cơn, cây cối đổ ngã, tiếng tôn bị xé khỏi mái nhà rít đinh tai. Từng tấm tôn bật ra khỏi các mái nhà bay vù vù trong không trung như muốn cắt đứt bất cứ vật gì cản đường.
PV phải vào nhà bà Nguyễn Thị Thỏa (67 tuổi, thôn Tây Ninh, P.Kỳ Trinh, TX.Kỳ Anh) để xin tá túc. Ngoài trời, 12 giờ trưa gió vẫn thổi liên hồi và mưa không ngớt. Bất ngờ, toàn bộ mái tôn tầng 2 của ngôi nhà bị gió cuốn phăng, lả tả trước nhà, tiếng gạch, đá bắt đầu rơi xuống trần nghe lộp cộp khiến ai cũng hốt hoảng. “Từ nhỏ đến giờ, đây là cơn bão mạnh nhất đó chú”, bà Thỏa nói. Trước nhà bà Thoả 2 cột điện cũng bị gió làm gãy ngang, dây điện thòng xuống lòng đường. Cạnh nhà bà, ngôi nhà 3 tầng của hàng xóm cũng bị tốc hết mái ngói. Tiệm làm tóc cạnh đó bung hết cửa cuốn phía trước.
Đến 15 giờ chiều cùng ngày, gió ngớt dần. Theo ghi nhận của PV, hàng trăm nhà dân ở TX.Kỳ Anh nằm cạnh QL1A đều bị tốc hết mái, cây cối hai bên đường đổ ngổn ngang, mái tôn bay tứ tung ra đường, vỉa hè, nhiều hàng quán bị đổ sụp. Khung cảnh xơ xác tan hoang.
Ngay sau khi gió ngớt, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an dọn dẹp lòng đường để các phương tiện lưu thông thuận lợi. Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND TX.Kỳ Anh, cho biết bước đầu đã ghi nhận có 80% nhà dân các xã ven biển và các trường học, trạm y tế các xã, phường bị tốc mái và hư hỏng nặng. Nhiều cột điện cao thế và hạ thế bị gió quật ngã.
Trước đó, vào 11 giờ cùng ngày, cột phát sóng của Đài phát thanh truyền hình TX.Kỳ Anh cao gần 100 m cũng bị gió quật đổ. May mắn không có ai bị thương.
“Lấy tiền đâu dựng lại nhà”
Tại Quảng Bình, sau khi trận cuồng phong quét qua, khoảng 14 giờ trời ngớt mưa, người dân tranh thủ dọn dẹp, khắc phục hậu quả. PV Thanh Niên ghi nhận nhiều nhà dân cùng công trình cơ quan nhà nước ở TP.Đồng Hới bị gió giật tốc mái. Trên các tuyến đường, cây xanh gãy đổ ngổn ngang. Dọc QL1 từ Đồng Hới ra TX.Ba Đồn, hàng loạt cột điện gãy đổ. Nhà dân ở dọc tuyến đường này bị tốc mái nặng nề. P.Quảng Phúc (TX.Ba Đồn) bị ảnh hưởng nặng nhất, khi có nhiều nhà dân đổ sập…
Đứng trước căn nhà tan hoang sau bão, ông Nguyễn Tân Đinh (48 tuổi, thôn Đơn Sa, P.Quảng Phúc) nước mắt chảy dài. “Khoảng 10 giờ gió bắt đầu giật mạnh khiến tường gạch phía trước đổ sập. Đến 12 giờ, bão đổ bộ. Lúc này, phần mái nhà phía sau bị gió hất văng, kéo phần nhà trên sập hoàn toàn”, ông Đinh nghẹn giọng. Vì hoàn cảnh khó khăn nên nhiều năm qua, vợ chồng ông cùng 5 người con vẫn chưa dựng được căn nhà mới. “Nay bão quét, nhà sập, chúng tôi không biết tá túc ở đâu”, ông Đinh lo lắng.
