29/11/2024

Học sinh lớp 1 tăng đột biến, thiếu cả phòng học lẫn giáo viên

Phụ huynh mê tín không sinh năm Dần mà “để dành” năm Mẹo (2011), dân nhập cư đông… khiến số học sinh lớp 1 năm nay tăng vọt dẫn đến thiếu trường lớp.

 

Học sinh lớp 1 tăng đột biến, thiếu cả phòng học lẫn giáo viên

 

Phụ huynh mê tín không sinh năm Dần mà “để dành” năm Mẹo (2011), dân nhập cư đông… khiến số học sinh lớp 1 năm nay tăng vọt dẫn đến thiếu trường lớp.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018 thành phố tăng hơn 10.000 học sinh lớp 1 (sinh năm 2011) so với năm học trước.

Nguyên nhân số lượng trẻ sinh năm 2011 tăng đột biến là do nhiều phụ huynh có quan niệm mê tín, tránh sinh con trong năm Dần (2010), đợi đến năm Mẹo (2011) mới sinh.

Có trường tăng gấp đôi

Thông tin từ Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP cho thấy: số lượng học sinh lớp 1 tăng nhiều nhất ở các quận huyện: 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Tân Bình, Hóc Môn… 

Đó là chưa kể số học sinh tăng cục bộ ở một vài phường xã khiến nhiều trường tiểu học gặp khó khăn trong việc xếp lớp, dẫn đến tình trạng sĩ số học sinh/lớp tăng cao, nhà trường không thể tổ chức lớp học 2 buổi/ngày, nên giáo viên lớp 1 rất vất vả trong quá trình giảng dạy cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục. 

Ở những quận huyện kể trên, nhiều trường tiểu học phải tổ chức cho học sinh lớp 1 học 6 buổi/tuần (tức là học thêm một buổi vào thứ bảy) mới có thể cho học sinh được tiếp cận với ngoại ngữ, tin học…

Tương tự, Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh chia sẻ thông tin: năm học 2017-2018, huyện có đến 6 trường tiểu học dạy 1 buổi/ngày đối với 100% học sinh, do số học sinh lớp 1 tăng quá cao. Trong đó Trường tiểu học Vĩnh Lộc A số học sinh lớp 1 tăng gần gấp đôi so với năm học trước. 

Mặc dù nhà trường không thể tổ chức được lớp học 2 buổi/ngày, nhưng sĩ số học sinh lớp 1 năm nay ở Trường Vĩnh Lộc A vẫn là 40 em/lớp. Tính đến thời điểm này, huyện Bình Chánh tăng 2.288 học sinh lớp 1. Số học sinh tăng nhiều nhất tập trung tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng…

Cũng theo Sở GD-ĐT TP, còn một nguyên nhân nữa của việc học sinh lớp 1 tăng đột biến, đó là tăng học sinh cơ học: do phụ huynh ở các tỉnh thành khác đổ về TP.HCM làm ăn sinh sống ngày càng nhiều. 

Mặc dù năm nay thành phố đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh.

Đà Nẵng: phòng ốc “đuổi theo” số học sinh

Để chuẩn bị phòng học đảm bảo cho học sinh được học 2 buổi/ngày trong năm học này, Trường tiểu học Trần Nhân Tông (phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) xây mới cơ sở 2 với 10 phòng học. 

“Lẽ ra khi có thêm 10 phòng học nhà trường sẽ rất thoải mái, nhưng cuối cùng vẫn không như dự tính. Năm ngoái trường có 114 học sinh lớp 1. Chúng tôi dự tính năm học này sẽ có khoảng 150 học sinh lớp 1, nhưng hiện tại trường có tới 258 em. Trường phải tăng thêm ba lớp so với dự kiến ban đầu” – cô Nguyễn Thị Xuân Hồng, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhân Tông, cho biết. 

Theo cô Hồng, nguyên nhân của sự tăng học sinh đột biến này một phần là do trên địa bàn phường có các khu chung cư và khu công nghiệp, kéo theo một lượng lớn người đến tạm trú trong thời gian gần đây.

Tương tự, theo thống kê của Phòng GD-ĐT Q.Cẩm Lệ, ngoài một trường tiểu học thành lập mới trong năm học này, có 6/9 trường tăng học sinh vào lớp 1 so với năm học trước. Trong đó có nhiều trường tăng 3-4 số lớp 1 so với năm trước. Một số trường không tăng được phòng ốc phải chọn giải pháp tăng sĩ số lớp. 

Còn tại quận Sơn Trà, số học sinh vào lớp 1 năm nay tăng 850 em so với năm ngoái, trong đó có 600 em tăng ngoài điều tra phổ cập giáo dục. 

Cô Nguyễn Thị Thảo, trưởng Phòng GD-ĐT quận Sơn Trà, cho biết số học sinh tăng đột biến nằm ở 2 phường Nại Hiên Đông và Thọ Quang, do khu vực này có rất đông khu chung cư và khu vực có quân nhân sinh sống.

Theo ông Trần Văn Phi, phó chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, do tăng học sinh, hiện nay toàn quận thiếu 20 giáo viên tiểu học, dù trước đó đã được bổ sung 13 giáo viên từ huyện Hoà Vang về các trường. Giải pháp trước mắt, quận sẽ có văn bản gửi Sở

GD-ĐT và Sở Nội vụ sớm kiểm tra con số học sinh tăng thực tế, để tạm giao chỉ tiêu giáo viên tiểu học, rồi sau đó quận sẽ tổ chức tuyển giáo viên.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, nhìn nhận: mục tiêu xây dựng chương trình học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học là tương đối cao so với thực tế, cộng thêm quá trình tăng trưởng dân cư rất nhanh, là một thách thức không nhỏ của ngành, dẫn đến tình trạng trường lớp, giáo viên “năm này đủ, năm sau lại thiếu”.

“Tháng 8 vừa qua, ngành đã có đề án quy hoạch tổng thể ngành giáo dục đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 cho đô thị lên tới 2,5 triệu dân. Sau khi thành phố phê duyệt, ngành sẽ kêu gọi, khuyến khích khối đầu tư tư nhân đầu tư trường lớp, nhất là việc xúc tiến đầu tư các trường quốc tế.

Trong năm nay chúng tôi cũng sẽ triển khai hội nghị mời gọi các nhà đầu tư, để cùng chung tay giải quyết bài toán nói trên với ngành trong thời gian tới” – ông Vĩnh cho biết.

Cần Thơ: học sinh tăng nhẹ tại trung tâm thành phố

Ngày 11-9, bà Trần Hồng Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết năm học 2017-2018, số lượng học sinh vào lớp 1 của TP tăng không đáng kể so với những năm trước. Có chăng chỉ tăng tập trung ngay tại quận Ninh Kiều, là trung tâm của thành phố, do đây là nơi công nhân viên chức, người lao động tập trung sinh sống khá đông.

HOÀNG HƯƠNG – TRƯỜNG TRUNG – T.TRANG