Bi kịch hơn, căn nhà của chị Nguyễn Thị Chinh (32 tuổi, cùng thôn) đổ sập hoàn toàn do bão, sau khi vừa vay mượn tiền để làm và hiện chưa trả xong khoản nợ 30 triệu đồng. “Giờ nhà sập, vật dụng hư hỏng hết, không có chỗ để ở, lấy tiền đâu để dựng lại nhà”, chị Chinh gạt nước mắt. Ông Nguyễn Văn Phú (62 tuổi, bố chồng chị Chinh) nhà gần đó cũng bị đổ sập phần tường phía sau. Khi cơn bão đổ bộ, 3 mẹ con chị Chinh cùng ông Phú đang trú ẩn trong nhà hốt hoảng vì thấy tường bị xé toạc. “Mẹ con tôi phải vào nhà vệ sinh tránh trú mới không bị thương”, chị Chinh nói thêm.
Nước biển dâng cao chưa từng thấy
Tại TX.Cửa Lò (Nghệ An), từ 10 giờ 30, gió bão gầm rú, vít những thân phi lao ven biển oằn xuống. Sóng biển đánh tung, phá tan nhiều đoạn bờ kè bằng bê tông. Các nhà hàng, quán ăn ven biển đã được người dân chằng chống rất cẩn thận nhưng nhiều mái tôn cũng bị bão giật bung. Nước biển tràn vào khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu. 12 quán ăn ven biển Cửa Hội (TX.Cửa Lò) bị bão giật đổ hoàn toàn, thiệt hại hàng tỉ đồng.
Cũng vào trưa 15.9, triều cường dâng cao, sóng biển đánh mạnh dâng nước tràn qua đê bao gây ngập lụt hàng trăm nhà dân ở các xã ven biển của H.Quỳnh Lưu (Nghệ An). Chính quyền địa phương huy động dân quân tự vệ, người dân dùng bao cát, đất và cọc tre để chắn sóng, ngăn nước. Tại vùng Mai Giang 1, thủy triều dâng cao qua đê làm ngập hàng trăm héc ta tôm, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng. Tỉnh Nghệ An đã sơ tán hơn 17.000 người dân ở các huyện, thị ven biển rời nhà đi tránh bão.
Tại Thanh Hoá, từ sáng 15.9, tại 6 địa phương ven biển, gồm các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP.Sầm Sơn có gió mạnh, trời mưa to. Đến khoảng 11 giờ, nước biển dâng cao, sóng lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Tại H.Tĩnh Gia (Thanh Hoá), nước dâng cao, 1 người dân ở xã Xuân Lâm (H.Tĩnh Gia) đi đánh bắt cá ngoài đồng đã bị nước cuốn trôi, thi thể được tìm thấy lúc 15 giờ cùng ngày. Riêng ở xã đảo Nghi Sơn (H.Tĩnh Gia), liên tục từ 10 – 15 giờ nước biển dâng cao so với bình thường khoảng 2 – 3 m với từng đợt sóng đập mạnh vào các nhà dân ven bờ biển. Thống kê chưa đầy đủ đã có hàng chục công trình phụ và 2 ngôi nhà của người dân ở xã này bị đánh sập.
Đối mặt nguy cơ ngập lụt, lũ quét
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão số 10 sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình tiếp tục đi sâu vào đất liền các tỉnh miền Trung. Đến 16 giờ ngày 15.9, tâm bão trên khu vực trung Lào; trong 6 – 12 giờ tiếp theo, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ, Hoà Bình và Sơn La còn có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to với tổng lượng mưa 50 – 150 mm, có nơi trên 200 mm. Từ ngày 17.9, trên các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Trị sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Dự báo, các sông từ Hà Tĩnh – Quảng Bình lũ lên mức báo động 2 – mức báo động 3; các sông ở Thanh Hoá, Nghệ An và Quảng Trị lũ lên mức báo động 1.
Mưa lớn cũng khiến khu vực vùng núi các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá đến Quảng Bình có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ. Còn tại khu vực đô thị TP.Vinh (Nghệ An), TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh); TX.Ba Đồn và TP.Đồng Hới (Quảng Bình); TX.Quảng Trị và TP.Đông Hà (Quảng Trị) có nguy cơ ngập úng.
|
Thanh Niên